Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thu Hương- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương để có thêm góc nhìn về việc đa dạng các tiêu chí, phương thức xét tuyển.
Theo dự kiến năm 2022, Trường Đại học Ngoại thương sẽ có 6 phương thức tuyển sinh. Thưa bà, việc các trường đa dạng hóa tiêu chí, phương thức xét tuyển thì thí sinh và cơ sở giáo dục đại học sẽ có những thuận lợi gì?
Phó giáo sư Phạm Thu Hương: Trong nhiều năm qua, Trường Đại học Ngoại Thương không chỉ đơn thuần tổ chức các chương trình đào tạo tiêu chuẩn (chương trình đại trà) giảng dạy bằng tiếng Việt mà còn phát triển các chương trình tiên tiến, chất lượng cao, định hướng nghề nghiệp quốc tế trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các chương trình đào tạo có uy tín trên thế giới và được giảng dạy bằng ngoại ngữ trong đó tiếng Anh là phổ biến, nhằm đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế.
Mỗi loại hình chương trình đào tạo đặt ra những yêu cầu tuyển chọn người học khác nhau để tương thích với mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thu Hương- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương (ảnh: NTCC) |
Cụ thể, với các chương trình giảng dạy bằng ngoại ngữ ngoài những tiêu chí chính về năng lực tư duy phù hợp với lĩnh vực, người học phải có đủ năng lực về ngoại ngữ để có thể học tập, nghiên cứu, thực hành bằng ngoại ngữ.
Trên cơ sở nghiên cứu về giáo dục phổ thông tại thành thị và nông thôn, yêu cầu của các chương trình đào tạo, các hình thức đánh giá chất lượng người học hiện nay, nhà trường xây dựng các phương thức xét tuyển dành cho các loại hình chương trình đào tạo.
Trong đó, phương thức xét tuyển 1, 4, 5 và 6 với tiêu chí là kết quả học tập, kết quả thi trung học phổ thông, kết quả thi đánh giá năng lực và các điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào tối thiểu chung của Trường dành cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt với tỷ lệ chỉ tiêu vào khoảng 65%. Các thí sinh trúng tuyển vào các chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt có nguyện vọng học tập tại các chương trình giảng dạy bằng ngoại ngữ sẽ phải trải qua kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ của Trường.
Đối với các chương trình giảng dạy bằng ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh là chủ yếu, xuất phát từ mục tiêu xây dựng các chương trình mang tính hội nhập cao dành cho sinh viên Việt Nam, đồng thời thu hút được sinh viên quốc tế tham gia học tập tại chương trình, bên cạnh các tiêu chí về năng lực tư duy thông qua việc xem xét kết quả học tập, kết quả thi trung học phổ thông, đánh giá năng lực trong nước và quốc tế, các điều kiện đảm bảo chất lượng tối thiểu của Trường, chúng tôi cũng đặt ra tiêu chí về năng lực ngoại ngữ khi xét tuyển cho các chương trình này.
Hàng năm, chúng tôi thực hiện đánh giá chất lượng tuyển sinh thông qua phân tích kết quả học tập và rèn luyện của các em được tuyển theo các phương thức khác nhau để có những điều chỉnh về phương án tuyển sinh một cách phù hợp.
Với trách nhiệm của một trường đại học có uy tín tại Việt Nam, chúng tôi luôn đặt nguyên tắc vừa phải đảm bảo khả năng tiếp cận giáo dục đại học của mọi đối tượng người học đồng thời mang lại môi trường học tập có tính hội nhập cao cho sinh viên Việt Nam.
Việc đa dạng hoá chương trình đào tạo, đa dạng hoá phương thức tuyển sinh để phù hợp với chương trình đào tạo trong bối cảnh hiện nay không đi ngược lại với nguyên tắc này và phải đảm bảo lộ trình ổn định qua các năm (sự thay đổi chỉ tiêu ở các phương thức cũng như chỉ tiêu của phương thức mới không được gây ảnh hưởng tới quá trình chuẩn bị của thí sinh). Điều này sẽ giúp cho người học có được lựa chọn xét tuyển phù hợp với năng lực và nguyện vọng nghề nghiệp của mình.
Trong bối cảnh hiện tại, khi chưa có được kỳ thi đánh giá phù hợp cho mọi đối tượng người học và phải đồng thời đáp ứng yêu cầu đầu vào của tất cả các chương trình đào tạo, có thể thấy việc đa dạng hoá phương thức tuyển sinh một cách phù hợp và đảm bảo nguyên tắc về tính ổn định, khả năng tiếp cận của người học cũng như các điều kiện đảm bảo chất lượng của chương trình đào tạo từ phía các trường đại học sẽ mang lại nhiều cơ hội lựa chọn xét tuyển hơn cho thí sinh, giúp thí sinh có được những lựa chọn phù hợp với năng lực và nguyện vọng nghề nghiệp của mình, đồng thời giúp các trường đại học lựa chọn được thí sinh đáp ứng yêu cầu của các chương trình đào tạo và mục tiêu phát triển của trường.
