Trước câu hỏi “Học ngành nào để có thể làm web, lập trình game”, PGS.TS Cao Tuấn Dũng cho rằng, học ngành nào thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin cũng đều có khả năng làm web, lập trình game và hơn thế nữa.
Công nghệ thông tin là lĩnh vực luôn thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao trong những năm gần đây. Vì vậy, nhóm ngành công nghệ thông tin luôn có mức điểm chuẩn cao nhất nhì tại các trường đại học.
Yêu thích công nghệ thông tin, nhưng nhiều thí sinh vẫn còn băn khoăn về sự khác nhau giữa các ngành trong nhóm ngành này.
PGS.TS Cao Tuấn Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) đã chỉ ra một số điểm khác biệt cơ bản giữa các ngành học, trong đó có Khoa học Máy tính và Kỹ thuật Máy tính.
Theo PGS.TS Cao Tuấn Dũng, Khoa học Máy tính vốn là ngành liên quan đến lập trình phát triển ứng dụng chạy trên máy chủ (server), máy tính (PC, laptop, và thiết bị cá nhân thông minh), sử dụng các kiến thức về công nghệ phần mềm và hệ thống thông tin nói chung. Đây là ngành đào tạo cơ bản nhất trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ thông tin, và hầu hết các trường đại học danh tiếng trên thế giới đều đào tạo ngành này.
Học Khoa học Máy tính, sinh viên sẽ có đầy đủ kiến thức về phát triển phần mềm; xây dựng và quản trị cơ sở dữ liệu; phát triển các giải pháp tích hợp nhằm cung cấp các hệ thống thông tin phù hợp với nhu cầu của người sử dụng; phát triển và tối ưu các giải thuật tính toán, các phương pháp và hệ thống tính toán song song, tính toán phân tán, xử lý dữ liệu lớn, các kỹ thuật và phương pháp phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, học máy…
Trong khi đó, Kỹ thuật Máy tính là lập trình trên thiết bị với bộ vi xử lý có năng lực tính toán, dung lượng bộ nhớ hạn chế hơn, năng lượng – pin – cũng hạn chế hơn, gọi chung là hệ nhúng. Ví dụ, lập trình trên camera thông minh, robot hay điện thoại.
Ngoài ra, Kỹ thuật Máy tính còn dạy các kiến thức về mạng máy tính, truyền dữ liệu (ví dụ, làm thế nào để dữ liệu truyền từ máy này đến máy kia hiệu quả), và đặc biệt là an toàn thông tin (bảo mật, chống tấn công mạng…), cũng như một phần kiến thức quan trọng về xử lý tín hiệu, điện tử số, ghép nối… để có thể can thiệp sâu hơn xuống mức thiết bị nếu cần.
Tuy nhiên, cũng vì nguồn cung nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin luôn thiếu, do đó, PGS.TS Cao Tuấn Dũng cho rằng, thí sinh không nên tự tạo áp lực trong việc chọn ngành đào tạo.
“Việc lựa chọn này nên đến từ sở trường, đam mê, bởi hầu như dù chọn ngành nào cũng không ảnh hưởng đến triển vọng nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp”, PGS.TS Cao Tuấn Dũng cho hay.
Trước câu hỏi “Học ngành nào để có thể làm web, lập trình game”, PGS.TS Cao Tuấn Dũng cho rằng, học ngành nào thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin cũng đều phải học rất kỹ về lập trình, kỹ thuật lập trình, ngôn ngữ lập trình,…
Trong khi đó, sản phẩm đầu ra của lập trình chính là phần mềm, dù có là phần mềm triển khai trên máy chủ, máy tính, điện thoại, hệ nhúng. Web hay game cũng là các phần mềm, cho nên, học ngành nào thì cũng đều có khả năng tạo ra các phần mềm đó và hơn thế nữa.
Con gái có hợp ngành công nghệ thông tin không?
Về câu hỏi này, PGS.TS Cao Tuấn Dũng cho rằng, lĩnh vực công nghệ thông tin vốn không phân biệt nam nữ. Trên thực tế, có rất nhiều nhân vật quyền lực, nổi tiếng về công nghệ thông tin trên thế giới là nữ như Sheryl Sandberg, COO Meta Platforms, Maryssa Mayer cựu CEO Yahoo, Susan Wojcicki CEO Youtube …
“Có rất nhiều vị trí nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin phù hợp với phái nữ như thiết kế lập trình web, kiểm thử phần mềm, quản trị cơ sở dữ liệu, phân tích dữ liệu, đảm bảo chất lượng phần mềm, quản trị công nghệ thông tin, kỹ sư cầu nối công nghệ thông tin, kỹ sư trí tuệ nhân tạo …
Thực tế tuyển sinh tại trường những năm qua cho thấy số lượng sinh viên nữ theo học ngành này ngày một tăng. Và kết quả học tập của các nữ sinh cũng thường tốt hơn các bạn nam”, PGS Dũng nói.
Triển vọng việc làm
Theo báo cáo thị trường nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam năm 2021 của TopDev, trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin tại Việt Nam không ngừng tăng cao. Trong năm 2022, Việt Nam cần có 450.000 nhân lực công nghệ thông tin. Trong giai đoạn thế giới bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dù nhiều ngành nghề bị cắt giảm nhân lực nhưng các ngành liên quan về công nghệ thông tin vẫn thiếu hụt nhân lực rất trầm trọng.
Do vậy, PGS Cao Tuấn Dũng cho hay, dù tốt nghiệp chương trình đào tạo nào liên quan đến công nghệ thông tin, sinh viên cũng đều có triển vọng nghề nghiệp tốt, miễn trong quá trình học, sinh viên tập trung và tích lũy đủ kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm và khả năng ngoại ngữ. Sự phát triển sự nghiệp của mỗi người, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học – kỹ thuật – công nghệ chủ yếu phụ thuộc vào năng lực của người đó.
“Thực tế, rất nhiều sinh viên ngành công nghệ thông tin của trường sau khi tốt nghiệp đã ra nước ngoài làm việc, hoặc học tiếp ở các bậc học cao hơn. Đặc biệt với những sinh viên theo học chương trình công nghệ thông tin Việt – Nhật, khoảng 70% sinh viên sau khi tốt nghiệp đều sang Nhật Bản làm việc với mức lương khởi điểm rất cao, thông thường từ 3.000 – 4.000 USD/tháng, cá biệt có những em có thể đạt được mức lương 6000 USD/tháng.
Cơ hội phát triển nghề nghiệp trong khu vực Asean cũng ngày một rộng mở, thậm chí một số sinh viên giỏi được tuyển dụng bởi các công ty công nghệ Singapore có mức lương từ 5.000 – đến 6.500 SGD (tương đương 3.500 – 4.500 USD)/tháng”, PGS Dũng thông tin.