Trần Thiện Minh (TPHCM) đạt tổng điểm 9.0 IELTS chỉ sau 2 lần thi với bí quyết đặc biệt, giúp người học nhớ lâu, tư duy mạch lạc và đạt được mục tiêu khi học tiếng Anh.
Theo thống kê sơ bộ của người trong ngành, hiện nay Việt Nam có chưa tới 10 người đạt tổng điểm 9.0 IELTS.
Những ước mơ thành hiện thực sau bao nỗ lực
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không quá khá giả, du học vốn luôn là một ước mơ khá xa vời với Minh. Tuy vậy, chàng trai trẻ vẫn luôn nỗ lực hết mình, lấy gia đình làm động lực để cố gắng mỗi ngày.
Ngay từ khi còn bé, Minh đã được cha mẹ đầu tư khá nhiều cho việc học. Cha mẹ Minh cho anh học tiếng Anh từ sớm. Khi học cấp 2 và cấp 3, Minh đều cố gắng để thi đỗ và học tại các trường chuyên của thành phố.
Minh đã mong muốn có thể du học tại Singapore vào năm cấp 3. Anh dành rất nhiều thời gian, nỗ lực để chuẩn bị hồ sơ du học. Nhưng cú sốc ập đến với Minh khi anh trượt học bổng mơ ước vào năm lớp 9, đúng thời điểm kỳ thi vào trung học phổ thông vô cùng khốc liệt chuẩn bị diễn ra.
Vì đã tốn nhiều thời gian cho việc chuẩn bị hồ sơ du học, Minh lơ là khá nhiều các phần kiến thức trên lớp. Nhưng không còn cách nào khác, Minh quyết tâm cao ôn tập, xuất sắc đậu vào 2 trường chuyên nổi tiếng tại TPHCM: Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và Trường Phổ thông Năng khiếu ĐH Quốc gia TPHCM. Anh chọn học tại Trường Phổ thông Năng khiếu.
Sau đó, anh bắt đầu chuẩn bị dần cho các kỳ thi IELTS và TOEFL. Năm lớp 10, Minh đạt 8.0 IELTS với lần thi đầu tiên và đạt 117/120 điểm trong kỳ thi TOEFL.
Với kết quả này, Minh quyết định thử sức nộp đơn xin du học tại Mỹ và đạt được kết quả mong muốn. Anh tới bang New Hampshire (Mỹ), cách thành phố gần nhất là Boston chừng 2 giờ lái xe, thực hiện giấc mơ mà anh đã mong muốn từ lâu.
Ẵm trọn điểm 9.0 phần thi nói và nghe nhờ học đúng phương pháp
Minh chia sẻ, việc học tiếng Anh đối với anh không quá khó khăn. Đến năm lớp 10, anh bắt đầu quá trình ôn IELTS trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, anh khuyên những ai có ý định tự ôn IELTS nên học một cách có phương pháp chứ không nên ôn bài hời hợt hay cấp tốc.
Muốn cải thiện điểm IELTS, người học cần thay đổi tư duy gốc để việc học trở nên hiệu quả hơn. Đối với Minh, anh áp dụng phương pháp “linearthinking” (tư duy tuyến tính) để việc học thuận lợi hơn.
Đây là phương pháp do người anh là Lê Đình Lực, cũng là cựu học sinh Phổ thông Năng khiếu truyền cảm hứng cho Minh, giúp anh có khả năng và quyết tâm nâng mức điểm IELTS lên “kịch trần”.
Đối với kỹ năng đọc trong bài thi IELTS, linearthinking sẽ đưa ra một số công cụ như phân tích cấu trúc của một câu hay tìm mối liên kết giữa các câu để đoán nghĩa của từ. Với công cụ này, nhiệm vụ của người đọc là chủ động nhận diện thông tin, lấy thông tin và đơn giản hóa nội dung, các mối liên hệ giữa các câu. Từ đó, người học sẽ nắm được ý chính của bài đọc.
Nhiều bạn rất dễ bị nản khi nhìn vào một đoạn văn dài. Với phương pháp này, người học có thể tiếp cận bài đọc một cách mượt mà hơn. Trước đây, mọi người đã quen thuộc với phương pháp tìm “từ khóa”.
Dù cũng là một phương pháp hiệu quả nhưng nếu làm vậy, chúng ta sẽ dễ bỏ qua nội dung chính của toàn bài. Sử dụng phương pháp này khi đọc các bài báo khoa học hay các nghiên cứu sẽ khiến người đọc khó bắt kịp.
Khi gặp phải một số từ vựng quá khó, người đọc không cần thiết phải hiểu được từ đó để nắm được nội dung cả bài. Nhiều khả năng, đoạn văn phía sau đó sẽ đưa ra ví dụ hoặc khái niệm cho từ đó.
“Đối với kỹ năng nghe, việc áp dụng linearthinking sẽ bắt đầu từ việc tăng cường sự cảm âm. Người nghe cần hiểu rằng đoạn hội thoại đang nói về điều gì, tránh việc luyện tập quá nhiều nhưng khi nghe vẫn không nắm được ý chính của mỗi đoạn hội thoại.
