Học bạ ‘đẹp như mơ’, tại sao các trường vẫn dùng để xét tuyển?

0
829

   Nhiều giáo viên, học sinh thừa nhận điểm học bạ xét tuyển nhiều môn cao hơn năng lực. Tuy nhiên, nhiều đại học vẫn coi đây là cơ sở “đáng tin cậy” để xét tuyển học bạ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết hiện có 20 phương thức tuyển sinh cùng tồn tại, tuy nhiên hai phương thức chính giúp các trường tuyển nhiều chỉ tiêu nhất là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ THPT. Có khoảng 250 trường đại học, cao đẳng dùng điểm học bạ để xét tuyển, trong đó nhiều trường tuyển đến 50% bằng phương thức này.

Theo kết quả đối sánh điểm thi tốt nghiệp THPT với điểm trung bình học bạ các môn tương ứng năm 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, nhiều môn có chênh lệch giữa điểm thi và học bạ lớn. Như Lịch sử chênh gần 2,7 điểm (điểm thi trung bình cả nước là 4,971 nhưng học bạ lên tới 7,659), Sinh học chênh 2,07, Tiếng Anh 1,247.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá mức chênh lớn ở một số môn cho thấy việc dạy học và kiểm tra, đánh giá trong trường phổ thông chưa tương đồng với thi tốt nghiệp. Như môn Lịch sử và Tiếng Anh còn hạn chế, quá trình kiểm tra, đánh giá các môn này có phần “rộng” hơn. Nhiều giáo viên, học sinh dùng cụm từ “đẹp như mơ” để mô tả về điểm học bạ, khẳng định điểm nhiều môn “cao hơn” năng lực.

Điểm học bạ cao kéo theo điểm chuẩn xét bằng phương thức này cao. Như năm nay, Đại học Giao thông vận tải lấy điểm trúng tuyển bằng học bạ lên tới 28,37 dù chỉ cộng điểm trung bình ba năm THPT của ba môn trong tổ hợp và điểm ưu tiên theo quy định của Bộ, Tài chính – Marketing (TP HCM) 29 ,Công nghiệp Hà Nội 29,38, Sư phạm Kỹ thuật TP HCM 29,75. Mức này đồng nghĩa nếu không có điểm ưu tiên (tối đa 2,75 điểm), thí sinh phải đạt trung bình 9,5-9,9 mỗi môn mới đỗ.

Cũng nhìn nhận điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT có độ chênh nhất định, đại diện nhiều trường cho rằng xét học bạ THPT vẫn là phương thức xét tuyển “đáng tin cậy”.

GS.TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng trường Đại học Phenikaa (Hà Nội), nhận định điểm học bạ và điểm thi có sự vênh nhau nhưng kết quả đánh giá bằng học bạ vẫn tương đối chính xác với khoảng 70-80% học sinh. Xét tuyển học bạ vẫn là phương thức tốt bởi điểm này đánh giá quá trình rất dài, có độ tin cậy nhất định. Đây cũng là phương thức hiệu quả, tiết kiệm trong bối cảnh công nghệ số, cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh.

“Với cơ sở dữ liệu tốt cùng những thống kê, đối sánh giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ cũng như căn cứ vào chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo, các trường có thể tính toán để đưa ra mức điểm hay các tiêu chí phù hợp để xét tuyển học bạ một cách chất lượng, tuyển được sinh viên đủ năng lực theo học từng ngành”, ông Huy nói.

Chuyên gia này lấy ví dụ ở Đại học Phenikaa, sau khi tính toán các yếu tố liên quan đến điểm học bạ, trường vẫn sử dụng phương thức này để xét tuyển nhưng hạn chế với những ngành “top”, yêu cầu thí sinh phải có năng lực cao hơn như khối ngành sức khỏe. Hay với khối ngành kỹ thuật, công nghệ, điểm chuẩn học bạ cao hơn hẳn, có ngành lên tới 26, tức thí sinh phải có điểm trung bình hơn 8,6 mỗi môn. Mức này được tính toán dựa trên các kết quả phân tích.

“Khi tính toán cẩn thận dựa trên mục tiêu, ngành nghề đào tạo, chuẩn đầu ra và những con số thống kê cụ thể từ điểm thi, điểm học bạ hàng năm, việc sử dụng điểm học bạ để xét tuyển vẫn là phương thức tốt”, ông nhận định.

