Tuyển sinh đại học: Chuẩn bị gì trước ‘ma trận’ các kỳ thi riêng?

0
895

Phương thức xét tuyển cũ đan xen phương thức xét tuyển mới tuy mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng khiến thí sinh bối rối. Theo các chuyên gia, thí sinh cần bình tĩnh cân nhắc điều kiện của bản thân để “liệu cơm gắp mắm”, tăng khả năng trúng tuyển vào ngành học, trường ĐH yêu thích.

Năm 2022, trường ĐH Sư phạm TPHCM dự kiến giữ ổn định các phương thức tuyển sinh như năm 2021 với các phương thức xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, kết quả học tập THPT, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển. Đâylà trường duy nhất trong khối ngành sư phạm tổ chức một kỳ thi riêng.

Trong đó, kết quả bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ được sử dụng để xét tuyển theo phương thức kết hợp cả kết quả học tập THPT. Thí sinh xét tuyển vào ngành học nào thì sẽ đăng ký dự thi bài thi đánh giá năng lực tương ứng với ngành học đó.

Theo thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TPHCM, kỳ thi dự kiến được tổ chức 2 đợt vào tháng 4 và tháng 6 gồm 6 bài thi Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và tiếng Anh, thực hiện trên máy tính. Kỳ thi diễn ra ở nhiều địa phương nhằm tạo điều kiện cho thí sinh tham dự.

Thí sinh có thể lựa chọn đăng ký một hoặc một số bài thi tùy theo số lượng ngành mong muốn xét tuyển.

“Các tiêu chí tuyển sinh cần phù hợp với ngành đào tạo và phân loại được thí sinh; việc xét tuyển thực hiện trên cùng thang đo nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi, giảm áp lực, đảm bảo công bằng giữa các đối tượng thí sinh, công bằng giữa các cơ sở đào tạo, các vùng miền, khu vực” .

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT

Các bài thi sẽ bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, trong đó phần kiến thức trong chương trình lớp 12 chiếm tỷ lệ khoảng 70 – 80%, còn lại là kiến thức thuộc chương trình lớp 10, 11.

Trong đó, các bài thi đánh giá năng lực Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học có thời gian làm bài 90 phút gồm 35 câu trắc nghiệm và 15 câu hỏi dạng trả lời ngắn. Bài thi đánh giá năng lực Ngữ văn cũng diễn ra trong 90 phút, gồm 20 câu hỏi trắc nghiệm và 1 bài văn nghị luận xã hội với khoảng 600 từ. Chủ đề bài văn nghị luận xã hội sẽ được ra theo hướng mở. Ở bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh, thí sinh làm trong 180 phút, gồm 4 phần, tương ứng với đủ cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết.

Cần “liệu cơm gắp mắm”

Năm nay, trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy với quy mô lớn không chỉ phục vụ tuyển sinh cho trường mà còn cho các cơ sở giáo dục ĐH khác lấy kết quả xét tuyển. PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhìn nhận, kết quả học tập THPT, kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn là căn cứ quan trọng trong xét tuyển vào các trường ĐH nói chung và vẫn chiếm một tỷ lệ đáng kể trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022.

Tuy nhiên, PGS Điền cho rằng thí sinh cần quan tâm đến các kỳ thi khác được tổ chức rộng rãi trong năm nay (thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…) để có thêm cơ hội đăng ký xét tuyển vào các ngành/chương trình đào tạo có tính cạnh tranh cao. Theo thống kê, hiện nay có tới 14 phương án tuyển sinh ĐH trong năm 2022. Nhưng PGS Nguyễn Phong Điền khẳng định từ trước đến nay chỉ có 3 phương thức xét tuyển ĐH cơ bản là xét tuyển bằng hồ sơ học tập hoặc thành tích cá nhân; xét tuyển dựa trên kết quả của thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc kỳ thi riêng khác; xét tuyển kết hợp các tiêu chí từ hai phương thức trên. Trong đó, phương thức thứ ba tạo ra những bộ tiêu chí hoặc các phương án xét tuyển đa dạng, đôi khi khá vụn vặt vì có những phương án kèm các tiêu chí mà chỉ rất ít thí sinh đáp ứng.

Trước “ma trận” tuyển sinh ĐH như năm nay, PGS Nguyễn Phong Điền khuyên thí sinh cần có suy nghĩ lạc quan về khả năng trúng tuyển ĐH khá rộng mở, bởi số lượng chỉ tiêu dự kiến của các trường đủ để đáp ứng với đại đa số thí sinh có nguyện vọng học.

PGS Nguyễn Phong Điền cũng lưu ý thí sinh lựa chọn đăng ký phương thức xét tuyển cần chú trọng những yếu tố thành tích nổi trội sẽ có ưu thế nếu đăng ký xét tuyển qua hồ sơ thành tích/học lực; con đường vào các ngành “hot”, trường “top” dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ ngày càng chật hẹp do chỉ tiêu đối với phương thức này giảm sâu; việc tham dự thi kỳ thi đánh giá năng lực của hai ĐH quốc gia hoặc kỳ thi đánh giá tư duy của trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tạo thêm cơ hội trúng tuyển cho thí sinh do có nhiều trường sử dụng kết quả các kỳ thi này để xét tuyển ĐH.

“Quan trọng nhất vẫn là “liệu cơm gắp mắm” để đạt mục tiêu trúng tuyển. Thí sinh cần có một bản đăng ký xét tuyển vào ngành/chương trình đào tạo với danh mục và thứ tự ưu tiên được cân nhắc kỹ”, PGS Nguyễn Phong Điền nhắn nhủ.

Theo Báo Tiền Phong