Tuyển sinh đại học năm 2022 dự kiến cho thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng chỉ một lần trong khoảng thời gian quy định. Liệu quy định này có tạo công bằng cho thí sinh?
Theo dự kiến điều chỉnh mới nhất của Bộ GD-ĐT về tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022 đưa ra tại hội nghị tuyển sinh toàn quốc vừa qua, quy định, thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển CĐ, ĐH phải thực hiện trên Cổng thông tin của Bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 1: Tất cả các nguyện vọng xét tuyển (theo các ngành, các phương thức, cơ sở đào tạo) được đăng kí xét tuyển trực tuyến sau khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT, các nguyện vọng được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).
Tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển (ĐKXT) của thí sinh vào các cơ sở đào tạo được lọc ảo chung trên hệ thống và thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo.
Bà Nguyễn Thu Thủy, vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, công tác tuyển sinh năm 2022 giữ ổn định như năm 2021, chỉ điều chỉnh những nội dung mang tính kỹ thuật nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh và các cơ sở đào tạo. Qua đó, đảm bảo khách quan, công bằng giữa các thí sinh, công bằng giữa các cơ sở đào tạo và tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Tại hội nghị tuyển sinh, ông Lê Trường Tùng, Trường ĐH FPT cho rằng, Bộ GD- ĐT đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào tuyển sinh, chuyển đổi số mạnh mẽ nhưng cần phải có giải pháp để giảm nguyện vọng “ảo” vì nguyện vọng “ảo” đang có xu hướng tăng. Tuyển sinh phải công bằng, minh bạch, thuận lợi nhất cho thí sinh.
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nêu ý kiến, việc giữ ổn định công tác tuyển sinh như năm 2021 là cần thiết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và các trường đại học.
Ông Triệu cho rằng, các trường đại học đã quen với tự chủ tuyển sinh, nhất là trong 2 năm vừa, trường ĐH Kinh tế quốc dân và các trường đã hoàn thiện phần mềm xét tuyển, đăng ký nhập học tạo thuận lợi cho thí sinh, đến thời điểm hiện tại vẫn hoạt động tốt.
“Việc xây dựng phần mềm lọc ảo tốt sẽ tạo thuận lợi cho thí sinh và các cơ sở giáo dục đại học nhưng nếu không làm tốt sẽ lại là trở ngại. Bộ GD-ĐT sớm ban hành Quy chế tuyển sinh 2022, bởi dù chủ trương là ổn định nhưng những điều chỉnh mang tính kỹ thuật cũng tác động lớn đến các thí sinh” – ông Triệu nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, công tác tuyển sinh năm 2022 tiếp tục giữ ổn định theo chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng của Bộ GD&ĐT và chủ trương mà Bộ GD-ĐT đã báo cáo với Chính phủ.
Thứ trưởng cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin, giúp các trường giảm áp lực, giảm được thí sinh ảo và thuận lợi trong quá trình tuyển sinh; giúp thí sinh đăng ký dễ dàng, mà các em gửi các minh chứng cũng được thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, việc cung cấp dữ liệu đã có của ngành, kết hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển cao đẳng, đại học nhằm thuận lợi cho thí sinh và các trường, đồng thời giảm thiểu những sai sót và tăng độ tin cậy trong quá trình xét tuyển.
Cục trưởng Cục CNTT Nguyễn Sơn Hải cho biết, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin vào đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và các cơ sở đào tạo.
Hiện nay, cơ sở dữ liệu của Bộ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng bộ mã định danh, căn cước của giáo viên và tới đây sẽ là học sinh. Khi làm được điều này sẽ thuận lợi cho các dịch vụ trực tuyến; trong đó có việc đăng ký thi, xét tuyển đại học của thí sinh và các cơ sở giáo dục đại học trong công tác tuyển sinh.
Bà Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học giải thích thêm, công tác tuyển sinh năm 2021 đã từng bước bổ sung hoàn thiện quy chế, quy trình tuyển sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường, cho thí sinh, đảm bảo quyền lợi của các bên; áp dụng công nghệ thông tin triệt để trong tất cả các khâu tuyển sinh; giảm tối đa số thí sinh ảo… Đảm bảo quyền tự chủ của các trường; minh bạch thông tin, kết quả tuyển sinh.
Theo đó, dự kiến thí sinh đăng kí xét tuyển đại học 1 lần trong khoảng thời gian quy định. Sau thời hạn đó, thí sinh sẽ không được điều chỉnh nguyện vọng.
Bà Thủy cho rằng, xét tuyển một lần không có nghĩa là thí sinh không thể hay mất hoàn toàn quyền lợi. Một lần ở đây là trong khoảng thời gian quy định, khi thí sinh đã suy nghĩ, cân nhắc tất cả các lựa chọn. Khoảng thời gian này sẽ thuận lợi cho thí sinh. Các em không cần mất nhiều lần thay đi đổi lại như những năm trước.
Thí sinh vẫn được tạo thuận lợi tối đa để lựa chọn ngành nghề mình yêu thích, định hướng, và phù hợp với năng lực. Các cơ sở đào tạo cũng hạn chế được tối đa số lượng thí sinh ảo, đảm bảo công tác tuyển sinh thuận lợi.
Bên cạnh đó, thí sinh vẫn được đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển (không giới hạn số lượng) vào các ngành, các cơ sở đào tạo.
Năm 2021 đã có 47% thí sinh đăng kí xét tuyển trực tuyến. Kết quả tuyển sinh chính quy trong toàn hệ thống đạt cao nhất từ trước đến nay (hơn 530.000 đạt 92,65%; năm 2020 đạt 83,86%).
Điểm trúng tuyển của khối sư phạm tăng; tỷ lệ thí sinh trúng tuyển tăng; mặt bằng điểm trúng tuyển của các ngành sức khỏe đồng đều hơn so với các năm trước. Phần mềm tuyển sinh và hỗ trợ tuyển sinh đáp ứng yêu cầu của quy chế, hệ thống ổn định.
Theo Báo Dân Trí