Ngành học ở Việt Nam đang cực “khát” nhân lực, lương cao gấp rưỡi IT, sau 5 năm lên tới 70 triệu đồng/tháng

0
832
nhung-viec-thi-sinh-can-lam-ngay-sau-khi-biet-diem-thi-tot-nghiep-thpt-2022

Không lo thiếu việc làm, lương khởi điểm cao, càng về sau mức thu nhập càng ngất ngưởng,… – Đó là những “phác thảo” về một ngành học siêu hot hiện nay: Ngành Thiết kế vi mạch.

Thiết kế vi mạch còn có tên khoa học là Integrated circuit design hay VLSI design, ngành này chuyên nghiên cứu, phát triển, chế tạo các chip điện tử – còn gọi là mạch tích hợp (IC – Integrated Circuit). Sự phát triển của những quốc gia giàu mạnh trên thế giới hiện tại đều có sự đóng góp quan trọng của công nghiệp vi mạch.

Ngành học ở Việt Nam đang cực khát nhân lực, lương cao gấp rưỡi IT, sau 5 năm lên tới 70 triệu đồng/tháng - Ảnh 1.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có thiết kế vi mạch, cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nhân lực hiện tại chỉ đáp ứng dưới 20%. (Ảnh minh họa)

Để làm ra một chip, có ba khâu cơ bản gồm: Thiết kế, sản xuất và đóng gói. Tuy nhiên, Việt Nam hiện tập trung vào khâu thiết kế và đóng gói. Vì thế, theo các giảng viên, nhu cầu kỹ sư Thiết kế vi mạch rất lớn.

Thiết kế vi mạch được xem là một trong những ngành hẹp với hàm lượng kiến thức và kỹ năng, kỹ thuật đòi hỏi ở mức chuyên sâu. Đây cũng là lĩnh vực có sự đổi mới và tiến bộ liên tục. Các công nghệ mới tiên tiến hơn đòi hỏi kỹ sư phải có kỹ năng tự học, tự nghiên cứu và tự đúc kết kinh nghiệm.

Họ cũng phải chịu được áp lực cao và có thể làm việc lâu dài với máy móc, kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm hiệu quả, có trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là có đức tính tỉ mỉ cẩn thận,…

Chưa ra trường đã được nhận việc vì “cung không đủ cầu”

Yêu cầu cao, tuy nhiên nếu kiên trì, sinh viên sẽ nhận quả ngọt. Cơ hội việc làm và mức lương của ngành Thiết kế vi mạch đều đáng mơ ước. Những năm qua, liên quan đến thiết kế vi mạch bán dẫn và dịch vụ gia công thiết kế vi mạch, các doanh nghiệp lớn trên thế giới mở cơ sở và trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam ngày càng nhiều. Trong đó có Intel (Mỹ), Renesas (Nhật), Ampere Computing (Mỹ), Marvell Technology (Mỹ), Synopsys (Mỹ), BridgeTek (Đài Loan), Faraday Technology (Đài Loan).

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có Thiết kế vi mạch, cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nhân lực hiện tại chỉ đáp ứng dưới 20%. Riêng kỹ sư ngành Thiết kế vi mạch, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 1.000 người. Nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận với sinh viên ngay từ năm thứ hai, thứ ba thông qua những suất thực tập, công việc bán thời gian, học bổng vì đợi đến khi sinh viên tốt nghiệp mới tuyển dụng đã là quá trễ.

Khảo sát của HSIA (Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP. HCM) cho thấy kỹ sư Thiết kế vi mạch có mức lương chênh lệch dựa trên số năm kinh nghiệm: Mới ra trường nhận lương trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng. Kỹ sư có 1 – 3 năm kinh nghiệm, thu nhập dao động 15 – 30 triệu đồng. Sau 6 năm, họ nhận lương trung bình 0,6 – 1 tỷ đồng mỗi năm. Còn từ 10 năm kinh nghiệm trở lên, mức lương có thể hơn 1,5 tỷ đồng mỗi năm.

Ở Đại học Bách khoa Hà Nội, 100% sinh viên định hướng Thiết kế vi mạch ra trường được chào đón, có việc ngay. Mức lương khởi điểm của kỹ sư mới khoảng 15 – 20 triệu đồng/tháng, tương đương ngành Công nghệ thông tin. Còn nếu theo nghề 5 – 10 năm, lương kỹ sư ngành này cao gấp rưỡi Công nghệ thông tin, lên tới 2.500 – 3.000 USD/tháng (khoảng 60 – 70 triệu đồng).

Hiện nay nhiều trường đại học có khoa Điện – điện tử, Điện tử viễn thông hoặc khoa Công nghệ đều giảng dạy các kiến thức cơ bản liên quan đến công nghệ vi mạch, mạch tích hợp (integrated circuit) hoặc bán dẫn (semiconductor).

Nếu có đam mê và muốn theo đuổi ngành Thiết kế vi mạch, bạn có thể tham khảo chương trình giảng dạy ở các trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, trường Đại học Bách khoa, Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP. HCM). Một số trường vừa công bố mở ngành Thiết kế vi mạch như trường Đại học Công nghệ thông tin TP. HCM.