Thay cho bài kiểm tra thông thường, trước khi nghỉ Tết, hai lớp học ở Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TPHCM) trải qua bài kiểm tra một tiết “có một không hai”: làm mô hình về các tác phẩm văn học.
Tại lớp 11A15, cô giáo ra đề kiểm tra một tiết với yêu cầu: Tìm hiểu kĩ các tác phẩm Hai đứa trẻ, Hạnh phúc của một tang gia, Vĩnh biệt cửu trùng đài và làm mô hình mô phỏng về một cảnh mà các em tâm đắc trong tác phẩm.
Còn ở lớp 10, cũng với yêu cầu trên được thực hiện ở hai tác phẩm Nhàn và Cảnh ngày hè.
Thay vì làm bài kiểm tra viết quen thuộc, học sinh chia theo nhóm, cùng đọc, tìm hiểu, tranh luận, lựa chọn chi tiết để làm mô hình thể hiện tinh thần của tác phẩm. Tiếp đó, học sinh tự tìm nguyên vật liệu, tô màu, xây dựng mô hình…
Chưa hết, các em còn phải thuyết trình cho sản phẩm của mình để truyền tải nội dung, thông điệp.
Cô Trần Thị Quỳnh Anh – giáo viên Văn, người ra đề kiểm tra “độc, lạ” này chia sẻ, đây là nỗ lực của mình để học sinh học sinh đến với tác phẩm văn học bằng cảm nhận và trí tưởng tượng, sáng tạo của chính mình một cách gần gũi, sâu sắc nhất, chứ không qua những con chữ, bài viết.
Khi học sinh làm bài kiểm tra này, cô Quỳnh Anh – một giáo viên 9X không ngừng đổi mới trong dạy học – đánh giá, cô tiếp tục nhận ra các em học trò có khả năng sáng tạo vô cùng bất ngờ.
Cô Quỳnh Anh nói: “Các em luôn giỏi hơn những gì người lớn nghĩ”.
Theo Dantri