Tuyển sinh ĐH,CĐ 2020: Tỉnh táo lựa chọn để tránh rớt oan

0
1084

Hầu hết các trường đại học đã công bố điểm sàn xét tuyển để thí sinh làm căn cứ điều chỉnh nguyện vọng vào ngày 19/9 tới. Tuy nhiên, để tránh bị rớt oan, thí sinh cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ điểm sàn, điểm chuẩn…

PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi – Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết, Hội đồng tuyển sinh nhà trường đang lên kế hoạch họp để đưa ra mức điểm sàn riêng cho trường mình, dự kiến công bố ngày 18/9. Theo ông Khôi, điểm sàn của trường sẽ bằng hoặc cao hơn điểm sàn của Bộ GD&ĐT, tùy từng ngành. Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng dự kiến điểm sàn của trường bằng hoặc cao hơn điểm sàn của Bộ GD&ĐT. Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Sài Gòn… dự kiến điểm sàn của trường cũng sẽ bằng hoặc cao hơn điểm sàn do Bộ GD&ĐT công bố.

Trong khi đó, với các trường đại học dân lập có đào tạo khối ngành sức khỏe, sư phạm như Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Tân Tạo, Trường ĐH Văn Lang…, điểm sàn của trường cũng sẽ là điểm sàn của Bộ GD&ĐT. PGS.TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho biết, điểm sàn của trường sẽ bằng với điểm sàn của Bộ GD&ĐT bởi thí sinh điểm cao sẽ đổ dồn đăng ký vào các trường công lập.

Ðiểm cao vẫn có thể rớt đại học

Theo ThS. Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, điểm sàn năm nay của trường này dao động từ 18 – 20 điểm tuỳ ngành. Ông Nam dự đoán, điểm chuẩn trúng tuyển sẽ tương đương điểm sàn hoặc cao hơn từ 1-2 điểm, tùy ngành.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho biết, năm nay, trường lấy điểm sàn để các thí sinh đăng ký vào trường là điểm chuẩn năm 2019, dao động từ 15 – 20 điểm. “Những ngành điểm cao là những ngành “hot”, có lượng thí sinh hằng năm đăng ký đông như công nghệ thực phẩm, quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, kế toán… Do đó, thí sinh hết sức lưu ý để điều chỉnh nguyện vọng, tăng cơ hội túng tuyển”, ông Sơn lưu ý.

Theo ông Sơn, dù rất nhiều thí sinh trúng tuyển song tỷ lệ nhập học rất thấp, có thể các em vẫn muốn chờ đợi để được trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. “Điều này là không nên, vì các hình thức xét tuyển là như nhau. Nếu thí sinh trúng tuyển vào ngành mình yêu thích thì các em nên xác nhận nhập học, không nên chần chừ bởi trong đợt xét tuyển tới sẽ có nhiều biến động khó lường, điểm cao vẫn rớt đại học thường xảy ra ở phương thức này”, ông Sơn nói.

Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin – Truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) khuyên thí sinh không nên dựa vào điểm sàn mà phải dựa trên điểm chuẩn năm 2019 và năm 2017 để xem xét trước khi quyết định giữ hay đổi nguyện vọng, vì điểm thi năm nay có phổ điểm tương tự 2017. “Còn việc xem xét điểm chuẩn của 2019 là để xem xu hướng ngành học, tính cạnh tranh cao không để cân nhắc. Bởi điểm chuẩn là dựa vào điểm thi, chỉ tiêu xét tuyển và số lượng đăng ký quyết định”, ông Quán nói.

TS.Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho rằng, thí sinh có thể tạm chia thành ba nhóm ngành thuộc tốp trên, giữa và dưới. “Những ngành khó tuyển được xếp vào nhóm dưới, thường có điểm chuẩn rất sát với điểm sàn. Nhóm trên thu hút nhiều thí sinh giỏi nên chắc chắn điểm chuẩn cách sàn nhiều điểm. Nhóm giữa độ chênh giữa điểm sàn và điểm chuẩn ít hơn”, ông Lý phân tích.

Theo ông Lý, đặc thù năm nay nhiều phương thức xét tuyển nên tỷ lệ trúng tuyển ảo khá lớn và thực sự rất khó lường. Thí sinh không nên chủ quan dù điểm thi cao. Về nguyên tắc chọn ngành, chọn trường, ông Lý khuyên thí sinh nên sắp xếp theo thứ tự nghề rồi đến ngành, đến trường chứ đừng nên ngược lại. Chọn nghề, chọn ngành, chọn trường phù hợp với năng lực bản thân, không nên theo nguyện vọng của gia đình hay a dua theo bạn bè…

Theo Báo Tiền Phong