Đề xuất phương án phù hợp với thi THPT quốc gia: Bỏ thi năm nay được không?

0
1293

PGS.TS Lê Hữu Lập cho rằng, năm nay không thể bỏ kỳ thi THPT quốc gia được mà hình thức thi, môn thi thì nên giữ ổn định như năm 2019, để tránh xáo trộn. Nhiều trường Đại học vẫn lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển vào đại học.

Trước tình hình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3 ngày 1/4, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp đối với thi THPT quốc gia năm nay.

Trước đó, như Tiền Phong đã đưa tin, một số chuyên gia giáo dục cho rằng Bộ GD&ĐT cần tính đến các phương án của kỳ thi THPT quốc gia năm nay trong bối cảnh dịch COVID-19 đang hoành hành.

Đề xuất phương án phù hợp với thi THPT quốc gia: Bỏ thi năm nay được không? - Ảnh 1.

PGS.TS Lê Hữu Lập

Không thể bỏ thi năm nay, tránh xáo trộn

Trao đổi về vấn đề trên, PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho hay, dịch bệnh COVID-19 vẫn phức tạp, chưa biết lúc nào thì học sinh quay lại trường.

PGS Lập cho rằng, nguyên tắc là tất cả học sinh THPT cả nước được học kiến thức lớp 12 đến đâu thì nội dung giới hạn thi đến đó, có thể chỉ dừng ở kiến thức học sinh học ở kỳ 1 cho kỳ thi THPT quốc gia.

Còn hình thức thi, môn thi thì nên giữ ổn định như năm 2019, để tránh xáo trộn”- PGS Lập nêu quan điểm.

Ông Lập cho rằng, vẫn phải có kỳ thi THPT quốc gia năm nay, vì nhiều trường đại học vẫn lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển vào đại học.

Những trường đại học có thương hiệu thì tuyển sinh khá dễ, kiểu gì thì họ cũng tuyển dễ dàng. Chỉ lo cho các trường top sau, chẳng biết dựa vào đâu. Họ tổ chức thi riêng là rất khó, vì ít thí sinh đăng ký và cả khâu tổ chức, dựa vào học bạ thì quá ít thông tin.

Ngoài ra, theo ông Lập, có thi THPT quốc gia thì học sinh mới nỗ lực ôn tập để củng cố kiến thức, chứ bây giờ công bố không thi, mà thời gian cũng còn dài đến khi kết thúc năm học.

Bỏ thi THPT mà có kỳ thi đại học quốc gia?

Có ý kiến cho rằng, nếu năm nay không bỏ kì thi THPT quốc gia thì nên rút bớt các môn thi. Về vấn đề này, PGS.TS Lê Hữu Lập cho rằng, không nên rút môn thi, không giải quyết vấn đề gì, vì ngành đang hướng đến học sinh cần học đều, không lệch.

Ông Lập cũng có đề xuất, trong những năm tới không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mà xét tốt nghiệp qua một kỳ thi nhẹ nhàng. Kỳ thi này do các sở giáo dục tổ chức để xét tốt nghiệp. Nhưng phải có kỳ thi đại học quốc gia để làm cơ sở cho các trg đại học cả nước tuyển sinh. Việc này rất quan trọng cho đào tạo nhân lực trình độ cao cho đất nước.

Theo ông Lập, hình thức giống thi THPT quốc gia thôi, số môn thi thì xem xét thêm. Chúng ta có kinh nghiệm làm đề thi trắc nghiệm, thì tổ chức thi trắc nghiệm là phù hợp.

Tuy nhiên, ông Lập nhấn mạnh, môn toán nên thi tự luận, còn những môn khác thi trắc nghiệm cũng phù hợp. Với kì thi đại học toàn quốc thì giao cho Trung tâm kiểm định độc lập, các Trường đại học phối hợp. Bộ với vai trò chỉ là quản lý nhà nước, giám sát.

“Nên sớm thay đổi, nhưng phải công bố trước, ít nhất là trước một năm”– ông Lập nêu quan điểm.

Theo Báo Tiền Phong