Thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội ‘áp đảo’

0
816

Trong số trên 688.000 thí sinh đã đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến thành công (tính đến ngày 8-5), có 135.000 thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, chiếm khoảng 20%. Có 52% thí sinh chọn bài thi tổ hợp khoa học xã hội.

Thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội áp đảo - Ảnh 1.

Thí sinh nêu băn khoăn với các thầy cô ban tư vấn – Ảnh: NAM TRẦN

Sáng 8-5, Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2022 do báo Tuổi Trẻ và các đơn vị phối hợp tổ chức đã diễn ra trong khuôn viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội.

52% thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội 

Theo thông tin mới nhất từ TS Lê Mỹ Phong – phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và đào tạo) – đến ngày 8-5 đã có trên 688.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến thành công.

Trong đó có 135.000 thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, chiếm khoảng 20%; trên 7.000 thí sinh dự thi chỉ để xét tuyển đại học, chiếm trên 1%. Thí sinh dự thi vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa sử dụng kết quả xét tuyển đại học có 537.000, chiếm gần 79%.

Có 52% thí sinh chọn bài thi tổ hợp khoa học xã hội (gồm các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân), 30% thí sinh chọn bài thi khoa học tự nhiên (gồm các môn vật lý, hóa học, sinh học).

Thí sinh sẽ còn tiếp tục được đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT theo hình thức trực tuyến đến 17h ngày 13-5. Năm nay là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và đào tạo yêu cầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến 100%.

Đại tá Vũ Xuân Tiến – trưởng ban thư ký Ban tuyển sinh quân sự, Bộ Quốc phòng – lưu ý thí sinh dự thi vào các trường quân đội phải qua sơ tuyển. “Về cơ bản, quy định tuyển sinh quân đội thực hiện như năm 2021”, ông nói.

Ông cũng thông tin chỉ tiêu dành cho nữ vào khối trường quân đội năm nay, theo đó có 63 chỉ tiêu vào 3 trường. Dù chỉ tiêu còn hạn chế, đây cũng là thông tin vui với những thí sinh nữ mong muốn được học trường quân đội.

Thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội áp đảo - Ảnh 2.

Đại tá, TS Vũ Xuân Tiến, trưởng ban thư ký Ban tuyển sinh quân sự, Bộ Quốc phòng – Ảnh: NAM TRẦN

Xếp thứ tự nguyện vọng xét tuyển ra sao?

Một số phụ huynh và thí sinh chia sẻ chưa thực sự hiểu khái niệm “nguyện vọng xét tuyển” là thế nào nên bối rối.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và đào tạo) – cho biết: Nếu hiểu đúng sẽ rất đơn giản. Khi thí sinh đăng ký một nguyện vọng vào nơi mình yêu thích thì sẽ phải đăng ký luôn ngành đào tạo nào, phương thức nào mà học sinh đã nộp hồ sơ, tương ứng với mã ngành cụ thể.

Và theo thứ tự, nguyện vọng nào thí sinh mong muốn nhất thì xếp lên đầu tiên, rồi đến nguyện vọng tiếp theo… cho đến hết số nguyện vọng. Trường hợp thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển nhiều nguyện vọng thì hệ thống quản lý xét tuyển của Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ chỉ xác định cho thí sinh đỗ 1 nguyện vọng được xếp ưu tiên cao nhất.

Thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội áp đảo - Ảnh 3.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – Ảnh: NAM TRẦN

“Con tôi đăng ký vào 3 ngành của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, xếp thứ tự ưu tiên 1, 2, 3. Sau đó lại đăng ký 3 nguyện vọng vào 3 ngành của một trường khác cũng xếp ưu tiên 1, 2, 3. Nếu con tôi trúng tuyển cả 6 nguyện vọng, khi đó tôi lại muốn chọn nguyện vọng 3 của trường Bách khoa hay nguyện vọng 2 của Trường ĐH Kinh tế quốc dân thì có được không?”, một phụ huynh hỏi.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy tư vấn: “Thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng vào 1 trường và nhiều trường nhưng chỉ khi đăng ký trên hệ thống của Bộ Giáo dục và đào tạo thì việc xếp ưu tiên các nguyện vọng mới có ý nghĩa. Vì phần mềm sẽ tự động chạy lọc ảo để thí sinh trúng tuyển một nguyện vọng được ưu tiên cao nhất theo đăng ký của thí sinh trên hệ thống này. Còn trước đó, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển tại trường để các trường có danh sách trúng tuyển tạm thời, cập nhật lên hệ thống”.

