Tranh luận bỏ hay giữ điểm ưu tiên khu vực

0
1130

Một số chuyên gia tuyển sinh đề xuất bỏ cộng điểm ưu tiên khu vực khi xét tuyển đại học, trong khi giáo viên phổ thông muốn duy trì và điều chỉnh.

Theo Dự thảo quy chế tuyển sinh 2022, điểm cộng ưu tiên khu vực vẫn được giữ nguyên – thí sinh khu vực 1 được cộng 0,75 điểm; khu vực 2 nông thôn 0,5; khu vực 2 là 0,25 – nhưng chỉ áp dụng với thí sinh tốt nghiệp THPT năm nay. Quy định này khiến nhiều thí sinh dự do (tốt nghiệp THPT những năm trước) hụt hẫng, cho rằng bất công.

Dịp này, cuộc tranh luận về việc nên giữ hay bỏ cộng điểm ưu tiên khu vực khi xét tuyển đại học tiếp tục được bàn lại.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cho rằng, nên bỏ cộng điểm ưu tiên khu vực bởi khoảng cách về điều kiện học tập ở các địa phương đang được thu hẹp. Chính sách cộng điểm này không còn nhiều ý nghĩa, lại có thể tạo sự bất công cho thí sinh. Ở các trường top trên, thí sinh đậu hay trượt chỉ cách nhau 0,1-0,2 điểm; trong khi điểm cộng khu vực tối đa là 0,75.

Theo ông Sơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể hỗ trợ thí sinh ở khu vực khó khăn bằng nhiều chính sách khác.

Thí sinh ở huyện đảo Phú Quốc, Bình Thuận đi đò vào đất liền, tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Việt QuốcIFrame
Học sinh ở đảo Phú Quý (khu vực 1) ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Việt Quốc

Trưởng phòng Đào tạo của một trường đại học ở Hà Nội đánh giá, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những điều chỉnh về điểm ưu tiên khu vực nhiều năm qua nhưng còn nhiều bất cập. Ví dụ ở các thành phố lớn, có những học sinh đạt tới 28-29 điểm ba môn xét tuyển nhưng vẫn bị trượt nguyện vọng cao nhất do kém bạn khác về điểm ưu tiên.

Trước năm 2003, thí sinh được cộng nhiều nhất 3 điểm ưu tiên khu vực. Từ năm 2004 đến 2017, tối đa là 1,5 điểm. Và từ 2018, điểm ưu tiên khu vực cao nhất là 0,75 .

Mức độ ưu tiên giảm theo thời gian nhưng việc xác định nhóm ưu tiên, theo vị trưởng phòng này, là chưa hợp lý. Hiện, nhiều thành phố thuộc tỉnh có điều kiện dạy và học tương đương với các thành phố trực thuộc trung ương nhưng vẫn được xếp vào khu vực 2. Khi duyệt hồ sơ xét tuyển bằng học bạ, các trường nhận thấy sự tương đương về lực học giữa các nhóm này. Nhưng theo quy định, thí sinh ở các khu vực ưu tiên vẫn được cộng điểm.

“Chưa cần bỏ ngay quy định cộng điểm ưu tiên khu vực nhưng cần thu hẹp đối tượng thụ hưởng. Theo đó, khu vực được xếp loại ưu tiên cần được rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cập nhật thường xuyên để sát thực tế hơn”, ông nói.

Tuy nhiên, các giáo viên phổ thông địa phương – những người theo sát tình hình học tập của học sinh được hưởng ưu tiên – muốn tiếp tục duy trì chính sách này. Cô Bùi Lan Anh, giáo viên Tiếng Anh ở một trường thuộc khu vực 1 tại Phú Thọ, có quan điểm khác với ông Phạm Thái Sơn; cho rằng chênh lệch điều kiện học tập giữa các khu vực vẫn còn tồn tại.

Lấy ví dụ môn Tiếng Anh, cô Lan Anh cho biết, điều kiện dạy và học ở đây rất thiếu thốn. Những gia đình đủ điều kiện và những học sinh muốn học thêm cũng khó tìm được cơ sở giáo dục bởi cả huyện chỉ có 1-2 trung tâm nhỏ.

“Chỉ khi nào sự chênh lệch về điều kiện học tập được thu hẹp thì mới nên bỏ điểm ưu tiên khu vực”, cô Lan Anh chia sẻ.

TP HCM, một trong hai đô thị lớn nhất nước, có năm huyện (Bình Chánh, Hóc Môn, Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi) được xếp vào khu vực 2. Một giáo viên ở Cần Giờ cho rằng, cộng điểm là hợp lý bởi điều kiện học tập ở huyện thua xa trung tâm thành phố. Chưa kể, do khó khăn kinh tế, nhiều học sinh lớp 12 thường bỏ dở việc học, theo ba mẹ đi biển hoặc làm nông. “Không cộng điểm là không công bằng và nhân văn”, thầy giáo nói.

Học sinh trường THCS - THPT Thạnh An ngụ ấp đảo Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ phải đi đò để đến trường hằng ngày. Ảnh: Mạnh Tùng
Học sinh trường THCS – THPT Thạnh An ngụ ấp đảo Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ đi đò để đến trường hàng ngày. Ảnh: Mạnh Tùng

Ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang, bổ sung thêm, sự chênh lệch trình độ trong đội ngũ giáo viên cũng là vấn đề đáng bàn. Giáo viên giỏi thường có xu hướng dịch chuyển về trung tâm hoặc các trường có tiếng.

Theo ông Trí, việc giảm dần mức điểm cộng giữa các khu vực và thay đổi cách xác định khu vực được cộng điểm – là nơi đặt trường THPT học sinh theo học – thay vì nơi đăng ký hộ khẩu, là những bước tiến đáng kể của chính sách này.

“Điểm cộng khu vực chưa thể bỏ trong lúc này nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể điều chỉnh hai yếu tố: giảm điểm cộng hơn nữa và quy định lại các khu vực ưu tiên”, ông Trí nói.

Theo Báo Vn Express