Các ngành có nhiều cơ hội việc làm điểm danh

0
1002
Các ngành có nhiều cơ hội việc làm điểm danh

Theo các chuyên gia về tuyển sinh, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các ngành liên quan đến kỹ thuật công nghệ như robot thông minh, các ngành điện tử, kinh tế… đều rất thu hút thí sinh bởi nhu cầu xã hội cao, cơ hội việc làm mức lương hấp dẫn.

Theo quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 của Bộ GD-ĐT, thí sinh được phép đăng ký, thay đổi nguyện vọng không giới hạn số  lần đến 17h ngày 20/8.

Tư vấn cho thí sinh về định hướng nghề nghiệp, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, sau khi quan sát, tổng kết sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, có thể dự báo nhu cầu nhân lực của xã hội trong giai đoạn 2020-2030 sẽ tập trung vào các nhóm ngành như công nghệ thông tin – trí tuệ nhân tạo (AI), truyền thông – marketing, các ngành khối sức khỏe (y – dược), ngành logistic và quản lý chuỗi cung ứng, các ngành công nghệ mới, vật liệu mới, năng lượng mới.

Các ngành có nhiều cơ hội việc làm điểm danh

Một số ngành nhóm kỹ thuật được dự báo có nhu cầu nhân lực cao trong thời gian tới. (Ảnh minh họa, nguồn: bdu.edu.vn)

“Các ngành kỹ thuật – công nghệ hiện nay đang rất thời thượng, cơ hội việc làm và vị trí làm việc trong và ngoài nước rất tốt. Quan sát cho thấy trong 5 năm trở lại đây, một số lĩnh vực như cơ điện tử, công nghệ thông tin… các em ra trường đều có việc làm ngay, có nhiều em còn có thể tìm việc ngay khi mới học năm thứ 3”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết.

Còn theo GS.TS Nguyễn Việt Trung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi, trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các ngành liên quan đến kỹ thuật công nghệ như robot thông minh, các ngành điện tử, kinh tế đều rất thu hút thí sinh.

Theo báo cáo mới nhất của Navigos Search (đơn vị chuyên tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao) về thị trường lao động trong nước quý 2/2022, do ảnh hưởng của các xung đột Nga – Ukraine khiến nhiều hợp đồng và đơn đặt hàng liên quan đến công nghệ thông tin (IT) được chuyển về thị trường Việt Nam làm tăng cơ hội việc làm.

Một số doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng hoạt động trong nửa cuối năm 2022 cũng như có một số doanh nghiệp trong giai đoạn chuyển đổi và tái cơ cấu sẽ có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn kỹ sư công nghệ thông tin để mở ra các trung tâm số hoặc số hóa doanh nghiệp nhanh hơn. Các vị trí tuyển dụng chủ yếu là các vị trí thiên về kỹ thuật: Phát triển phần mềm – kỹ thuật dữ liệu – kỹ sư DevOps – kỹ sư trí tuệ nhân tạo (AI)…và các vị trí không thiên về liên quan đến kỹ thuật như trưởng phòng kinh doanh…

Các nhà tuyển dụng này cũng kỳ vọng các ứng viên sẽ có sự linh hoạt, thích nghi cao, có tính kỷ luật trong công việc khi không có sự giám sát chặt chẽ từ người quản lý.

“Tại ĐH Thủy lợi, các ngành liên quan đến kỹ thuật, công nghệ đang rất thu hút thí sinh. Tôi cho rằng, quan niệm ngành hot hay không “hot” không quan trọng, quan trọng là các ngành đó khi ra trường có dễ tìm được việc làm hay không. Những ngành dễ tìm được việc làm, lương cao thì cả xã hội đều mong muốn. Vì vậy ngành “hot” là một chuyện còn quan trọng là năng lực mà các trường đại học đó mang đến cho các em như thế nào”, GS.TS Nguyễn Việt Trung phân tích.

Còn theo Ths Nguyễn Đức Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghệ (Bộ LĐ-TB-XH), thực tế tất cả các ngành nghề mà nhà trường  đào tạo đều là ngành nghề xã hội đang cần. Tuy nhiên cũng có một số ngành nhu cầu xã hội lớn, lương cao nhưng người học lại ít quan tâm vì quan niệm đây là những ngành nghề độc hại, nặng nhọc.

“Như ngành cơ khí chế tạo hiện nay toàn ngồi phòng lạnh bấm nút, máy CNC làm việc nhưng sinh viên vẫn thích những nghề dịch vụ hay công nghệ thông tin, còn những nghề công nghiệp gốc thì họ lại ngại”, thầy Nguyễn Đức Bình nêu thực tế.

Thầy Bình cho rằng, khi chọn ngành, chọn nghề, thí sinh cần có những hiểu biết về bản thân, năng lực và sở trường của mình, chỉ khi yêu nghề, đam mê thì mới có thể thành công với nghề đó. “Nếu ‘lướt sóng’ theo xu hướng xã hội hôm nay vào kinh tế, hôm sau lại nhảy sang kỹ thuật thì rất khó, nên phải xác định được con đường phù hợp cho mình”.

Chọn trường hay chọn ngành trước?

Đến thời điểm này, nhiều thí sinh vẫn loay hoay trong câu hỏi nên chọn trường trước hay chọn ngành trước. Qua các năm tuyển sinh, tại một số trường ĐH top đầu có nhiều trường hợp thí sinh đăng ký hầu hết các ngành trong một trường, với mong muốn nhất định sẽ đỗ  vào trường. Vậy nên chọn trường hay chọn ngành trước?

Các ngành có nhiều cơ hội việc làm điểm danh

Chọn trường hay chọn ngành là băn khoăn của không ít thí sinh. (Ảnh minh họa).

Từ kinh nghiệm giảng dạy và làm quản lý nhiều năm ở trường đại học, GS.TS Nguyễn Việt Trung, Phó Hiệu trưởng ĐH Thủy Lợi cho rằng, điều quan trọng nhất là năng lực, sở trường của thí sinh để theo đuổi một ngành nào đó. Như vậy, đầu tiên thí sinh phải chọn đúng ngành sau đó kiên trì theo đuổi, trau dồi chuyên môn, ngoại ngữ và kỹ năng mềm để theo đuổi nghề nghiệp. Các em có thể thích một trường nào đó nhưng ngành nghề phải phù hợp và các em cảm thấy đủ đam mê theo đuổi ngành nghề đó.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ (Bộ LĐ-TB-XH) cũng cho rằng trước hết thí sinh nên chọn nghề rồi mới chọn trường. Với những ngành nghề như kỹ thuật, bên cạnh một số trường đại học lớn có truyền thống đào tạo, thì cũng có nhiều trường cao đẳng đào tạo nghề về kỹ thuật với chương trình vững chắc, thực tế, đáp ứng nhu cầu xã hội. Thí sinh có thể tìm hiểu điểm mạnh, điểm yếu, sở trường, đam mê của bản thân để có sự lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.

Theo Báo VOV