Nhiều trường giảm chỉ tiêu xét tuyển điểm thi tốt nghiệp

0
974

Đại học Bách khoa Hà Nội, Giao thông vận tải hay Đại học Thăng Long dự kiến giảm lệ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT trong tuyển sinh 2022.

Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tuyển 7.500 sinh viên năm 2022 bằng ba phương thức gồm: xét tuyển tài năng (20-30% chỉ tiêu), kết quả kỳ thi đánh giá tư duy (60-70%), và dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (10-20%).

Phương thức tuyển sinh của trường cơ bản giữ nguyên. Tuy nhiên, tỷ lệ chỉ tiêu phân bổ ở từng phương thức có sự thay đổi lớn. Năm ngoái, trường ban đầu dự kiến tuyển 50-60% chỉ tiêu theo kết quả thi tốt nghiệp THPT; 30-40% theo kỳ thi đánh giá tư duy và 10-20% cho xét tuyển tài năng. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch, trường phải hủy kỳ thi đánh giá tư duy, chuyển toàn bộ chỉ tiêu phương thức này vào xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Còn năm 2022, kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ được dùng để tuyển 10-20% thí sinh, thậm chí ít hơn cả phương thức xét tuyển tài năng. Đặc biệt, nhà trường sẽ không sử dụng kết hợp kết quả bài thi tư duy với môn thi tốt nghiệp THPT để thành tổ hợp xét tuyển như trước mà kết quả hai kỳ thi đó sẽ riêng rẽ và ở trong hai phương thức độc lập.

PGS Nguyễn Phong Điền, Hiệu phó Đại học Bách khoa Hà Nội, cho hay việc tăng chỉ tiêu dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do trường tổ chức nằm trong lộ trình.

“Năm 2020, trường tổ chức kỳ thi trong phạm vi hẹp với hơn 4.000 thí sinh. Kỳ thi nhận được sự ủng hộ của xã hội và đánh giá rất cao của các chuyên gia. Vì vậy, năm 2022, kỳ thi được mở rộng, chuẩn bị kỹ lưỡng về cấu trúc đề cùng các điều kiện tổ chức; hy vọng có lượng thí sinh đông đảo tham dự”, ông Điền nói.

Có thể tự chủ tuyển sinh qua kỳ thi riêng và phương thức xét tuyển tài năng, Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn tiếp tục xét tuyển theo điểm thi THPT với tỷ lệ hạn chế. Hiệu phó Đại học Bách khoa Hà Nội cũng thông tin tỷ lệ 10-20% tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT là tính trên tổng chỉ tiêu. Trường có những ngành rất cạnh tranh, điểm đầu vào cao, thì năm nay có thể chỉ tuyển bằng phương thức đánh giá tư duy.

Bách khoa khẳng định sẽ không bỏ phương án xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp. “Bởi đây là cách giúp cho thí sinh, đặc biệt là thí sinh vùng sâu, vùng xa tiếp cận được quá trình xét tuyển của Bách khoa Hà Nội”, ông Điền nói.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại Hà Nội. Ảnh: Giang HuyIFrame
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Đại học Giao thông vận tải dự kiến tuyển 5.700 sinh viên ở 28 ngành cho năm 2022, trong đó trụ sở chính ở Hà Nội 4.200 em và cơ sở tại TP HCM 1.500.

Tại buổi tư vấn trực tuyến hôm 5/12, PGS Nguyễn Thị Hòa, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo, cho hay nhà trường sẽ duy trì bốn phương thức tuyển sinh như năm ngoái gồm: sử dụng kết quả thi tốt nghiệp (40-50%), kết quả học bạ THPT (20-30%), tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế (1-2%), xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp (5-10%).

Ngoài ra năm nay, trường còn sử dụng thêm kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì tổ chức để tuyển 20-30% tổng chỉ tiêu. So với năm ngoái, tỷ lệ chỉ tiêu tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT giảm khoảng 30%.

Nhiều trường khác như Đại học Xây dựng Hà Nội, Thủy lợi, Công nghệ Giao thông vận tải, Mỏ – Địa chất, Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên dự kiến dành khoảng 20-30% chỉ tiêu để xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì.

Một trường thuộc khối tư thục là Đại học Thăng Long, dự kiến tuyển 30-50% trong tổng 3.230 chỉ tiêu bằng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy. Số chỉ tiêu cụ thể sẽ được công bố trong đề án tuyển sinh của trường.

Ngoài kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có kỳ thi đánh giá năng lực học sinh THPT và kết quả cũng được dùng để tuyển sinh. Dự kiến, kỳ thi này năm nay sẽ diễn ra 7-8 đợt với khoảng 30.000 thí sinh tham dự, phục vụ tuyển sinh diện rộng.

Đại học Quốc gia Hà Nội hướng tới liên minh tuyển sinh với các trường sử dụng công cụ đánh giá năng lực. Đầu tháng 12, Đại học Kinh tế quốc dân đã có buổi làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội về việc phối hợp tổ chức. Tuy nhiên, các trường chưa công bố sẽ sử dụng kết quả kỳ thi cho tuyển sinh ra sao.

Khi kỳ thi do các nhóm trường tổ chức để tuyển sinh phát triển, sự lệ thuộc vào điểm tốt nghiệp THPT sẽ giảm dần. Trong phương án thi tốt nghiệp THPT 2022 được công bố hồi đầu tháng 10, Bộ cũng khuyến cáo những trường đại học, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định xét tuyển dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là phương thức khó thể “rời bỏ” lập tức và hoàn toàn bởi đây là kỳ thi mang tính quốc gia, là thước đo chung, tiếp cận thí sinh diện rộng, đảm bảo hầu hết tiêu chí của một kỳ tuyển sinh lớn.

Theo Báo VN Express