Có phương án thi THPT quốc gia cho một số địa phương đặc thù như Vĩnh Phúc

0
1486

Trao đổi với PV Dân trí tối 14/2, ông Nguyễn Xuân Thành – Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho hay, sẽ có phương án thi THPT quốc gia riêng cho các địa phương đặc thù vì dịch Covid-19.

Trả lời PV Dân trí tối 14/2 về việc với địa phương tâm dịch như Vĩnh Phúc, học sinh có thể phải nghỉ dài hơn các tỉnh khác. Theo đó, kế hoạch thi THPT quốc gia sẽ thực hiện ra sao? Cả nước phải chờ Vĩnh Phúc hay có phương án đặc thù cho các địa phương đặc biệt?

Ông Thành cho hay, điều quan trọng nhất là phải bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạng của học sinh, thầy cô giáo.

Như trường hợp Vĩnh Phúc, học sinh có thể phải nghỉ dài hơn thì địa phương phải nỗ lực hơn.

Đến thời điểm đi học, học sinh địa phương này sẽ phải cố gắng hơn so với các nơi khác để bù lại thời gian đã nghỉ.

Trường hợp cá biệt, học sinh phải nghỉ quá dài, Bộ GD&ĐT sẽ có phương án đặc thù theo thẩm quyền

Cũng theo ông Thành, Bộ GD&ĐT đã có đề nghị, trong thời gian cho học sinh tạm nghỉ học, các sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục duy trì liên lạc giữa nhà trường với gia đình và sự liên lạc giữa giáo viên (nhất là giáo viên chủ nhiệm) với học sinh để giao nhiệm vụ học tập và hướng dẫn học sinh tự học qua các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường.

Bộ khuyến khích giáo viên giao cho học sinh các nhiệm vụ học tập có sự kết hợp giữa việc ôn tập, hệ thống hóa kiến thức và việc vận dụng kiến thức trong phòng, chống bệnh dịch Covid-19.

Trường hợp cá biệt, học sinh phải nghỉ quá dài, Bộ GD&ĐT sẽ có phương án đặc thù theo thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền, Bộ sẽ xin ý kiến cơ quan cấp trên để giải quyết.

Về việc tại sao Bộ GD&ĐT không quyết định cho học sinh nghỉ học mà phải đề xuất ý kiến lên cấp trên, ông Thành cho hay, điều này phải thực hiện theo quy định của pháp luật mà cụ thể ở đây là Nghị định số 127 của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục.

Bộ GD&ĐT không quyết định cho học sinh nghỉ học mà phải đề xuất ý kiến lên cấp trên vì  phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

Theo đó, một trong những trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của UBND cấp tỉnh là: Sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; bảo đảm đủ biên chế công chức quản lý giáo dục, đủ số lượng người làm việc theo đề án vị trí việc làm được phê duyệt, đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, tiến tới tổ chức học 2 buổi/ngày ở giáo dục phổ thông; chịu trách nhiệm giải trình về hoạt động giáo dục, chất lượng giáo dục, quản lý đội ngũ công chức, viên chức, người lao động và người học thuộc phạm vi quản lý.

Căn cứ vào đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 2071/QĐ-BGDĐT ban hành khung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên áp dụng từ năm học 2017 – 2018 trong toàn quốc.

Điều 4 của Quyết định 2071 ghi rõ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định: Kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên cho phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Thời gian nghỉ học và thời gian kéo dài năm học trong trường hợp đặc biệt. Dịch bệnh Covid-19 là trường hợp đặc biệt, nên Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thời gian nghỉ học của học sinh trên địa bàn.

Được biết đến thời điểm này, Vĩnh Phúc là điểm nóng của dịch Covid-19. Với vai trò tham mưu, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã đề xuất với UBND tỉnh cho hơn 300 nghìn học sinh thuộc 516 trường và cơ sở trường, nghỉ học thêm một tuần (đến 23/2) để đề phòng dịch Covid-19.

Theo Dantri