Theo thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán (Hà Nội) nhận định, căn cứ vào phổ điểm các môn và các khối, có thể nhận xét về bức tranh tuyển sinh năm nay.
Theo thầy Tùng, điểm chuẩn các trường khối A, B, hầu hết điểm chuẩn sẽ giảm từ 0.5 – 1 điểm.
Khối A1: Điểm chuẩn sẽ tăng nhẹ từ 0.5 – 1 điểm.
Khối D: Điểm chuẩn sẽ tăng khá mạnh từ 1 – 2 điểm.
Cũng theo thầy Tùng, dự kiến điểm chuẩn theo top các trường đại học thì ở trường tốp đầu sẽ ít biến động, tương tự năm 2020.
Các ngành hot vẫn tăng từ 0.5 – 1 điểm: Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính, Công nghệ thông tin, Kinh doanh quốc tế, Truyền thông, Báo chí,…
Ở các trường top giữa tăng khá mạnh, từ 1 – 2 điểm nhưng với các trường top dưới không tăng.
Thầy Tùng cho rằng, tuyển sinh đại học năm nay của các trường không gặp khó vì phổ điểm không có nhiều xáo trộn, bức tranh tương tự 2020
Các đại học năm nay có nhiều phương thức xét tuyển như học bạ, Ielts, … nên cũng chủ động được việc tuyển sinh.
Đề thi phân hóa tốt nên không có “mưa” điểm cao, các trường tốp 1 không gặp khó, dễ xét tuyển.
PGS Nguyễn Phong Điền, Hiệu phó trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định, phổ điểm của các môn thi/bài thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cơ bản đều ổn định so với phổ điểm Kỳ thi các năm 2019, 2020.
Ông dự đoán, điểm chuẩn năm nay sẽ cao hơn năm trước.
Xét riêng về trường đại học Bách Khoa Hà Nội, xưa nay thí sinh miền Bắc trúng tuyển vào trường này thường thuộc tốp 10-12% thí sinh có điểm cao nhất Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trường dành sự quan tâm nhiều đến số thí sinh đạt từ 26 điểm trở lên từ kỳ thi này. Nhìn vào phổ điểm ở dải điểm quan tâm ấy và thấy được mức độ phân loại thí sinh.
“Rất may là phổ điểm phân hoá về sau tốt với các môn Toán, Lý, Hoá ít có bài thi đạt mức điểm 10. Điều này giúp các ngành top đầu của trường như Khoa học máy tính; Khoa học dữ liệu (năm ngoái là 29.04 điểm chuẩn) bớt căng thẳng hơn trong xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT dù điểm chuẩn có thể nhích hơn một chút”, PGS Nguyễn Phong Điền nói.