Thay thế lực lượng kiểm tra thi đến từ vùng dịch

0
1163

Ngay sau khi dịch COVID-19 bùng phát tại Ðà Nẵng, Sở GD&ÐT Phú Yên đã có văn bản gửi Bộ GD&ÐT xem xét việc cử đoàn thay thế đoàn kiểm tra in sao đề thi và công tác coi thi THPT quốc gia 2020 từ trường ÐH Sư phạm Ðà Nẵng (thuộc Ðại học Ðà Nẵng) đến tỉnh này như kế hoạch trước đó.

Ngày 28/7, PV Tiền Phong đã trao đổi với ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT về những nội dung liên quan đến việc điều động đội ngũ kiểm tra thi đến từ các trường ĐH ở vùng dịch.

Thay thế lực lượng kiểm tra thi đến từ vùng dịch - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ðức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD&ÐT.

Từ 28/7, toàn thành phố Đà Nẵng thực hiện cách ly xã hội do dịch COVID-19. Phương án của bộ trong việc điều động các trường đại học khác thay thế các trường ĐH tại Đà Nẵng đã được phân công trước đó như thế nào, thưa ông?

Trưởng ban chỉ đạo thi quốc gia đã họp bàn một số nội dung về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh mới. Thanh tra đã liên hệ với một số cơ sở giáo dục ĐH, Cục Nhà trường – Bộ Quốc phòng để xây dựng ngay phương án bổ sung, thay thế đội ngũ cán bộ, giảng viên ĐH kiểm tra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Theo phân công của bộ trưởng, 2 trường ĐH của Đà Nẵng được phân công kiểm tra thi là ĐH Duy Tân và trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) với số lượng là 91 người.

Ngoài ra, các trường trên địa bàn Đà Nẵng còn tham gia công tác in sao đề thi và kiểm tra thi tại 5 địa phương khác là Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, tổng số 284 người.

Thanh tra Bộ GD&ĐT đã xây dựng phương án điều động cán bộ, giảng viên ĐH tại các địa phương khác làm công tác kiểm tra thi thay thế.

Đối với địa bàn Đà Nẵng, theo chỉ đạo của Thủ tướng, tiến hành phân loại thí sinh theo các đối tượng phù hợp, vẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Với 5 địa phương còn lại, Bộ GD&ĐT đưa ra giải pháp như sau: Bộ đã trao đổi với ĐH Huế tăng cường nhân lực từ ĐH Kinh tế và Khoa Luật (đều là thành viên của ĐH Huế) tới Quảng Nam.

Tại Quảng Ngãi, có 3 trường ĐH đều đến từ Đà Nẵng. Bộ thay thế bằng trường ĐH Tài chính Kế toán và ĐH Phạm Văn Đồng.

Tỉnh Phú Yên có 1 trường đến từ Đà Nẵng. Bộ đã có văn bản gửi Bộ Quốc phòng để điều động nhân lực từ Trường Sĩ quan thông tin liên lạc và Trường Sĩ quan Phòng không không quân. Tại Gia Lai, Bộ đã yêu cầu ĐH Tây Nguyên cử nhân lực thay thế. Còn tại Kon Tum, cán bộ, giảng viên đến từ Học viện Hải quân và Trường Sĩ quan Phòng không không quân sẽ thay thế hai trường ĐH đến từ Đà Nẵng.

Có thể thấy, lực lượng cán bộ, giảng viên thay thế phần lớn đến từ chính các cơ sở giáo dục ĐH tại chỗ. Như vậy liệu có khách quan, công bằng, thưa ông?

Nói là lực lượng tại chỗ nhưng thực chất, đó đều là các trường ĐH trực thuộc các bộ (Bộ GD&ĐT, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính) để đảm bảo tính khách quan. Chỉ duy nhất ĐH Phạm Văn Đồng là trường thuộc địa phương quản lý.

Dịch COVID-19 chưa thể đoán trước sẽ còn bùng phát ở những địa phương nào. Vậy Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có phương án để chuẩn bị đủ lực lượng dự phòng chưa?

Phương án sẽ được xây dựng theo tình hình thực tế diễn ra. Hiện tại, có 235 trường, chúng ta mới sử dụng 130 trường nên số dư vẫn còn nhiều. Bước đầu, ưu tiên điều động những trường ĐH lớn, có kinh nghiệm làm công tác thi nhiều năm nay.

Theo kinh nghiệm của ông, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, khâu nào cần lưu ý nhất?

Trong các khâu của kỳ thi từ coi thi, chấm thi, phúc khảo đều phải tập trung. Trong tập huấn thanh tra và làm việc với các địa phương chúng tôi đều đặc biệt lưu ý phần coi thi là khâu tiềm ẩn sai sót. Do đó, phải nhấn mạnh và quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân tham gia kỳ thi. Các địa phương cũng đều chú trọng việc này.

Cảm ơn ông!

Theo Báo Tiền Phong