TP.HCM: Chuẩn bị tốt nhất để sẵn sàng mở cửa trường học

0
1148

‘Thông tin Sở GD-ĐT TP.HCM có đề xuất cho học sinh lớp 9, lớp 12 đi học lại từ ngày 10-12 khiến cả nhà tôi vui mừng. Nhất là các con của tôi, chúng đã phải ở nhà học trực tuyến quá lâu nên mong từng ngày để được đến trường’.

TP.HCM: Chuẩn bị tốt nhất để sẵn sàng mở cửa trường học - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4 (TP.HCM) tiêm mũi 2 vắc xin ngừa COVID-19 vào sáng 22-11 – Ảnh: NHƯ HÙNG

Chia sẻ này của chị Nguyễn Kim Thoa (quận Tân Bình) cũng là nỗi niềm chung của nhiều phụ huynh ở TP.HCM. Phụ huynh, học sinh chờ mong, còn các trường THCS, THPT thì đang tích cực xây dựng kịch bản mở cửa trường, đón học sinh.

Tách lớp để đảm bảo giãn cách

Trao đổi với Tuổi Trẻ, hầu hết hiệu trưởng các trường trung học ở TP.HCM đều thông tin rằng tình hình tiêm vắc xin cho học sinh rất khả quan với tỉ lệ gần 100% học sinh đã được tiêm mũi 2, chỉ một số rất ít học sinh chưa được tiêm do nhiễm COVID-19 trong thời gian gần đây hoặc bị kẹt ở các tỉnh và dự kiến sẽ tiêm vắc xin ở các tỉnh ngoài TP.HCM.

Đa số trường cũng cho biết sẽ tiến hành tách lớp khi học sinh đi học trở lại theo đúng quy định của UBND TP về an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục.

“Tỉ lệ học sinh đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin ở trường chúng tôi đạt hơn 99%, cả trường chỉ còn 2 học sinh chưa tiêm vắc xin vì bị kẹt ở tỉnh, chưa kịp về TP. Kế hoạch mở cửa trường cụ thể hiện chúng tôi vẫn đang chờ hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP.

Tuy nhiên, về phía nhà trường đã có phương án dự kiến: giai đoạn đầu học sinh sẽ chỉ học 1 buổi/ngày, sẽ có những môn học trực tiếp và nhà trường vẫn xếp thời khóa biểu một số môn hoặc một số bài tiếp tục học trên Internet.

Sĩ số học sinh mỗi lớp ở trường chúng tôi khá lý tưởng: chỉ có 35 em/lớp mà diện tích phòng học đạt 60m2 nên ban giám hiệu trường đang cân nhắc về phương án giãn cách trong lớp học” – cô Nguyễn Thị Minh Tâm, hiệu trưởng Trường THPT Phong Phú (huyện Bình Chánh), nói.

Tương tự, thầy Nguyễn Đức Chính, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức), chia sẻ: “Dự kiến nhà trường sẽ tiến hành tách lớp để đảm bảo giãn cách khi học sinh ngồi học. Một lớp sẽ tách ra học ở 2 phòng cạnh nhau.

Giáo viên lớp nào sẽ giảng dạy ở lớp đó với sự hỗ trợ của cán bộ lớp theo phương thức: nếu thầy cô giảng bài ở phòng này thì sẽ giao bài cho học sinh làm ở phòng còn lại”.

“Việc chuẩn bị cơ sở vật chất, khử khuẩn các phòng học, phòng chức năng, phân luồng cổng ra vào hay sắp xếp thời gian vào học, thời gian ra về giữa các khối lớp lệch nhau… chúng tôi đã thực hiện từ năm học trước nên không có gì khó khăn.

Điều chúng tôi quan tâm nhất hiện nay chính là cách thức xử lý F0 trong nhà trường như thế nào khi phát hiện có cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nhiễm COVID-19. Vấn đề này chúng tôi cần được ngành y tế hướng dẫn cụ thể và tập huấn cho các trường thực hiện” – một hiệu trưởng trường THPT ở quận Bình Thạnh đề nghị.

Tiêm vắc xin cho trẻ từ 3 – 12 tuổi?

