Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Giáo dục nghệ thuật phải là nhiệm vụ suốt đời”

0
1355

“Nhận thức về giáo dục nghệ thuật cần phải thay đổi. Ta phải nhìn nhận đây là môn học quan trọng, góp phần hình thành nên những con người phát triển toàn diện và tạo ra đội ngũ tài năng chuyên sâu về nghệ thuật cho đất nước. Giáo dục nghệ thuật phải là nhiệm vụ suốt đời”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh như vậy tại hội nghị “Nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật trong trường học” tổ chức ngày 21/8 do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Hà Nội.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Giáo dục nghệ thuật phải là nhiệm vụ suốt đời” - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị

Giáo dục nghệ thuật bị coi là môn phụ

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, giáo dục nghệ thuật là thành tố quan trọng của giáo dục toàn diện “đức – trí – thể – mỹ”, tác động đến việc hình thành nhân cách, nhân sinh quan của con người nhất là ở bậc Tiểu học.

Những cảm nhận về cái đẹp trong âm nhạc, mỹ thuật, có thể khơi gợi trong học sinh các tình cảm, suy nghĩ tốt để từ đó có ứng xử đẹp trong cuộc sống. Nghệ thuật ngoài ra có khả năng mạnh mẽ trong việc thúc đẩy, phát triển năng lực sáng tạo, khát vọng vươn lên… của mỗi con người.

Tuy có vai trò quan trọng và giáo dục nghệ thuật những năm qua đã được ngành giáo dục quan tâm nhưng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận thức thực tế của không ít nhà trường, phụ huynh, học sinh về môn học này vẫn chưa đúng mức. Giáo dục nghệ thuật bị coi là môn phụ, giáo viên dạy môn học này không được chú trọng và phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác ngoài chuyên môn. Nhiều tài năng âm nhạc, hội hoạ, sáng tác… của học sinh theo đó cũng chưa có môi trường phát triển.

“Nhận thức về giáo dục nghệ thuật cần phải thay đổi. Ta phải nhìn nhận đây là môn học quan trọng, góp phần hình thành nên những con người phát triển toàn diện và tạo ra đội ngũ tài năng chuyên sâu về nghệ thuật cho đất nước. Giáo dục nghệ thuật phải là nhiệm vụ suốt đời” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, chất lượng giáo dục nói chung và giáo dục nghệ thuật nói riêng phụ thuộc nhiều vào chất lượng giáo viên và để có được đội ngũ giáo viên nghệ thuật tốt thì căn cốt nhất là công tác đào tạo đội ngũ này từ các trường Sư phạm phải đảm bảo.

“Hiện nay Việt Nam có nhiều cơ sở đào tạo giáo viên nghệ thuật nhưng chương trình đào tạo chưa thống nhất, chất lượng đào tạo chưa đồng đều. Vì vậy, các nhà trường bám sát yêu cầu đầu ra về năng lực, phẩm chất người học, để thiết kế và chuẩn hoá chương trình đào tạo. Chương trình cần hạn chế tính hàn lâm, tăng tính thực hành, thực tế để hấp dẫn người học. Trường Đại học Nghệ thuật trung ương được giao làm đầu mối thực hiện công việc này” – Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng cho rằng, việc đào tạo giáo viên nghệ thuật cần gắn với nhu cầu thực tế của các địa phương để đảm bảo sinh viên ra trường có việc làm, tránh tình trạng đào tạo ồ ạt. Quá trình đào tạo phải gắn với thực tế để tạo ra đội ngũ giáo viên, giảng viên chắc về lý thuyết, lý luận phê bình, vững về chuyên môn nghiệp vụ.

Trong chương trình GDPT mới, môn học nghệ thuật sẽ xuất hiện thêm ở cấp THPT, cách tiếp cận, phương pháp và mục tiêu giảng dạy ở các cấp có sự thay đổi, vì vậy, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các địa phương bố trí đủ giáo viên, đồng thời tập huấn, bồi dưỡng cho các thầy cô nắm vững yêu cầu của chương trình mới để thực hiện tốt nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật trong trường học.

Cấp Tiểu học bị thiếu cục bộ giáo viên âm nhạc, mỹ thuật

Các môn học thuộc lĩnh vực nghệ thuật hiện nay gồm Âm nhạc, Mỹ thuật, được đưa vào chương trình giảng dạy của cấp Tiểu học, Trung học cơ sở và là môn bắt buộc.

Báo cáo về chất lượng giáo viên hai môn này trong nhà trường phổ thông, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho biết, thời gian qua công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên nghệ thuật đã được các nhà trường quan tâm nhưng chất lượng đội ngũ còn nhiều vấn đề cần suy nghĩ.

Nếu tính theo tiêu chí mỗi trường có ít nhất một giáo viên chuyên biệt môn Âm nhạc, một giáo viên môn Mỹ thuật thì số lượng giáo viên ở THCS cơ bản đủ nhưng cấp Tiểu học bị thiếu cục bộ.

Việc không có đủ giáo viên chuyên biệt cho các môn nghệ thuật khiến các nhà trường phải bố trí giáo viên “tay ngang” nên chất lượng đào tạo nhiều nơi chưa tốt. Cùng với đó, trình độ giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật nhất là ở cấp Tiểu học còn chưa đồng đều, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục học sinh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Giáo dục nghệ thuật phải là nhiệm vụ suốt đời” - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Việc không có đủ giáo viên chuyên biệt cho các môn nghệ thuật khiến các nhà trường phải bố trí giáo viên “tay ngang” nên chất lượng đào tạo nhiều nơi chưa tốt.

Để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho rằng, cần giải quyết 2 “nút thắt” về số lượng và trình độ giáo viên nói trên. Song song với đó, các địa phương, nhà trường cần chú trọng đầu tư, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trong thiết bị dạy học cho môn nghệ thuật.

Đảm bảo đủ số lượng giáo viên chuyên môn, chú trọng tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ hiện có, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học… cũng là đề xuất của đại diện các Sở GDĐT tỉnh Nam Định, TP Hà Nội, giảng viên trường Đại học Sư phạm nghệ thuật trung ương, để giải quyết bài toán nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật trong trường học, đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT mới.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh lại yêu cầu nhận thức đúng tầm quan trọng của giáo dục nghệ thuật để có sự quan tâm đầu tư đúng mức từ nhân lực, vật lực, tài lực cho lĩnh vực này. Công việc trên cần có sự chung tay phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, từ Bộ GDĐT, các Sở GDĐT, các nhà trường phổ thông, trường Sư phạm và địa phương để đảm bảo hiệu quả.