Tuyển sinh 2020: Nhiều trường rút ý định tuyển sinh riêng

0
1565

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng 2020 do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 8-5.

Tuyển sinh 2020: Nhiều trường rút ý định tuyển sinh riêng - Ảnh 1.

Giáo viên và học sinh lớp 12A7 Trường THPT Bình Phú, Q.6, TP.HCM, đang giải bài thi minh họa môn hóa sáng 8-5 – Ảnh: NHƯ HÙNG

Cũng trong sáng 8-5, Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2020.

“Thầy cô nào cho điểm học sinh cao vút
mà phổ điểm thi tốt nghiệp của học sinh
thấp thì nhà trường đó sẽ phải nhìn lại
chính mình. Chúng ta dần dần sẽ tạo ra
quy trình minh bạch, tốt hơn.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói về mối tương quan giữa điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp

Công tác tuyển sinh kéo dài đến 28-2-2021

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thu Thủy – quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT – cho biết công tác tuyển sinh năm 2020 có thể kéo dài đến 28-2-2021. Bên cạnh đó, quy chế tuyển sinh 2020 có một số điểm mới quy định việc tổ chức thi riêng; ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhóm ngành sư phạm, sức khỏe được quy định chung cho các hình thức và loại hình đào tạo; không công bố trúng tuyển trước khi thí sinh tốt nghiệp THPT…

Cũng theo bà Thủy, để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, năm nay bộ quy định rõ với những ngành có số lượng thí sinh trúng tuyển ít, không thể mở ngành, trường cần phải thông báo cho các bộ phận liên quan giải quyết chứ không nâng điểm chuẩn để đánh rớt thí sinh như năm 2019.

Một trong những điểm đáng chú ý là việc nhiều trường dự kiến tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng sau khi Bộ GD-ĐT công bố phương án thi tốt nghiệp THPT. Thậm chí, không ít trường đã công bố việc thi đánh giá năng lực, kỳ thi tuyển sinh riêng. Hiệu trưởng các trường y dược cũng đã họp bàn về việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ lưu ý các trường cần cân nhắc và nghiên cứu kỹ các điều kiện cần và đủ để thi riêng, tránh gây hoang mang dư luận.

“Tự chủ phải có lộ trình chứ không phải muốn làm gì thì làm, phải có sự kiểm soát chất lượng. Thi phải có quy chế, đội ngũ, ngân hàng đề… để đảm bảo tính khách quan, công bằng và minh bạch, chứ không phải nói thi là thi. Các trường cần phải trăn trở về trách nhiệm của mình với xã hội, đất nước trong giai đoạn này” – ông Nhạ nói.

Chia sẻ về quan điểm này, đại diện nhiều trường ĐH cho biết không ủng hộ phương án các trường tổ chức thi riêng bởi sẽ gây hoang mang trong xã hội, thí sinh. GS Tạ Thành Văn – hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội – cho biết trước khi bộ công bố quy chế tuyển sinh, các trường y khá lo ngại và dự kiến tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng.

Tuy nhiên, sau khi bộ công bố đề thi tham khảo có tính phân loại, các trường đã yên tâm khi có căn cứ xét tuyển. Tương tự, PGS.TS Trần Diệp Tuấn – hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM – cho biết trường cũng không tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển.

Cũng liên quan đến tuyển sinh, ông Nhạ đề nghị các trường phân bổ chỉ tiêu xét tuyển học bạ phù hợp. Một điểm khác bộ trưởng nhắc nhở các trường đó là tránh đưa ra những tổ hợp lạ, gây xôn xao và hoang mang dư luận. Tổ hợp xét tuyển phải đảm bảo tính khoa học và yêu cầu của ngành đào tạo. Bộ vẫn hỗ trợ các trường cơ sở dữ liệu và lọc ảo đợt 1.

Trường ĐH tham gia thanh tra

Trước dư luận cho rằng tỉ lệ tốt nghiệp THPT hằng năm gần 100% thì việc duy trì kỳ thi này liệu có ý nghĩa, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định việc tổ chức kỳ thi không chỉ có mục đích xét tốt nghiệp. Theo ông Nhạ, phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm nay Bộ GD-ĐT đã cân nhắc rất kỹ, xin ý kiến Thủ tướng, các bộ, ngành để xây dựng phương án đảm bảo đúng luật, phù hợp điều kiện đại dịch và lộ trình đổi mới.

“Phải thi tốt nghiệp để đánh giá trên diện rộng chất lượng giáo dục phổ thông sau 12 năm. Quan trọng hơn, sau kỳ thi này, trên cơ sở dữ liệu điểm thi bộ sẽ có khuyến cáo với các địa phương về các chính sách và phương pháp giáo dục phù hợp. Như năm 2019, kết quả môn sử và tiếng Anh thấp đã được mổ xẻ, tìm nguyên nhân và có những điều chỉnh phù hợp trong dạy và học” – ông Nhạ nhấn mạnh.