Trái với tâm trạng vui mừng, hào hứng của các phụ huynh có con đang học THCS và THPT, nhiều phụ huynh có con đang học tiểu học ở TP.HCM tỏ ra sốt ruột.

“Tôi không nghe thông tin gì về việc cho học sinh tiểu học đi học lại, trong khi phụ huynh chúng tôi đều đã đi làm từ ngày 1-10. Hồi đầu năm học là thời kỳ thành phố thực hiện giãn cách, phụ huynh chúng tôi đều ở nhà nên dễ dàng hỗ trợ con em học trực tuyến. Nay các cháu phải ở nhà tự học nên chúng tôi không yên tâm.

Chúng tôi cũng mong cho con em mình sớm được đến trường” – anh Nguyễn Văn Hồng, phụ huynh có hai con học tiểu học ở quận 7, bày tỏ.

Không những thế, nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi mầm non cũng chia sẻ tâm tư rằng họ đang rất vất vả.

Chị Minh, phụ huynh ở quận Phú Nhuận, phản ảnh: “Ba mẹ đều đã đi làm trở lại, trẻ mầm non thì không thể để ở nhà tự quản, trường học thì chưa mở cửa. Hiện phụ huynh chúng tôi đang lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” – một bên là công việc, một bên là con cái.

Tôi đề nghị các cấp quản lý cần quan tâm hơn đến đối tượng học sinh mầm non và tiểu học. Học sinh trung học đã được tiêm vắc xin để đi học lại, thời gian tới nên tiếp tục tiêm vắc xin cho trẻ 3 – 12 tuổi để các cháu sớm được đến trường”.

Thế nhưng, tuy các phụ huynh mong mỏi nhưng một mặt cũng rất lo lắng.

“Tôi xem thông tin thì thấy nhiều nước tiên tiến trên thế giới chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ từ 3 – 12 tuổi.

Bộ Y tế cần có thông tin chính thống và chi tiết về vấn đề này: Trẻ từ 3 -12 tuổi có cần tiêm vắc xin ngừa COVID-19 hay không? Nếu tiêm cho trẻ ở độ tuổi này thì có gây phản ứng nguy hiểm đến tính mạng các cháu? Nếu không tiêm thì cơ địa của trẻ 3 – 12 tuổi có dễ dàng vượt qua nếu nhiễm COVID-19? Đối với trẻ bị bệnh nền hoặc trẻ bị béo phì thì sao?

Phụ huynh chúng tôi phải được cung cấp thông tin rõ ràng thì mới yên tâm cho con em đi học lại” – anh Tuấn, phụ huynh ở quận 3, đề xuất.

Học sinh trở lại học trực tiếp từ ngày 10-12, đầu tiên là khối 9 và 12, tiếp đó mở dần các khối khác. Đầu tháng 12 sẽ tiến hành tập huấn cho cán bộ, giáo viên về công tác phòng chống dịch, họp phụ huynh học sinh khối 9 và 12 trước ngày 5-12.

(trích đề xuất của Sở GD-ĐT TP.HCM tại cuộc họp với UBND TP ngày 19-11)

Có học sinh F0 thì sao?

“Khi học sinh đi học lại, nếu phát hiện có em nhiễm COVID-19 thì sao? Tôi đọc báo thấy ở Thạnh An (huyện Cần Giờ) đợt vừa rồi cũng có 1 học sinh là F0, nhà trường đã xử lý bằng cách cho học sinh của lớp đó ở nhà học trực tuyến. Đó là trường hợp đặc biệt xảy ra trên xã đảo Thạnh An.

Còn với diễn biến tình hình dịch bệnh hiện nay trên địa bàn TP, cộng với việc sắp tới hàng loạt trường sẽ mở cửa đón học sinh, có nghĩa là có thể xảy ra tình trạng nhiều học sinh thuộc diện F0.

Nếu ngành GD-ĐT xử lý vấn đề như ở Thạnh An thì tôi e sẽ xảy ra tình trạng các lớp đều có F0 và tất cả học sinh lại ở nhà học trực tuyến, trường lại tiếp tục đóng cửa” – anh Nguyễn Vũ Minh, phụ huynh ở quận 7, nêu vấn đề.