Trước thực trạng COVID kéo dài dẫn tới tình trạng nhiều nghề mới xuất hiện, với vai trò đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương dự kiến mở thêm ba chương trình mới để thích ứng với bối cảnh của nền kinh tế số. Những ngành này gắn với nhu cầu lao động trong nước và quốc tế ra sao, thưa bà?
Phó giáo sư Phạm Thu Hương: Năm 2022 bên cạnh các chương trình đào tạo đã tuyển sinh năm 2021, Trường Đại học Ngoại thương bắt đầu tuyển sinh các chương trình đào tạo thích ứng với bối cảnh của nền kinh tế số, bao gồm Marketing số (tuyển sinh tại Trụ sở chính Hà Nội) và Truyền thông Marketing tích hợp (tuyển sinh tại Cơ sở II- Thành phố Hồ Chí Minh) thuộc ngành Marketing và chương trình Kinh doanh số thuộc ngành Kinh doanh quốc tế (tuyển sinh tại Trụ sở chính Hà Nội).
Năm 2022, Trường Đại học Ngoại thương bắt đầu tuyển sinh các chương trình đào tạo thích ứng với bối cảnh của nền kinh tế số (ảnh: NTCC) |
Chúng tôi nhìn nhận đây đều là những lĩnh vực có nhu cầu nhân lực cao ở Việt Nam và trên thế giới trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong mọi khía cạnh của đời sống. Sự chuyển dịch của các ngành nghề trong trong đại dịch Covid-19 đặc biệt khẳng định cho nhận định này.
Các chương trình đào tạo được thiết kế đảm bảo 3 đặc trưng gồm căn bản, mở và linh hoạt. “Căn bản” để tạo dựng nền tảng cho khả năng học tập suốt đời; “Mở” để tăng cơ hội học tập trong nhiều môi trường học tập trong nước và quốc tế; và “Linh hoạt” để tăng cơ hội lựa chọn định hướng nghề nghiệp đồng thời thích nghi sáng tạo trong bối cảnh thay đổi liên tục của thế giới.
Mỗi chương trình đều có mô hình đặc thù để kết nối giữa đào tạo kiến thức lý thuyết và thực tế ngay từ năm thứ nhất.
Chương trình Kinh doanh số được xây dựng dựa trên hai trụ cột là công nghệ và kinh doanh, cùng với đó, có sự kết nối, bổ sung chặt chẽ giữa hai trụ cột này với nhau. Chương trình áp dụng phương pháp giảng dạy nhằm phát triển năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề, năng lực học tập dựa trên tìm hiểu, áp dụng, phân tích, đánh giá và năng lực ứng dụng thực tiễn cho sinh viên theo cấp độ tăng dần. Mô hình đào tạo DBIZ với chuỗi học phần “DBiz – Dự án kinh doanh số I, II, III” ứng dụng phương pháp “học tập từ dự án” (Project-based learning) đồng thời sử dụng kết hợp phương pháp “đồng giảng dạy” (Co-teaching) 3 bên bao gồm giảng viên trường Đại học Ngoại thương, các giáo sư của các trường đại học nước ngoài, và các chuyên gia, các nhà quản lý doanh nghiệp giàu kinh nghiệm trong và ngoài nước .
Chương trình Marketing số được tổ chức đào tạo đặc thù theo định hướng ứng dụng, được xây dựng trên nền tảng lợi thế cạnh tranh truyền thống về đào tạo kinh tế, kinh doanh quốc tế của trường Đại học Ngoại thương kết hợp với nghiệp vụ marketing nền tảng và marketing số áp dụng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong môi trường số.
Chương trình kết hợp kiến thức và kỹ năng marketing, marketing số với kỹ năng triển khai thực chiến trên nền tảng công nghệ số. Năng lực thực chiến được phát triển theo mô hình FDMAP từ cơ bản đến nâng cao qua 4 năm đào tạo. Chương trình sử dụng nguồn lực giảng viên đại học song hành với các chuyên gia doanh nghiệp, đào tạo kỹ năng thực chiến trên nền tảng công nghệ số, đào tạo năng lực thực hành với hạ tầng công nghệ số về nghiên cứu thị trường, tổ chức vận hành kênh bán số và, truyền thông.