Ông Mai Văn Trinh – cục trưởng Cục Quản lý chất lượng – cho rằng kỳ thi tới đây về cốt lõi không thay đổi nhiều so với năm 2019. Bản chất của kỳ thi là đánh giá theo diện rộng, sử dụng xét tốt nghiệp THPT, tuyển sinh. Đề thi chính thức sẽ bám rất sát với đề thi tham khảo Bộ GD-ĐT đã công bố: nằm trong khuôn khổ năm lớp 12, nội dung nào tinh giản thì không đưa vào. Đề thi vẫn có độ phân hóa, theo phân tích của các trường ĐH, có thể hỗ trợ phần lớn cho công tác tuyển sinh.

Phần lớn các trường dự kiến sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 làm căn cứ xét tuyển nhưng vẫn còn lo ngại về tính nghiêm túc của kỳ thi. Năm 2019, có đến 50.000 người từ các trường ĐH về các địa phương làm công tác coi thi, giám sát, kiểm tra. Năm nay, việc tổ chức kỳ thi được giao cho các địa phương. GS.TS Phạm Hồng Quang – giám đốc ĐH Thái Nguyên – đề xuất cần tăng cường thêm thanh tra ủy quyền từ các trường ĐH, để tăng niềm tin cho xã hội về một kỳ thi nghiêm túc.

Tương tự, GS Tạ Thành Văn cho rằng “kỳ thi đã được giao về cho địa phương tổ chức, làm thế nào để đảm bảo độ tin cậy của kỳ thi tốt nghiệp? Chúng tôi đề xuất nên có tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ghi nhận những đề nghị này và cho biết sẽ có những thay đổi phù hợp khi năm nay giảng viên ĐH không tham gia coi thi. “Năm nay tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT được giao cho địa phương, nhưng không hẳn là khoán. Trách nhiệm của Bộ GD-ĐT cũng như các trường ĐH cũng rất nặng nề. Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

Năm nay có một số lượng người từ các trường ĐH cùng thanh tra bộ phối hợp thanh tra tỉnh, thanh tra các sở về địa phương. Những đoàn thanh tra này về địa phương với mục đích đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, minh bạch, an toàn; phối hợp cùng địa phương tạo nên mùa thi tốt, cố gắng không gây áp lực, săm soi tìm sai phạm” – ông Nhạ nói thêm.

Chia sẻ quan điểm này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết năm nay không cử lực lượng 50.000 thầy cô ở ĐH về các tỉnh. Dẫu vậy, các cơ sở ĐH vẫn phải tham gia công tác thanh tra, kiểm tra để đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, an toàn. Các cơ sở giáo dục nên lựa chọn cán bộ thanh tra có kinh nghiệm, có tinh thần trách nhiệm cao, tham gia tập huấn thật tốt.

Không nên để địa phương công bố phổ điểm

TS Võ Thanh Hải – phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân – kiến nghị bộ nên tổng hợp và công bố phổ điểm từng môn thi, theo tổ hợp môn như trước đây, để các trường có cơ sở đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Nếu để từng địa phương công bố, số liệu sẽ không có tính tổng hợp và các trường sẽ khó có dữ liệu để đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng hợp lý về chất lượng và nguồn tuyển.

TS Trần Đình Lý (phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM): Đa dạng phương thức xét tuyển

trần đình lý

TS Trần Đình Lý

Năm nay Trường ĐH Nông lâm TP.HCM bổ sung thêm 2 phương thức tuyển sinh mới là kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM (15% chỉ tiêu) và học bạ (40-50% chỉ tiêu), bên cạnh xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Những năm trước trường chỉ tuyển căn cứ vào kết quả thi THPT quốc gia.

Việc đa dạng phương thức xét tuyển nhằm đáp ứng nhu cầu của thí sinh trong bối cảnh dịch bệnh. Tuy nhiên, càng nhiều phương thức, tỉ lệ ảo có thể càng lớn. Do vậy, bộ cần kiểm soát và lọc ảo tốt thí sinh xét tuyển bằng nhiều phương thức để tạo thuận lợi cho các trường.

PGS.TS Ngô Minh Xuân (hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch): Thêm điều kiện phụ

ngô minh xuân

PGS.TS Ngô Minh Xuân

Sau cuộc họp sáng 8-5, phương án tuyển sinh 2020 của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cơ bản dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, ngoài ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do trường đưa ra, dự kiến sẽ có thêm một tiêu chí phụ về điểm trung bình học tập bậc phổ thông. Việc này nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng học sinh có điểm thi tốt nghiệp cao nhưng kết quả học tập bậc phổ thông lại thấp.

Theo Báo Tuổi Trẻ