TS Lưu Văn Huyền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cũng đánh giá phương thức xét tuyển học bạ tạo nhiều thuận lợi cho cả phía trường đại học và thí sinh.

Với công tác tuyển sinh của các trường, kết quả học bạ có tính pháp lý, là một trong những thước đo, giúp xác nhận năng lực học tập của thí sinh một cách toàn diện (đa dạng về môn học, tổ hợp).

Sử dụng kết quả học bạ để xét tuyển từ năm 2016 ở một số ngành và mở rộng tuyển sinh cho toàn bộ ngành từ năm 2018 đến nay, chỉ tiêu xét bằng học bạ hàng năm của Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chiếm gần 50% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của toàn trường.

Số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển bằng phương thức này cũng ngày một nhiều bởi xét học bạ thuận tiện, thí sinh có thời gian, cơ hội chuẩn bị kết quả trong suốt ba năm THPT, được tăng thêm cơ hội trúng tuyển đại học. “Thời gian thu nhận hồ sơ xét tuyển sớm, giúp các em ổn định tâm lý trước kỳ thi tốt nghiệp THPT”, ông Huyền nói.

hoc-ba-dep-nhu-mo-vi-sao-cac-truong-van-dung-de-xet-tuyen-1

Thí sinh làm thủ tục thi tốt nghiệp THPT tại trường THPT Phú Nhuận (TP HCM) chiều 6/7.

Đại diện trường Tài nguyên và Môi trường nhận định điểm học bạ “có phần đẹp hơn” có thể từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc khi các đại học công bố phương thức xét tuyển bằng học bạ với các tiêu chí rõ ràng, thí sinh có sự chuẩn bị tốt hơn trong suốt ba năm THPT.

“Học bạ THPT vẫn là kết quả pháp lý quan trọng và chính xác hiện nay của hệ thống giáo dục phổ thông nên vẫn đảm bảo hiệu quả và chất lượng đầu vào cho các trường sử dụng để tuyển sinh”, ông Huyền nhận định.

Nói về xu hướng trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng phương thức xét tuyển bằng học bạ vẫn được nhiều trường sử dụng nhưng theo hướng xét tuyển kết hợp với các tiêu chí khác.

Ông Huyền cho rằng phương thức này sẽ ổn định và phổ biến hơn trong các năm tới. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng, nâng cao chuẩn đầu vào, ngoài kết quả học bạ, các trường có thể sử dụng thêm nhiều tiêu chí khác để kết hợp cùng như chỉ xét học bạ với một số đối tượng phù hợp như có học lực giỏi cả ba năm, học sinh trường chuyên, có giải học sinh giỏi, chứng chỉ quốc tế… Đây cũng là cách nhiều trường đang sử dụng.

PGS.TS Trương Đại Lượng, Trưởng phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, cũng cho rằng để đảm bảo chất lượng xét tuyển bằng học bạ, các trường cần kết hợp với một số tiêu chí khác như chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, học sinh trường chuyên (có môn chuyên thuộc tổ hợp xét tuyển), học sinh đạt giải trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế,…

Như với Đại học Văn hóa Hà Nội, trường kết hợp học bạ THPT với các loại giải thưởng học sinh giỏi, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hoặc xét tuyển kết hợp kết quả học THPT với điểm thi năng khiếu, tùy vào yêu cầu năng lực của từng ngành đào tạo.

Ông Phạm Thành Huy cũng nhìn nhận việc kết hợp xét tuyển kết quả học bạ với những tiêu chí riêng vẫn là xu hướng trong một vài năm tới.

“Chất lượng đầu ra của sinh viên chính là thương hiệu của các trường. Vì vậy, các nhà trường đều sẽ có những tính toán dựa trên chuẩn đầu ra để xác định đầu vào phù hợp, đảm bảo tuyển được sinh viên đủ năng lực theo học từng ngành. Các trường tăng tính tự chủ trong tuyển sinh đi liền với tự chịu trách nhiệm thì sẽ không có vấn đề gì lớn”, ông Huy chia sẻ.

Theo Báo Vn Express