Chương trình Truyền thông marketing tích hợp định hướng nghề nghiệp quốc tế được xây dựng trên cơ sở tham khảo chuyên ngành Truyền thông marketing tích hợp của nhiều trường đại học trên thế giới tại Mỹ, Anh, Australia, Singapore, vì vậy, tiệm cận với các chương trình quốc tế, giúp sinh viên dễ dàng tham gia các hoạt động trao đổi học thuật, học sau đại học, tham gia thị trường nhân lực quốc tế. Chương trình được xây dựng theo hướng có sự kết nối và hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo và có tính ứng dụng cao. Nội dung giảng dạy được tổ chức thông qua chuỗi học phần thực hành dưới hình thức thực hiện dự án (FIMC). Chuỗi học phần ứng dụng được thiết kế theo cấp độ tăng dần, từ mức độ cơ bản là sinh viên chỉ quan sát thực tiễn vào năm thứ nhất, phát triển dần tới cấp độ cao là sinh viên tự mình xây dựng và triển khai một dự án Marketing truyền thông tích hợp hoàn chỉnh.
Năng lực nhân sự là một yếu tố căn bản, tạo nên lợi thế cạnh tranh của mỗi trường đại học và hiện thực hóa mục tiêu đề ra. Vậy trong khâu tuyển sinh, cách mà Trường Đại học Ngoại thương chọn được thí sinh giỏi nhất, phù hợp nhất là gì?
Phó giáo sư Phạm Thu Hương: Như đã đề cập trên đây, điều mà các trường đại học mong muốn nhất là có thể lựa chọn được thí sinh phù hợp nhất cho các chương trình đào tạo. Để thực hiện được điều này Trường Đại học Ngoại thương chú trọng tới 3 nội dung:
Thứ nhất, xây dựng được các tiêu chí lựa chọn phù hợp;
Thứ hai, tăng cường các chương trình/hoạt động tư vấn, hướng nghiệp dành cho học sinh trung học phổ thông;
Thứ ba, hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan.
Việc xây dựng tiêu chí lựa chọn phải gắn liền với thực tiễn giáo dục trung học phổ thông và yêu cầu đặt ra của các chương trình đào tạo. Hàng năm, chúng tôi nhận được rất nhiều câu hỏi của thí sinh về việc lựa chọn ngành, chương trình đào tạo cũng như phương thức xét tuyển.
Để các em sớm có được thông tin và vững tâm trong lựa chọn của mình, trong những năm gần đây, nhà trường đã triển khai các chuỗi chương trình tư vấn, hướng nghiệp dành cho học sinh trung học phổ thông.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã hợp tác với các trường trung học phổ thông triển khai một số nội dung đào tạo dành cho học sinh để các em sớm có cơ hội tiếp cận với những ngành nghề mà Trường đang và sẽ đào tạo. Ngoài ra, nhà trường cũng duy trì hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quản lý, tổ chức và cơ sở giáo dục, các trường trung học phổ thông, các hội cựu học sinh, sinh viên… trong quá trình tổ chức tuyển sinh.
Một mùa tuyển sinh nữa đang bắt đầu, bà có lời khuyên gì đối với các thí sinh?
Phó giáo sư Phạm Thu Hương: Quả thật, các em sinh năm 2004 đã phải trải qua hơn 2 năm học tập trong điều kiện khó khăn do bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp mang lại. Trong thời gian qua, nhiều vấn đề lo ngại liên quan tới xét tuyển năm 2022 được đặt ra, nhưng trên tất cả điều chúng ta cần phải làm bây giờ là giúp các em giữ được tâm lý ổn định, tập trung cho kỳ xét tuyển sắp tới.
Với các em, để xác định được cho mình con đường đến được với ngành nghề mình yêu thích và trường đại học mà mình mong muốn, chúng ta hãy tìm hiểu thật kỹ về các tiêu chí xét tuyển của các trường đại học.
Cô tin rằng các trường đại học đều mong muốn lựa chọn được thí sinh tốt và sẽ phải cân nhắc thận trọng về cách thức tốt nhất để đón nhận được các thí sinh phù hợp với chương trình đào tạo và mục tiêu phát triển chung cũng như đảm bảo sự công bằng trong xét tuyển.
Do đó, việc quan trọng nhất của chúng ta bây giờ là phải giữ được một tâm thế vững vàng, tập trung chuẩn bị để đáp ứng tốt nhất các tiêu chí xét tuyển. Con đường chúng ta trải qua đã có nhiều thách thức và điều đó giúp chúng ta tôi luyện được “bản lĩnh” để chinh phục những đỉnh cao mới trong cuộc đời. Các trường đại học luôn mong muốn đồng hành, đón chào các em, trong đó có Ngoại Thương.
Trân trọng cảm ơn Phó giáo sư Phạm Thu Hương.
Theo Báo Giáo dục .net