Thi tốt nghiệp THPT 2023: ‘Bí quyết’ làm bài đạt điểm cao

0
815
hoc-sinh-tu-do-lua-chon-mon-hoc-truong-kho-dap-ung-1

Chỉ còn hơn một tuần nữa, khoảng 1 triệu thí sinh cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.

Một tiết học môn sử của cô trò lớp 12A6 Trường THPT Tân Bình (quận Tân Phú, TP.HCM) - Ảnh: NHƯ HÙNG

Một tiết học môn sử của cô trò lớp 12A6 Trường THPT Tân Bình (quận Tân Phú, TP.HCM) – Ảnh: NHƯ HÙNG

Thời điểm này, thí sinh cần lưu ý gì để làm bài đạt điểm cao ở các môn thi?

Toán: ghi lại để nhớ lỗi từng lặp lại

Chỉ còn hơn một tuần là tới kỳ thi nên học sinh cần rà lại kiến thức cơ bản trong chương trình lớp 12 và một số nội dung trong chương trình lớp 11. Đó là những kiến thức như tổ hợp – xác suất, cấp số cộng – cấp số nhân, nhị thức Newton, khoảng cách, góc… Nội dung nào chưa chắc thì dành thời gian ôn tập hoặc nhờ thầy, cô chỉ dẫn.

Các em có thể căn cứ vào đề thi tham khảo do Bộ GD-ĐT đã công bố để nắm các dạng bài trong đề thi, ôn lại các dạng mình còn chưa chắc. Trong khi chốt kiến thức trọng tâm, các em cần ghi lại những nội dung mình dễ nhầm lẫn, đã từng xảy ra nhiều lần trong khi luyện đề để tránh sai sót khi thi.

Bài thi toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ theo hình thức trắc nghiệm. Học sinh cần nắm kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm để tránh bị mất điểm vì các lỗi kỹ thuật. Các em làm trước các câu dễ làm hoặc các câu mình chắc chắn. Sau đó quay lại làm những câu khó hơn. Tránh sa đà vào một số câu khó, mất nhiều thời gian, đến khi hết giờ không làm được những câu dễ.

Thầy Lê Văn Cường (Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội)

Ngữ văn: nhớ quy ước “bàn tay phải”

Với môn ngữ văn các em cần nắm kiến thức cơ bản về các bước viết đoạn văn nghị luận xã hội, nghị luận văn học, dạng bài đọc hiểu. Các tác phẩm văn học trong chương trình nằm trong phạm vi ra đề thi đã được các thầy, cô ôn tập ở trường. Các em có thể hệ thống lại theo các phương pháp khác nhau.

Trong giai đoạn ôn tập, các em có thể lập bảng ghi tóm tắt các thông tin về tác giả, tác phẩm, bối cảnh sáng tác, giá trị cốt lõi của tác phẩm, phong cách, bút pháp của tác giả. Các em cũng có thể lập sơ đồ tư duy. Dựa vào bảng/sơ đồ, các em rà soát lại lần nữa nội dung cốt lõi của các tác phẩm.

Trong đó lưu ý đến bối cảnh lịch sử tác động đến nội dung, nhân sinh quan của tác giả để hiểu hơn giá trị tác phẩm.

Các em cần bám sát đề thi tham khảo để nắm cấu trúc đề thi. Theo đó, sẽ có ba phần cơ bản: phần đọc hiểu, phần nghị luận xã hội và phần nghị luận văn học. Mỗi phần các em nắm chắc các bước, có thể tổng kết lại theo công thức.

Ví dụ ở phần nghị luận xã hội, thường có hai dạng yêu cầu trình bày hiểu biết về một vấn đề tư tưởng, đạo lý hoặc về một hiện tượng xã hội. Khác với nghị luận văn học, phần này sẽ khó bao quát những chủ đề, chất liệu đề thi sẽ ra. Vì thế để làm được, thí sinh rất cần nắm các bước triển khai để đỡ chệch hướng, lan man.

Các em có thể tham khảo quy ước “bàn tay phải”. Bàn tay có năm ngón thì ta quy ước mỗi ngón ứng với một bước trong phần viết đoạn. Ngón cái là nêu vấn đề/hiện tượng đời sống. Ngón trỏ là giải thích vấn đề/hiện tượng được đề nêu ra. Ngón giữa là bàn luận vấn đề hoặc trình bày về tính phổ biến của hiện tượng trong đời sống.

Ngón áp út là lật lại vấn đề/phản đề đưa ra các mặt ngược lại với vấn đề được nêu ra hoặc chỉ ra nguyên nhân, ảnh hưởng của hiện tượng đời sống đến bản thân và giới trẻ nói chung. Ngón út là rút ra bài học, giá trị cần hướng tới.