Để rèn luyện cảm âm, chúng ta có thể bắt đầu từ việc chép chính tả các bài nghe. Khi nghe một đoạn hội thoại, nên viết lại và nắm được ý chính của chúng, sau đó so lại với kịch bản, kiểm tra xem chúng ta nghe có đúng từ, đúng âm hay không. Khi cảm âm bắt đầu tốt lên, chúng ta mới nên luyện đề”, anh Minh chia sẻ.
“Thực chất, việc cảm âm là việc mà mình đã làm từ khi còn bé. Hồi nhỏ, mình không hề có mạng Internet để tìm lời bài hát, bởi vậy mà mình đã ngồi viết lại những gì mình nghe được. Đó cũng là một dạng chép chính tả giúp mình rèn luyện cảm âm từ ngày xưa”, Minh cho hay.
Bí quyết cho phần thi viết và nói
Theo kinh nghiệm từ bản thân cũng như từ mọi người xung quanh, Minh cho biết, khó khăn đặc biệt mà rất nhiều người gặp phải khi đi thi đó chính là mọi người không nghĩ ra ý tưởng để trình bày.
Trong bộ kiến thức của linearthinking, có một kỹ năng đó chính là “specify” (làm rõ ý ), có nghĩa rằng thí sinh sẽ dựa vào một yếu tố trừu tượng trong câu hỏi và làm rõ nó.
“Ví dụ, khi gặp câu hỏi “Tại sao mọi người tại đất nước bạn lại rất thân thiện với khách du lịch?”, chúng ta cần làm rõ xem, “mọi người” trong câu đó bao gồm những ai. Nếu họ là những người đang đi trên đường và thân thiện với du khách, là những người bán hàng, tại sao họ lại thân thiện với du khách?
Khi làm rõ được những câu hỏi chung chung như vậy, người học sẽ phát triển được những hướng đi cho các ý tưởng của mình”, Minh bổ sung.
Nếu như phần thi viết có những dạng bài cụ thể, thì phần thi nói lại khó hơn ở chỗ, người học cần phát triển các ý tưởng và sắp xếp chúng sao cho logic ngay tại chỗ.
Ngoài ra, kỹ năng phát âm là kỹ năng phải ôn luyện lâu dài, không thể cải thiện trong ngày một ngày hai. Người học trong giai đoạn này cần một người hướng dẫn, chỉ ra các lỗi phát âm lớn, mang tính hệ thống.
Thêm vào đó, khi luyện nói tiếng Anh, chúng ta cần tự ghi âm để xem cách nói của mình có được tự nhiên, có sai không, đã đạt được các yêu cầu chưa, có giống ngữ điệu tiếng Anh mà mình thường xem ở trên tivi hay không?
“Hồi nhỏ, gia đình mình thường muốn mình xem các chương trình mang tính giáo dục bằng tiếng Anh. Dù xem chương trình đó vẫn có thể rèn luyện được kỹ năng nghe và nói tiếng Anh, nhưng khối lượng kiến thức từ các chương trình giáo dục rất lớn và khó nhằn.
Sau mình nhận ra, mình không phải một nhà hải dương học để hấp thụ được hết các chương trình giáo dục về cá voi bằng tiếng Anh. Mình chọn chỉ nghe những nội dung mình thích trên Discovery Channel, National Geographic, Animal Planet rồi sau đó lại quay về các chương trình giải trí nhiều hơn.
Ở mức độ nào đó, nó cũng giúp mình tăng cường cảm âm của mình lên khá nhiều”, Minh kể lại hành trình học tiếng Anh của mình.
Về mặt từ vựng, khi còn đi học phổ thông, anh thường xuyên được giao cho những danh sách từ vựng khá dài đi kèm với các từ đồng nghĩa và trái nghĩa với những từ đó để học thuộc. Nhưng với phương pháp này, anh chỉ có thể nhớ được các từ vựng đó cho đến khi trả bài.
Sau này, việc học từ vựng phát triển theo hướng học theo từ vựng theo chủ đề. Phương pháp này tuy có giúp cho người học nhớ lâu hơn, nhưng vẫn khá khó để áp dụng chúng vào đời sống hàng ngày.
Anh Minh cho rằng, mô hình hiệu quả nhất chính là học từ vựng theo sơ đồ tư duy. Mô hình này không chỉ sắp xếp các từ liên quan đến cùng một chủ đề với nhau, mà còn dựa theo cùng một chuỗi ý tưởng khi nói, giúp từ vựng dễ dàng được áp dụng và nhớ lâu hơn.
Đối với Minh, biết và đặt mục tiêu rõ ràng vô cùng quan trọng, cho dù đó là việc du học hay học tiếng Anh. Chỉ khi có mục tiêu, chúng ta mới có thể đặt ra lộ trình cho chính mình.
Nếu như xuất phát điểm thấp, chúng ta cần tập trung xây dựng những nền tảng cần thiết. Còn nếu như đã đi được một quãng đường trên hành trình đấy, ta cần nhìn lại hành trình của mình để chắc chắn rằng, phương thức, cách làm, tư duy của bản thân là đúng đắn, sẵn sàng chinh phục chặng đường tiếp theo.