Sau một ngày mở cổng đăng ký dự thi đánh giá năng lực đợt 1, đợt 2, đợt 3 từ ngày 1- 24/4 của ĐH Quốc gia Hà Nội, số thí sinh đăng ký đã lên tới hơn 5.000 em.
Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội mở cổng đăng ký dự thi đánh giá năng lực đợt 1, đợt 2, đợt 3 từ ngày 1/4 – 24/4. Số chỗ phục vụ cho 3 đợt thi đầu tiên là 6.000 thí sinh.
Tính đến 17 giờ 00 ngày 2/4, số thí sinh đăng ký dự thi cụ thể:
* Đợt 1 thi ngày 8-9/5:
Số chỗ phục vụ: 2.000 thí sinh
Số thí sinh tham gia đăng ký: 2.000
* Đợt 2 thi ngày 15-16/5:
Số chỗ phục vụ: 2.000 thí sinh
Số thí sinh tham gia đăng ký: 1.732
* Đợt 3 thi ngày 05-06/6:
Số chỗ phục vụ: 2.000 thí sinh
Số thí sinh tham gia đăng ký: 1.351
Thí sinh phải hoàn thành việc nộp phí đăng ký thi mới đủ điều kiện trong danh sách dự thi chính thức. Các đợt thi tiếp theo mở nhận đăng ký từ 17/5 – 4/6, cho tổng số 6.000 thí sinh dự thi.
Đợt 4, đợt 5, đợt 6 sẽ được tổ chức vào: 12-13/6, 10-11/7 và 24-25/7.
Thí sinh đăng ký sẽ nhận được thông báo về số báo danh, phòng thi trước 2 ngày dự thi qua email hoặc tra cứu tại cổng thông tin khảo thí trước ngày thi.
Trước đó, ngày 1/4, ĐH Quốc gia Hà Nội chính thức mở cổng cho thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá năng lực. Thí sinh đăng ký tại địa chỉ: khaothi.vnu.edu.vn hoặc qua cet.vnu.edu.vn. Hiện có phiên bản cho máy tính, chưa phục vụ trên điện thoại thông minh, thí sinh sử dụng máy tính khi đăng ký dự thi (ĐKDT).
Theo hướng dẫn, để ĐKDT, thí sinh phải có email cá nhân, không sử dụng của người khác. Email này để đăng ký tài khoản tại cổng thông tin – khảo thí. Tài khoản này được duy trì trong 24 tháng kể từ ngày ĐKDT, tiếp nhận phản hồi từ cổng thông tin – khảo thí, tra cứu thông tin và kết quả thi. Ngoài ra, thí sinh phải có ảnh chân dung bản điện tử. Ảnh được chụp trong 6 tháng tính đến thời điểm ĐKDT.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo – Phó Trưởng Ban Đào tạo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: Bài thi đánh giá năng lực (ĐGNL) học sinh THPT của ĐH Quốc gia Hà Nội nhằm đánh giá 3 nhóm năng lực chính, kiểm tra kiến thức, kỹ năng của học sinh tích lũy trong quá trình học tập. Các câu hỏi được xây dựng từ cơ bản đến nâng cao, có câu hỏi vận dụng ở mức độ trung bình đến khó.
Do đó, học lệch hay học tủ, thậm chí “học gạo” không phải là cách tốt nhất để đạt điểm thi cao. Cách thức đơn giản nhất là thí sinh hãy dành thời gian làm bài thi tham khảo trước ngày đăng ký dự thi. Trong những năm tới, Trung tâm Khảo thí sẽ cung cấp thêm một số đề thi tham khảo bên cạnh việc bổ sung liên tục các câu hỏi mới vào ngân hàng đề.
Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, bài thi gồm 3 phần: Định lượng (75 phút), Định tính (60 phút), Khoa học (60 phút). Sau khi hoàn tất các bước đăng ký dự thi, học sinh làm bài thi tham khảo, cân đối thời gian hợp lý cho từng phần thi. Trước ngày thi, hãy giữ gìn sức khỏe, ôn tập các phần kiến thức chuyên môn chưa làm tốt ở các đề thi tham khảo, kiểm tra lại địa điểm thi, ngày và giờ thi trên tài khoản cá nhân tại www.khaothi.vnu.edu.vn hoặc kiểm tra hộp thư điện tử (email) để nhận các thông báo mới (nếu có).
ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức thi cho 10.000 – 12.000 thí sinh ( từ 5-6 đợt/năm), đợt 1 ngày 8-9/5. Năm 2021, việc chấm điểm thực hiện theo quy trình: câu trả lời đúng được 1 điểm, câu trả lời sai không tính điểm. Thí sinh biết điểm thi từng phần và tổng điểm ngay sau khi hoàn thành bài thi, tra cứu kết quả thi trên cổng: www.khaothi.vnu.edu.vn. Giấy chứng nhận kết quả thi được gửi tới thí sinh sau 14 ngày dự thi.