Tiếng Hàn và tiếng Đức trở thành môn học “bắt buộc”: Thế giới phẳng không có nghĩa là tất cả phải học tiếng Anh!

0
1061

Khi thông tin về việc Bộ Giáo dục sẽ đưa tiếng Hàn và tiếng Đức trở thành “ngoại ngữ 1”, làn sóng tranh luận trên mạng xã hội lại diễn ra sôi nổi. Nhưng liệu chúng ta đã đủ bình tĩnh để nhìn lại điều gì thực sự đằng sau câu chuyện học ngoại ngữ?

Việt Nam những năm 2019 chứng kiến những sự chuyển dịch kinh tế mạnh mẽ khi các công ty nước ngoài đầu tư mạnh vào Việt Nam. Những khu “phố Hàn”, “phố Nhật” mọc lên theo cùng sự xuất hiện của các nhân viên người Hàn. Họ sống ở Việt Nam nhưng vẫn cần các dịch vụ gợi nhớ về quê nhà. Lạc bước trong nhiều khu đô thị hay những căn hộ cao cấp, nhiều người không nghĩ mình đang ở Việt Nam khi xung quanh là thứ ngôn ngữ xa lạ. Năm 2019, vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam chiếm 20% tổng số vốn FDI đăng ký với khoảng 8.900 doanh nghiệp đang đầu tư vào Việt Nam, sử dụng hơn 1 triệu lao động.

Điều gì có thể thấy từ những con số vĩ mô như vậy? Và liệu nó có xa xôi với người trẻ Việt quá không?

Bạn tôi từng là nhân viên cho một nhà hàng Hàn Quốc nhỏ tại khu Mễ Trì. Làm được hơn năm, cậu được thăng chức lên trưởng ca rồi dần lên vị trí quản lý nhà hàng. Khéo léo trong giao tiếp, nhiệt tình và có bằng tiếng Hàn topik 5 ngay từ hồi còn là sinh viên, công việc của cậu trở nên thuận lợi hơn hẳn những đồng nghiệp chỉ dắt túi tiếng Anh, hoặc tiếng Hàn trình độ sơ đẳng.

Biết tiếng Hàn kể cũng lợi, tao làm ở đây một thời gian ngắn là được lên làm quản lý ca rồi. Khách người Hàn nhiều, họ không nói tiếng Việt cũng chẳng rành tiếng Anh thì chịu chết,” cậu bạn tôi chia sẻ khi được hỏi về lợi thế tiếng Hàn của mình.

Những nhà hàng như vậy đang làm mọc lên như nấm sau mưa ở cả Hà Nội và Sài Gòn, nơi tập trung rất đông những người Hàn Quốc. Nhân lực ngành tiếng Hàn vì thế cũng tăng trong những năm vừa qua. Theo số liệu, thu nhập trung bình của nhân lực ngành tiếng Hàn trung bình có thể rơi vào khoảng gần 1.000 USD (23 triệu, số liệu năm 2019). Hiện trên cả nước có khoảng 29 trường đại học cao, đẳng dạy tiếng Hàn. Tuy nhiên, con số trên dường như còn quá nhỏ nếu kể tới cả các trung tâm dạy tiếng Hàn bên ngoài, phục vụ chính cho lực lượng lao động phổ thông và những người Việt muốn đi lao động tại Hàn Quốc.

Thị trường lao động ngoại ngữ Việt Nam chắc chắn vẫn sẽ tăng trong những năm tới, không chỉ với ngôn ngữ Hàn mà nhiều thứ tiếng khác. Chính vì vậy, việc đưa ngoại ngữ vào giảng dạy không chỉ tại các cơ giáo dục đại học, cao đẳng mà tại các trường phổ thông cũng cực kỳ quan trọng. Điều này phần nào giải thích được vì sao Bộ Giáo dục và đào tạo quyết định đưa việc dạy thí điểm tiếng Hàn và tiếng Đức vào hệ phổ thông 10 năm, bên cạnh các thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Nhật, Trung đã được đưa vào trong những lần thay đổi vào năm 2006 và năm 2011.

Đa dạng lựa chọn ngôn ngữ: Mở lối cho học sinh

Thông tin được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra trong thời gian ngắn đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các bạn trẻ. Tuy nhiên, đã có những hiểu sai nhất định xoay quanh câu chuyện “bắt buộc giảng dạy”. Tiếng Hàn và tiếng Đức được đưa vào làm “Ngoại ngữ 1” cùng quy định trước đó “Ngoại ngữ 1 là bắt buộc” đã khiến nhiều người có lập luận bắc cầu rằng, tiếng Hàn và tiếng Đức là môn ngoại ngữ bắt buộc, gây ra nhiều tranh cãi và lo lắng từ các bậc phụ huynh. Trên thực tế, tiếng Hàn hay tiếng Đức không phải thứ tiếng bắt buộc duy nhất và tiếng Anh cũng không phải là ngôn ngữ mặc định cho khối phổ thông tại Việt Nam. Theo Chương trình giáo dục phổ thông được ban hành vào năm 2006 và 2011, học sinh được lựa chọn một trong năm ngoại ngữ bắt buộc là tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung và Nhật. Với việc thêm tiếng Hàn và tiếng Đức, số ngôn ngữ các trường có thể lựa chọn là 7. Trước đó, tiếng Hàn và Đức được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép dạy như ngoại ngữ thứ hai.

Dễ hiểu, tiếng Hàn và tiếng Đức có thể được lựa chọn vào chương trình giảng dạy chính thức hoặc trở thành ngoại ngữ tự chọn nhưng quyết định thuộc về từng trường.

Việc đưa thêm hai ngôn ngữ mới không đồng nghĩa với bắt buộc học sinh chuyển từ học tiếng Anh sang tiếng Đức hay tiếng Hàn. Vấn đề nằm ở việc lựa chọn cho học sinh đã trở nên đa dạng hơn, dù trên thực tế không phải trường nào cũng có điều kiện để giảng dạy tất cả các ngôn ngữ. Mở ra một ngoại ngữ mới cho học sinh là cách nhiều người vẫn mong mỏi nhìn thấy trong giáo dục: Những cơ hội mới để học sinh thỏa sức, hạn chế dần sự rập khuôn, để giáo dục cùng vận hành với xu hướng của cuộc sống và nhu cầu của xã hội.