Một thí sinh băn khoăn muốn dự tuyển vào ngành kiến trúc và đây là ngành em yêu thích nhất nhưng em lo khi hệ thống chạy lọc ảo sẽ “cho em trúng tuyển vào ngành khác” trong tình huống em trúng tuyển nhiều nguyện vọng.

Bà Thủy khẳng định: “Nếu thí sinh đã xác định được ngành mình yêu thích nhất và đặt nó ở vị trí số 1 trên hệ thống của Bộ Giáo dục và đào tạo thì khi thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển ở nguyện vọng này, chắc chắn thí sinh sẽ được tuyển vào ngành em yêu thích, không có chuyện bị tuyển chệch sang ngành khác”.

Thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội áp đảo - Ảnh 4.

Thí sinh đang lắng nghe thông tin từ ban tư vấn – Ảnh: NAM TRẦN

Nhiều thí sinh băn khoăn: các trường năm nay dành ít chỉ tiêu xét tuyển phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, điều này khiến các thí sinh ở vùng nông thôn, khó khăn lo lắng vì sợ không thể cạnh tranh với các thí sinh ở vùng có điều kiện thuận lợi.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khẳng định hầu hết các cơ sở đào tạo đại học năm nay vẫn sử dụng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT bên cạnh nhiều phương thức khác, trong đó có các trường lớn.

“Số lượng chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT có giảm đi nhưng nó chỉ dịch chuyển giữa hai phương thức sử dụng học bạ và điểm thi tốt nghiệp. Việc này không ảnh hưởng lớn đến thí sinh ở các vùng nông thôn, khó khăn. Trong tương lai có thể các cơ sở sẽ có những điều chỉnh có thêm các phương thức tuyển sinh phù hợp với yêu cầu của mỗi trường nhưng năm nay thì cơ bản vẫn giữ ổn định”, bà Thủy cho biết.

Phương thức xét tuyển kết hợp cũng được nhiều phụ huynh, thí sinh quan tâm vì quá mới. Theo các thầy cô trong ban tư vấn, thí sinh cần xác định trước ngành mình muốn học, tương ứng với lĩnh vực nghề nghiệp trong tương lai mà thí sinh yêu thích. Sau đó mới xem ngành đó có những trường nào đào tạo, phương thức xét tuyển như thế nào.

Thí sinh có thể xếp ưu tiên các nguyện vọng vào ngành mình yêu thích trước và trong trường hợp muốn đăng ký nguyện vọng vào các ngành/trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển kết hợp thì thí sinh cần xác định sở trường của mình nằm ở đâu để chọn các phương thức có lợi thế khi xét tuyển. Ví dụ thế mạnh ở chứng chỉ tiếng Anh thì chọn các phương thức kết hợp có xét chứng chỉ tiếng Anh…

Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu – trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân – đây là năm đầu tiên trường sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội nên việc xác định mức điểm sàn để nhận hồ sơ chưa được chính xác.

Ông Triệu cho biết có thể Trường ĐH Kinh tế quốc dân sẽ giảm mức điểm đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội khi nhận hồ sơ (mức công bố trong đề án tuyển sinh là 100 điểm) do thực tế mức điểm thi trong các đợt thi của thí sinh không cao như dự đoán.

Thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội áp đảo - Ảnh 6.

Thí sinh nêu vấn đề mình quan tâm với ban tư vấn – Ảnh: NAM TRẦN

Thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội áp đảo - Ảnh 7.

Phụ huynh theo dõi tư vấn của chuyên gia – Ảnh: NAM TRẦN

Thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội áp đảo - Ảnh 8.

Nhiều thí sinh băn khoăn cách xếp thứ tự nguyện vọng, chọn ngành… nên nhờ ban tư vấn giải đáp – Ảnh: DANH TRỌNG

Theo Báo Tuổi Trẻ