Theo Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 sẽ được tổ chức ngày 7 và 8-7. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông LÊ MỸ PHONG – phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) – cho biết.
Học sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2022 do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại TP.HCM – Ảnh: TỰ TRUNG
– Kỳ thi cơ bản giữ ổn định như năm 2021. Bộ GD-ĐT chỉ đạo chung, các tỉnh/thành phố chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng. Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn riêng trong trường hợp phải tổ chức thêm đợt thi do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đăng ký dự thi trực tuyến
Ông LÊ MỸ PHONG
* Năm nay Bộ GD-ĐT có điều chỉnh gì trong quy định liên quan tới đăng ký dự thi của thí sinh?
– Về cơ bản, kỳ thi giữ ổn định như năm trước. Nhưng cũng có một số điều chỉnh kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho thí sinh và bảo đảm an toàn, nghiêm túc cho kỳ thi. Điểm mới đáng lưu ý nhất là thí sinh đang học lớp 12 năm học 2021 – 2022 bắt buộc phải đăng ký dự thi bằng hình thức trực tuyến.
Thí sinh thuộc đối tượng này sẽ được thử đăng ký dự thi trực tuyến trên Hệ thống quản lý thi từ ngày 26-4 đến hết ngày 3-5. Từ ngày 4-5 đến 17h ngày 13-5, thí sinh đăng ký thi trực tuyến chính thức trên Hệ thống quản lý thi tại trường phổ thông.
Những thí sinh không nằm trong đối tượng trên có thể đăng ký thi và đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT (nếu có) trực tiếp tại đơn vị đăng ký dự thi do Sở GD-ĐT quy định từ ngày 4-5 đến 17h ngày 13-5. Cụ thể là thí sinh đã học xong chương trình THPT nhưng chưa tốt nghiệp THPT hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp ở các năm trước; thí sinh đã có bằng tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp trung cấp nay dự thi để sử dụng kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng (thí sinh tự do).
* Liên quan tới trách nhiệm thí sinh tại kỳ thi, Bộ GD-ĐT có những lưu ý gì đặc biệt?
– Trong kỳ thi, đề thi và đáp án chưa công khai thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “tối mật”. Theo đó, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước độ “tối mật” đối với đề thi của các bài thi/môn thi chỉ kết thúc khi hết thời gian làm bài của bài thi/môn thi trắc nghiệm và hết 2/3 thời gian làm bài của bài thi tự luận.
Vì vậy, nếu thí sinh mang đề thi ra ngoài khi chưa hết giờ làm bài thi môn trắc nghiệm và chưa quá 2/3 thời gian làm bài thi môn tự luận là vi phạm quy định. Mọi hành vi cung cấp, tiết lộ đề thi trong thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước độ “tối mật” đối với đề thi đều bị coi là làm lộ bí mật nhà nước và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Thí sinh cũng cần ghi nhớ quy định về những vật dụng được phép và không được phép mang vào phòng thi. Đặc biệt nếu mang điện thoại di động, thiết bị thu phát thông tin vào phòng thi, dù chưa sử dụng hoặc có thể tắt nguồn vẫn bị xem là vi phạm và sẽ bị xử lý kỷ luật ở mức đình chỉ, hủy kết quả thi.
Trước tình hình dịch COVID-19, Bộ GD-ĐT khuyến nghị các sở GD-ĐT hướng dẫn học sinh tập trung ôn tập, ổn định tâm lý, hạn chế di chuyển đến những nơi không thật sự cần thiết để sẵn sàng tham gia kỳ thi.
Ông LÊ MỸ PHONG (phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT)
Nội dung ra đề chủ yếu lớp 12
* Tại hội nghị tuyển sinh do Bộ GD-ĐT tổ chức, nhiều trường đại học đã kiến nghị Bộ GD-ĐT cải tiến đề thi tốt nghiệp để tăng tính phân hóa so với năm 2021, tạo điều kiện cho các trường tuyển sinh. Vậy bộ có điều chỉnh gì về hướng ra đề thi tốt nghiệp THPT năm nay so với năm trước?
– Đề thi được xây dựng bảo đảm đúng yêu cầu mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông cũng như công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục.
Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Thí sinh cũng cần lưu ý những nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch COVID-19 (Hướng dẫn điều chỉnh nội dung chương trình THPT ban hành tháng 9-2021 – PV) sẽ không được đưa vào đề thi năm nay. Đề thi sẽ gồm phần lớn các câu hỏi ở mức độ cơ bản, đồng thời cũng có số lượng hợp lý các câu hỏi mức độ vận dụng và vận dụng cao để phân hóa kết quả thi của thí sinh.
Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Nhưng đối với các ngành/trường có tính cạnh tranh cao, Bộ GD-ĐT khuyến cáo các trường tăng cường tự chủ, chỉ nên sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm căn cứ sơ tuyển, sàng lọc. Các trường cần có thêm các hình thức sát hạch, phỏng vấn hoặc bài thi chuyên biệt để phân loại tốt hơn đối tượng tuyển sinh, bảo đảm công khai minh bạch, nâng cao chất lượng tuyển sinh.
Bộ GD-ĐT khuyến khích các ĐH quốc gia, ĐH vùng, các trường ĐH/nhóm trường đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện có thể tổ chức các kỳ thi đánh giá để làm căn cứ xét tuyển đại học, cao đẳng và chia sẻ, hỗ trợ các trường khác có nhu cầu.
Định hướng cho các trường dạy học, ôn tập
* Đến thời điểm này là còn hơn hai tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi, bộ có những chỉ đạo gì đối với các địa phương trong việc chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi tốt nhất?
– Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương chủ động thực hiện các công việc theo Hướng dẫn tổ chức kỳ thi. Trong đó, chú trọng việc lựa chọn, bố trí các điểm thi, lựa chọn cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi (nhất là với các khâu trọng yếu như in sao đề thi, coi thi, chấm thi). Các sở GD-ĐT rà soát, bổ sung trang thiết bị, vật tư đáp ứng yêu cầu tổ chức thi, đặc biệt là cơ sở hạ tầng CNTT để tạo thuận lợi cho thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến theo đúng tiến độ của kỳ thi.
Bộ GD-ĐT đã công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, đề nghị các sở GD-ĐT định hướng cho các trường tổ chức dạy học, ôn tập để đáp ứng đúng mục tiêu của kỳ thi. Đồng thời, đề nghị các sở GD-ĐT, các trường THPT hướng dẫn để học sinh có căn cước công dân trước khi đăng ký dự thi theo công văn hướng dẫn của bộ và lưu ý việc rà soát cập nhật bổ sung chính xác thông tin học sinh trên cơ sở dữ liệu ngành.
Theo Báo Tuổi Trẻ