Nhiều trường đại học quy đổi IELTS 5.5 thành 10 điểm tuyệt đối, thậm chí vượt khung lên 12 điểm, gây nghi ngại chứng chỉ ngoại ngữ đang được coi trọng quá mức.
Năm 2022, nhiều đại học tiếp tục đưa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế vào xét tuyển theo hướng quy đổi điểm chứng chỉ thành điểm môn tiếng Anh rồi cộng với điểm hai môn thi tốt nghiệp, hoặc kết hợp với học bạ THPT.
Trong số các trường đã công bố, hầu hết chấp nhận IELTS bắt đầu từ mức 5.0, Đại học Mở TP HCM thậm chí tạo cơ hội xét tuyển cho những thí sinh ở mức 4.5. Mức quy đổi mỗi trường một khác, nhưng phần lớn quy ra mức điểm tuyệt đối (10 điểm) từ band 6.5 trở lên, giống như nhiều năm trước.
Việc một số trường tính điểm 10 (ĐH Kinh tế Quốc dân), thậm chí 12 (ĐH Thương mại) đối với mức IELTS 5.5; hoặc cho phép cộng đến 15-16 điểm cho mức 7.0 đã gây bàn luận xôn xao trên nhiều diễn đàn thi cử. Câu hỏi được đặt ra là liệu các đại học có quá ưu ái chứng chỉ ngoại ngữ trong khi xét tuyển.
Lý giải việc ưu tiên IELTS trong xét tuyển, GS Nguyễn Tiến Thảo – giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, chuẩn đầu ra tiếng Anh là yêu cầu bắt buộc ở các trường đại học. Do đó, quy định đầu vào tối thiểu để tuyển được những thí sinh có sẵn năng lực ngoại ngữ là điều tốt, giúp các em hoàn thành bằng cử nhân đúng hạn, không bị nợ môn.
ĐH Quốc gia Hà Nội bắt đầu sử dụng IELTS, TOEFL hoặc các chứng chỉ châu Âu để xét tuyển từ 2017 và điểm quy đổi từ đó đến nay vẫn giữ nguyên. “ĐH Quốc gia Hà Nội không đặt nặng hay ưu ái chứng chỉ IELTS”, ông kết luận.
Đồng thời, ông Thảo lưu ý, dù có IELTS, ứng viên xét tuyển vào trường này vẫn phải có tổng điểm hai môn khác trong tổ hợp (Toán, Văn hoặc Toán, Lý) – đạt từ 16 trở lên. Ví dụ, nếu bạn đạt 7.5 IELTS có thể quy thành 9,75 ngoại ngữ nhưng hai môn kia cộng lại chỉ đạt 10 điểm, bạn cũng không đỗ. Điểm sàn của hai môn thi khác giúp đảm bảo việc xét tuyển chặt chẽ.
Thạc sĩ Phạm Hoài Anh – Viện phó Viện Ngoại ngữ – Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, trường Bách khoa không chỉ ưu tiên IELTS trong xét tuyển thẳng, các chứng chỉ quốc tế tương đương như APTIS, PTE đều được sử dụng.
Theo bà, IELTS là chứng chỉ tiếng Anh, không thể thiếu cho nhiều ngành học, đặc biệt là các ngành ngoại ngữ. Chứng chỉ này không phải điều kiện duy nhất. Chẳng hạn, để tuyển thẳng vào ĐH Bách khoa Hà Nội, thí sinh phải có chứng chỉ tiếng Anh và đáp ứng điều kiện 5 kỳ học, tất các các môn (trừ Thể dục và Giáo dục Quốc phòng) đều có điểm trung bình 8.0 trở lên.
Thạc sĩ Tú Phạm, chủ nhiệm trung tâm IPP IELTS, cho hay, xét tuyển, quy đổi IELTS như thế nào là bài toán riêng của từng trường. Trường đại học được tự chủ trong tuyển sinh, do đó họ có lý khi đưa ra các tiêu chuẩn đầu vào, miễn sao phù hợp với mục tiêu đào tạo.
Theo thầy Tú, mỗi khối, nhóm ngành, nghề có những yêu cầu khác nhau về tiếng Anh. Một số lĩnh vực không cần người thực sự quá giỏi ngoại ngữ nên trường không nhất thiết cạnh tranh giành nhóm thí sinh IELTS cao.
“Chúng ta đang ở trong thị trường giáo dục rộng nên ai cũng có khách hàng mục tiêu riêng. Khách hàng mục tiêu đó có những đặc điểm riêng, trong đó có ngoại ngữ”, thầy Tú phân tích.
Trước nghi ngại, quy đổi IELTS thành mức điểm cộng cao gây bất công cho nhóm thí sinh không có chứng chỉ ngoại ngữ, các chuyên gia cho biết, hai chuyện này không liên quan nhiều đến nhau.
Thông thường các trường sẽ có chỉ tiêu xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ riêng và chỉ tiêu cho thí sinh xét kết quả thi THPT hoặc xét học bạ… Do đó, những em có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sẽ cạnh tranh với nhau chứ không cạnh tranh với các bạn ứng tuyển bằng phương thức khác.
“Không có chuyện bạn được IELTS 5.5 sẽ lợi thế hơn so với bạn được 10 điểm thi tốt nghiệp môn tiếng Anh. Đây là hai phương thức ứng tuyển khác nhau và các trường chỉ quy đổi ra để dễ tính hơn”, thầy Phạm Tú nói.
Cơ hội dành cho thí sinh không có chứng chỉ ngoại ngữ chỉ bị thu hẹp lại nếu các trường tăng chỉ tiêu cho xét tuyển bằng IELTS. Theo khảo sát của VnExpress, chỉ tiêu phân bổ cho phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, trong đó phổ biến là IELTS, ở khoảng 5-20%, tùy từng trường.
“Số lượng chỉ tiêu xét tuyển bằng IELTS của ĐH Quốc gia Hà Nội không thay đổi theo các năm. Mỗi năm chỉ tuyển 5-7%. Chỉ khác là trước đây ít thí sinh đăng ký xét tuyển bằng IELTS thì bây giờ nhiều hơn”, ông Thảo nhấn mạnh.
Ông Thảo dẫn chứng, trước đây có thể mức điểm IELTS 5.5-6.0 đã được tuyển nhưng bây giờ phải đạt khoảng 7.0-7.5 IELTS mới đỗ vào Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nhiều học sinh lớp 12 cũng cho rằng việc quy đổi IELTS không “ưu ái” cho chứng chỉ này, ngược lại mở rộng cơ hội cho thí sinh vào đại học.
Phạm Hải Nam, 12 Anh, trường THPT chuyên Lào Cai, thích cách xét tuyển bằng IELTS vì việc này khích lệ thí sinh ôn thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Kỳ thi dựa trên quy chuẩn quốc tế, giúp học sinh trở thành những công dân toàn cầu, có các kỹ năng được nhiều nước trên thế giới công nhận.
Nam thi IELTS năm ngoái, đạt 8.5. Với điểm IELTS tương đương 10 điểm tiếng Anh theo mức quy đổi của Đại học Quốc gia Hà Nội, cùng giải ba học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh, Nam dự tính nộp hồ sơ xét tuyển thẳng vào trường Đại học Ngoại ngữ.
Theo Báo VnExpress