Công nghệ thông tin là một trong số ít những ngành hot, chiếm ưu thế trên tất cả các sàn tuyển dụng. Nhu cầu lớn, lương cao, nhưng thực tế không dễ để tuyển được nhân lực ngành này.
Thu nhập tăng liên tục
Liên tiếp trong thời gian qua VietnamWorks – trang web tuyển dụng trực tuyến hàng đầu thuộc tập đoàn Navigos Group đã có những công bố liên quan tới nhân lực ngành công nghệ thông tin (CNTT). Báo cáo đầu tháng 6/2020 thị trường nhân lực ngành CNTT thập niên 2010 – 2020 cho thấy, lao động ngành CNTT đang đứng trước triển vọng gia tăng thu nhập chưa từng thấy.
Công nghệ thông tin là một trong số ít những ngành hot, chiếm ưu thế trên tất cả các sàn tuyển dụng. Nhu cầu lớn, lương cao, nhưng thực tế không dễ để tuyển được nhân lực ngành này.
Đáng chú ý, mức lương đăng tuyển trung bình cao nhất biến động qua từng năm cho thấy sự thay đổi xu hướng CNTT tại Việt Nam trong thập kỷ qua. Nếu như những năm 2010, lương của đội ngũ làm CNTT chỉ ở mức từ 10 – 20 triệu đồng/tháng, thì nay mức lương này có thể tăng lên gấp 2 – 3 lần.
Ông Nguyễn Quang Tuấn – Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Việc làm Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho rằng, nhu cầu nhân lực CNTT tăng lên từng ngày. Tuy nhiên, nghịch lý là nhu cầu cao nhưng nhân lực thì khá ít. Mỗi năm nhà trường đào tạo ra hàng trăm lao động làm trong ngành này, nhưng cứ đào tạo ra tới đâu thì doanh nghiệp tới tuyển dụng tới đó. Thu nhập của lao động ngành CNTT mới ra trường dao động từ 11 – 20 triệu đồng/tháng. Với những vị trí quản lý, cần có kinh nghiệm, lương có thể lên tới 2.000 – 3.000USD (khoảng từ 45 – 65 triệu đồng/tháng).
“Mức lương cao, đãi ngộ tốt, nhưng không phải lúc nào doanh nghiệp cũng có thể tuyển được lao động. Phần là bởi thiếu lao động, phần là bởi lao động ngành CNTT của chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp. Có lao động có kỹ năng tay nghề, nhưng thiếu, yếu về ngoại ngữ. Có lao động giỏi về chuyên môn, nhưng thiếu kinh nghiệm quản lý…” – ông Tuấn nói.
Cung cao, cầu thiếu hụt
Tại Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), số nhân lực CNTT hiện làm việc tại đây khoảng 1.500 người và dự kiến tới năm 2025, VNPT cần khoảng 5.000 kỹ sư CNTT. Tập đoàn FPT cho biết, 3 năm tới sẽ thu hút thêm 10.000 – 20.000 nhân sự để đáp ứng nhu cầu phát triển, triển khai dịch vụ chuyển đổi số của khách hàng trên toàn cầu.
Còn tại Tập đoàn Viettel, mỗi năm cần tuyển dụng 500 – 1.000 kỹ sư cho các dự án lớn về Big Data, AI, công nghệ hàng không vũ trụ, toán học ứng dụng… Theo nền tảng tuyển dụng chuyên CNTT TopDev, năm 2020, nguồn nhân lực CNTT sẽ thiếu khoảng 100.000 người. Cụ thể, năm 2020 sẽ cần khoảng 400.000 nhân lực, nhưng chỉ đáp ứng được 300.000. Đến năm 2021 sẽ thiếu khoảng 190.000 nhân lực.
Lấy năm 2010 là mốc đánh giá, báo cáo của VietnamWorks đầu tháng 6/2020 vừa qua đã cho thấy nhu cầu tuyển dụng của ngành CNTT đã tăng gấp 4 lần chỉ sau 1 thập kỷ. Trong đó, 7 nhóm ngành thuộc lĩnh vực CNTT có nhu cầu tuyển dụng phổ biến lần lượt là: Phát triển phần mềm; hỗ trợ kỹ thuật; quản lý dự án/sản phẩm; thiết kế trải nghiệm người dùng (UX) và giao diện (UI); kỹ sư kiểm định chất lượng sản phẩm QA/QC; khoa học dữ liệu.
Trong 10 năm qua, nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành phát triển phần mềm luôn chiếm hơn 50% và có ảnh hưởng lớn nhất đến nhu cầu tuyển dụng của toàn ngành CNTT.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương – chuyên gia lao động, cho rằng, trong bối cảnh thực tại, khi nền kinh tế đang hứng chịu khủng hoảng ghê gớm từ dịch Covid -19, thì ngành CNTT lại vẫn trụ vững. Các doanh nghiệp làm CNTT vẫn liên tục phát triển, thậm chí phát triển mạnh hơn. Đương nhiên để mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế theo hướng 4.0, các doanh nghiệp này cần nhiều nhân lực hơn nữa.
“Nhu cầu lớn nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng tìm được ứng cử viên bởi xu hướng cạnh tranh nhân lực CNTT đang diễn ra rất mạnh mẽ, không riêng gì trong nước mà cả trong khu vực và quốc tế. Dường như chỉ có nhóm lao động phổ thông, lao động tay nghề thấp là không có khả năng cạnh tranh trong cuộc đua tìm việc và dễ bị thất nghiệp, còn lại lao động làm ngành CNTT, nhất là người có kinh nghiệm vẫn rất được săn đón” – bà Hương nói.
Để giải bài toán thiếu hụt nhân lực CNTT, bà Hương cho rằng, ngoài giải pháp như mở rộng khối trường CĐ, ĐH. Trong đào tạo, cần nâng cao chất lượng. Thực tế, một thời gian dài lao động học CNTT của chúng ta học xong vẫn chưa thể gia nhập thị trường lao động ngay.
“Tôi cho rằng cần phải có sự can thiệp về mặt chính sách vĩ mô từ góc độ đào tạo. Chương trình đào tạo cũng cần sát thực tiễn lấy việc nâng cao tác phong công nghiệp, chuẩn ngoại ngữ làm thước đo” – bà Hương nói.
Theo Báo Dân Việt