Ba ngày sau khi được cấp mã số sinh viên, Phương bị Đại học Ngân hàng huỷ kết quả vì không thuộc diện thí sinh được xét đặc cách tốt nghiệp.
Phương, 18 tuổi, cựu học sinh THPT chuyên Nguyễn Du (TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) đăng ký 5 nguyện vọng vào đại học theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp; nguyện vọng 1 vào ngành Kinh doanh quốc tế, Đại học Tài chính – Marketing; 4 nguyện vọng còn lại thuộc nhóm ngành kinh doanh Đại học Mở, Kinh tế TP HCM. Nữ sinh đạt 26,4 điểm ở tổ hợp A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh).
Trong thời gian chờ đại học công bố điểm chuẩn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp đồng loạt vào 15 và 16/9, Phương tìm hiểu thêm các phương thức khác của nhiều đại học ở TP HCM.
Ngày 13/8, Đại học Ngân hàng TP HCM xét tuyển bổ sung dành cho các thí sinh thuộc diện đặc cách tốt nghiệp THPT năm 2021. Điều kiện bắt buộc để nộp hồ sơ là: Thí sinh thuộc diện đặc cách xét tốt nghiệp, không trúng tuyển các phương thức tuyển sinh khác của trường, điểm học lực kỳ I và II của lớp 11; kỳ I lớp 12 từ 6,5 trở lên.
Ngày 30/8, theo thông báo trên, nữ sinh nộp hồ sơ xét tuyển ngành Kinh tế quốc tế, gồm bản scan giấy chứng minh nhân dân và học bạ. “Tuy nhiên, do trường yêu cầu gửi thêm ảnh chụp giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT diện đặc cách nên em đã ngừng tại đây vì không đủ điều kiện này, không chuyển thêm bất cứ thứ gì nữa. Điều này đồng nghĩa em cũng không muốn xét tuyển nữa”, Phương cho biết.
Giữa tháng 9, Đại học Ngân hàng công bố điểm chuẩn phương thức xét bổ sung thí sinh đặc cách, đồng thời thông báo Phương trúng tuyển. Lúc này, Phương cũng trúng tuyển ngành Kinh doanh quốc tế theo nguyện vọng 1 vào Đại học Tài chính – Marketing theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Sau nhiều ngày phân vân giữa hai trường, nữ sinh chọn Đại học Ngân hàng bởi thấy trường phù hợp, học phí thấp hơn. Em xác nhận nhập học bằng việc gửi phiếu điểm thi, giấy xác nhận tốt nghiệp THPT và chuyển khoản học phí tạm thu hơn 5,7 triệu đồng.
Ngày 25/9, trường gửi email cấp cho Phương giấy xác nhận sinh viên năm nhất, thông tin lớp học và mã số sinh viên. Tuy nhiên, ba ngày sau đó, trường thông báo huỷ kết quả bởi nữ sinh không thuộc diện đặc cách xét tốt nghiệp THPT theo thông báo tuyển sinh bổ sung.
“Khi đó, bên trường Đại học Tài chính – Marketing cũng đóng cổng xác nhận nhập học. Em từ người đậu đại học trở thành rớt, không có chỗ học”, Phương nói.
Nữ sinh thừa nhận sơ suất khi không đọc kỹ thông báo tuyển bổ sung của Đại học Ngân hàng là chỉ dành cho thí sinh diện đặc cách. Tuy nhiên, việc nhân viên tuyển sinh liên tục thông báo chấp nhận hồ sơ, xác nhận trúng tuyển khiến Phương hiểu nhầm mình vẫn đủ điều kiện.
Chiều 1/10, Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu (Đại học Ngân hàng TP HCM) xác nhận có trường hợp trên. Theo đó, thông báo xét bổ sung bằng điểm học bạ ngày 13/8 chỉ dành cho thí sinh diện đặc cách tốt nghiệp THPT năm nay nên nữ sinh ở Đăk Lăk không đúng “đối tượng tuyển sinh”.
“Thông báo tuyển sinh rất rõ ràng về điều kiện, chúng tôi nói rõ thí sinh phải được đặc cách phải theo danh sách chính thức do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố”, ông Vũ cho biết.
Theo ông Vũ, khi trường thông báo tuyển bổ sung, nhiều thí sinh diện đặc cách tốt nghiệp chưa có giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời. Do đó, trường chỉ yêu cầu các em nộp giấy chứng minh nhân dân và học bạ THPT, chưa cần giấy chứng nhận được đặc cách xét tốt nghiệp.
“Nhà trường xét tuyển trên cơ sở thông tin thí sinh đã cung cấp, thí sinh phải chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ. Có những trường hợp nhập học rồi nhưng các điều kiện không đúng theo hồ sơ trước đó do thí sinh cung cấp, kết quả tuyển sinh vẫn không được công nhận”, ông Vũ cho biết.
Đại học Ngân hàng TP HCM đang làm thủ tục hoàn học phí cho nữ sinh, đồng thời làm việc với Đại học Tài chính – Marketing hỗ trợ em. Phương án được đưa ra là Đại học Tài chính – Marketing sẽ gia hạn thời gian xác nhận nhập học cho nữ sinh theo diện nguyện vọng 1.
Năm 2021, cả nước có hơn một triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Số vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học gần 759.000. Chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm 55%, xét tuyển bằng hình thức khác chiếm 45%.
Do ảnh hưởng của Covid-19, kỳ thi phải chia thành hai đợt. Đợt một ngày 7-8/7 với khoảng 981.800 thí sinh dự thi; đợt hai là hơn 23.000, trong đó 11.000 em đã thi, số còn lại xét đặc cách tốt nghiệp THPT và thí sinh tự do.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường căn cứ số liệu thí sinh không thể dự thi tốt nghiệp THPT để điều chỉnh chỉ tiêu dành riêng cho nhóm này. Nhiều đại học sau đó tuyển bổ sung thí sinh diện này bằng nhiều phương thức khác nhau.