Cô Nguyễn Kim Anh (Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội)

Vật lý: cẩn thận với đơn vị

Đề thi môn lý những năm gần đây có số câu hỏi cơ bản và vận dụng thấp khá nhiều. Vì vậy, việc đầu tiên là các thí sinh cần cố gắng làm tốt những câu này. Lý do vì câu khó và câu dễ số điểm đều bằng nhau, thí sinh đừng quá sa đà vào những câu vận dụng cao.

Trong quá trình làm bài, các em cần đọc đầy đủ các đáp án, không nên đọc lướt một đáp án, thấy đúng mà chọn ngay có thể nhầm; cẩn thận với những câu trắc nghiệm dạng phủ định có chữ sai và không đúng.

Ngoài ra, bài thi môn lý do máy chấm nên phải tô vào ô trả lời thật cẩn thận, đậm, rõ và tô kín ô. Đặc biệt, phải tô đậm đủ 40 câu, không nên bỏ câu nào. Một vấn đề nữa là các thí sinh hết sức cẩn thận với đơn vị, nhiều em bị nhầm giữa mili và mega, khối lượng tính bằng u và khối lượng tính bằng kg. Phần điện xoay chiều cần chú ý đến hiệu dụng và cực đại. Có thể kết hợp giản đồ vectơ và số phức để kiểm tra lại đáp án bài điện.

Thầy Nguyễn Tấn Danh (giáo viên môn vật lý Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM)

Hóa học: tránh những sai sót đáng tiếc

Đề môn hóa thường rải khắp chương trình lớp 12, chỉ có một số ý nhỏ thuộc chương trình lớp 10, 11. Về cấu trúc thì các câu hỏi thường được sắp xếp từ dễ đến khó. Do đó, thí sinh nên tranh thủ thời gian làm các câu dễ trước. Thí sinh cần lấy trọn điểm của 30 câu hỏi đầu tiên vì đây là những câu thuộc dạng cơ bản và vận dụng thấp.

Làm xong cần xem để tránh những sai sót, nhầm lẫn đáng tiếc. Với những em thi hóa để lấy điểm xét tuyển vào ĐH chắc chắn sẽ dốc sức cho 10 câu hỏi cuối của đề. Đây là những câu thuộc dạng vận dụng cao nên thí sinh cần có sự ôn luyện kỹ lưỡng, giải nhiều bài tập… từ trước đó.

Thầy Trịnh Quốc Hùng (giáo viên môn hóa Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM)

Sinh học: tránh nhầm ý này sang nội dung khác

Thí sinh thường bị mất điểm do không đọc kỹ câu hỏi hoặc bị nhầm từ ý này sang nội dung khác. Nhất là những câu hỏi trắc nghiệm thuộc dạng đúng – sai. Khi gặp một câu hỏi mà thí sinh cảm thấy mình hơi lơ mơ, không chắc chắn thì tốt nhất là chuyển sang làm câu khác ngay.

Tránh mất quá nhiều thời gian vào một câu hỏi trong thời gian đầu khi làm bài. Chỉ khi nào làm hết các câu thuộc sở trường của mình rồi, hãy quay lại với các câu thuộc dạng sở đoản.

Thầy Nguyễn Quang Minh (giáo viên môn sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp, TP.HCM)

Lịch sử: công thức 4W – 1 How

Thời điểm cận kề kỳ thi, học sinh không thể học lan man được mà cần chốt kiến thức cơ bản. Để tránh quên, bỏ sót, các em nên ghi nhớ công thức 4W – 1 How. Trong đó 4W là What (sự kiện gì xảy ra?), When (sự kiện xảy ra khi nào?), Who (sự kiện gắn liền với chủ thể nào: nhân vật lịch sử, giai cấp, tổ chức…?), Where (sự kiện gắn với địa điểm, không gian nào?) và How (sự kiện đó diễn ra như thế nào?).

Cô Ngô Thị Thành (phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội)

Giáo dục công dân: ghi nhớ bằng các từ khóa

Các em có thể rà lại kiến thức trong chương trình và ghi nhớ bằng các từ khóa. Mỗi phần kiến thức sẽ có các từ khóa khác nhau, khi hiểu về từ khóa sẽ hiểu về bản chất nội dung kiến thức. Cách ghi nhớ theo từ khóa giúp các em ghi nhớ kiến thức theo logic, không bị quên, bỏ sót và cũng nắm chắc kiến thức để khi gặp phương án nhiễu không bị mất thời gian để phân biệt.

Đề thi sẽ có những câu hỏi yêu cầu thí sinh vận dụng pháp luật vào các tình huống trong cuộc sống hằng ngày. Khi dạy học và ôn tập, thầy, cô đã có các ví dụ minh họa, bài tập để học sinh làm quen với việc vận dụng kiến thức vào tình huống thực tế.

Vì thế các em lưu ý ở mỗi tình huống cụ thể trong đề, phải nhận diện được các kiến thức pháp luật liên quan để căn cứ vào đó xác định phương án xử lý đúng.

Cô Trương Thị Thanh Vân (giáo viên Trường THPT Ngô Quyền, Hải Phòng)

Theo Báo Tuổi Trẻ