Những chương chiếm lượng câu hỏi nhiều trong đề thi môn Sinh

0
1962
Đề thi môn sinh năm nay nằm trong tổ hợp bài thi khoa học tự nhiên (lý-hóa-sinh) với thời gian làm bài cho mỗi môn là 50 phút với 40 câu.
Như vậy so với các năm trước đã có sự thay đổi về thời lượng trung bình để làm 1 câu trắc nghiệm (các năm trước là 50 câu/90 phút).Tuy nhiên qua đề thi mẫu mà Bộ GD-ĐT vừa công bố thì có thể thấy độ khó của đề thi đã giảm so với trước, nhưng để có thể đạt được điểm cao các em học sinh cần lưu ý những điểm sau:

1. Về cấu trúc đề thi sẽ có khoảng 30 câu là những kiến thức rất cơ bản các em chỉ cần học hiểu về lý thuyết và làm tốt những bài tập trong sách giáo khoa lớp 12 là có thể làm được.

Những câu còn lại có độ khó vừa phải đòi hỏi các em phải biết vận dụng lý thuyết và kỹ năng giải bài tập thì mới có thể hoàn thành, đây có thể là những câu dùng để phân loại thí sinh.

2. Về cách học lý thuyết và làm bài tập các em cần thực hiện theo cách sau:

2.1. Về lý thuyết:

– Các em không nên học thuộc lòng, cũng không học dồn mà hãy phân bố thời gian học sao cho hợp lý, để tránh tình trạng học trước quên sau hoặc lộn ý bài này với bài khác. Nên học hiểu những nội dung chính của từng bài, từng chương, các em có thể ghi lại dàn ý chính của chương đó, để khi ôn bài các em chỉ cần nhìn dàn ý thì có thể nhớ lại nôi dung của chương đó.

– Sau đó các em tự trả lời những câu hỏi ở sách giáo khoa và sách bài tập. Nếu câu nào không trả lời được hoặc không tự tin với câu trả lời của mình thì các em hãy xem lại nội dung của bài đó một lần nữa; nếu cần các em có thể tham khảo thêm ý kiến của thầy cô để hiểu kỹ nội dung câu hỏi hơn.

– Các em không nên học tủ, nhưng khi học các em cần chú ý vào các chương sau: Biến dị – Di truyền; Tính Quy luật di truyền; Ứng dụng di truyền học; Nguyên nhân và cơ chế tiến hóa; Quần thể và Quần xã, vì theo thầy đây là những chương chiếm số lượng câu rất nhiều trong đề thi.

2.2. Về bài tập:

– Các em cần luyện tập phần bài tập của các chương sau : Biến dị – Di truyền; Quy luật di truyền; Di truyền quần thể và Di truyền học người, trong đó các em cần chú ý:

+ Đối với phần Biến dị – Di truyền là dạng bài tập đột biến lệch bội xảy ra ở 1 nhóm tế bào trong Giảm phân và tỉ lệ giao tử đột biến được tạo thành.

+ Đối với phần Quy luật di truyền là dạng bài tập sẽ có những câu để phân loại thí sinh, do đó các em cần chú ý các dạng toán tổng hợp các quy luật di truyền giữa 2 hoặc 3 tính trạng; cách xác định tần số hoán vị gen, tỉ lệ các loại giao tử và tỉ lệ kiểu hình đời con.

+ Đối với phần Di truyền quần thể là các dạng toán tính tỉ lệ kiểu hình, tỉ lệ kiểu gen trong quần thể ở các trường hợp ngẫu phối, tự phối, hoặc tính số kiểu gen dị hợp trong quần thể.

+ Đối với phần Di truyền học người là dạng toán tính xác suất trên nhiễm sắc thể thường và nhiễm sắc thể giới tính.

– Các em nên tham khảo những dạng bài tập ở những kỳ thi trước để thấy bài tập không quá khó, không đánh đố học sinh mà chỉ cần học sinh hiểu và vận dụng thành thạo các kỹ năng tính toán là có thể giải quyết được dễ dàng từ đó giúp các em có thể bình tỉnh, tự tin và yên tâm hơn trong ôn tập.

– Các em cần rèn luyện kỹ năng tính toán bằng máy tính cho thật nhanh, chính xác. Không nên học thuộc công thức và thuộc cách giải bài mẫu mà phải hiểu cách giải của từng dạng bài tập.

3. Về cách làm bài trắc nghiệm: Các em nên làm từ trên xuống dưới theo nguyên tắc câu hỏi dễ làm trước, riêng câu bài tập nếu thấy dễ thì các em cần phải cẩn thận kẻo bị đánh lừa.

Ví dụ một câu của đề thi mẫu 2017:

Ở một loài thực vật, màu hoa được quy định bởi hai cặp gen A, a và B, b phân li độc lập; Khi trong kiểu gen có cả hai loại alen trội A và B thì cho hoa đỏ, các kiểu gen còn lại đều cho hoa trắng. Biết rằng không xảy ra đột biến và không tính phép lai thuận nghịch. Theo lí thuyết, có bao nhiêu phép lai giữa hai cây có kiểu hình khác nhau đều cho đời con có kiểu hình phân li theo tỉ lệ 3 : 1?

A. 3.                           B. 6.                              C. 4.                     D. 5.

Với bài tập này các em phải chú ý cây bố mẹ khác KH và xác đinh được :

+ Quy luật di truyền chi phối tính trạng màu hoa : tương tác bổ sung

+ Tỉ lệ KH 9 (A-B-) : hoa đỏ ; 7 (A-bb, aaB-, aabb) : hoa trắng

+ Để thu được KH con phân ly theo tỉ lệ 3 : 1 thì bố mẹ khác KH sẽ có các phép lai sau :  1) AaBb x aabb sẽ thu được đời con 3 hoa trắng : 1 hoa đỏ

2) AABb x aaBb sẽ thu được đời con 3 hoa đỏ : 1 hoa trắng

3) AaBB x Aabb sẽ thu được đời con 3 hoa đỏ : 1 hoa trắng

Như vậy đáp án A là đáp án đúng.

– Sau khi đã làm hết câu dễ thì làm đến câu khó và cũng làm theo thứ tự từ trên xuống. Nếu gần hết giờ mà vẫn chưa nghĩ ra đáp án của những câu khó thì các em nên chọn những đáp án có tính chất may rủi, không nên bỏ trống đáp án.

NGUYỄN QUANG MINH (Tổ trưởng tổ sinh, Trường THPT Nguyễn Công Trứ, TP.HCM)

TTO