‘Nước rút’ đăng ký xét tuyển ĐH: thấp thỏm chờ thí sinh

0
2173

Trong khi trường dẫn đầu số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển đã đạt mốc trên 85.000 nguyện vọng đăng ký thì có không ít trường ĐH, CĐ tổng số nguyện vọng đăng ký vào tất cả các ngành mới chỉ có 200-300!

Có trường tổng số NV đăng ký vẫn dưới… 100 nguyện vọng (NV).

Hơn 200 trường có trên 1.000 NV đăng ký

Đây là số liệu được Bộ 
GD-ĐT cập nhật đến cuối ngày 17-4. Tính đến 18h ngày 17-4, đã có trên 750.000 hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia được nhập lên hệ thống thông tin quản lý thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm. Trong đó 75% thí sinh có NV xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sư phạm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết thống kê chung cho thấy không có nhiều thí sinh đăng ký quá nhiều NV như nhiều dự đoán. Hiện tại, trong 500.000 hồ sơ xét tuyển đã nhập dữ liệu đầy đủ có đến hơn 60.000 thí sinh chỉ đăng ký NV duy nhất vào một ngành, một trường, không dùng quyền đăng ký đến NV thứ hai.

Theo ông Ga, quy chế năm nay cho phép đăng ký nhiều NV không chỉ tạo cơ hội cho thí sinh, mà còn giúp các trường khó tuyển tiếp nhận được thêm lượt NV đăng ký xét tuyển. Vì vậy, nếu thí sinh không trúng tuyển NV có thứ tự cao, nhưng trúng tuyển ở NV thấp hơn và các em thực sự mong muốn học ĐH thì các trường sẽ tăng thêm nguồn tuyển.

Ngày 17-4, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn giữ vị trí thứ 5 trong danh sách các trường ĐH, CĐ có số lượng NV đăng ký cao với gần 50.000 NV đăng ký (trong đó NV số 1, 2, 3 chiếm khoảng 30.000).

Ông Nguyễn Phong Điền – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – cho biết số lượng NV chung lớn, nhưng vẫn còn một số ngành lượng NV đăng ký ở mức thấp như các chương trình quốc tế, chương trình đào tạo tiên tiến.

“Với việc thí sinh đăng ký không giới hạn NV, dự kiến có gần 50.000 NV đăng ký vào trường, chỉ tương đương khoảng 12.000 thí sinh dự tuyển. Như vậy số NV đăng ký tăng mạnh, nhưng số thí sinh thực tế có NV xét tuyển vào trường không có biến động lớn so với mọi năm” – ông Điền phân tích.

Thực tế với dữ liệu hiện có, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đang nhận thêm một số đề nghị từ các trường ĐH phía Bắc cùng tham gia nhóm xét tuyển chung (GX). Dự kiến có 20 trường tham gia nhóm GX để được hỗ trợ kỹ thuật, giảm tỉ lệ ảo, chủ động trong kế hoạch tuyển sinh.

Chờ điều chỉnh NV 
sau khi có kết quả

Ông Nguyễn Phong Điền cho rằng các trường cần quan tâm đến thứ tự NV đăng ký của thí sinh. Nếu tỉ lệ các NV có thứ tự cao (NV 1, 2, 3) càng thấp thì ảo càng nhiều, việc xét tuyển có thể bị kéo dài.

Nằm ở nhóm trường có số lượng đăng ký NV thuộc tốp trung bình, nhiều trường ĐH cũng cho rằng không nên quá lo lắng với những số liệu thống kê hiện có. PGS.TS Trịnh Minh Thụ – phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi – nhận định việc đăng ký xét tuyển ở thời điểm hiện tại của thí sinh chưa chắc đã là lựa chọn cuối cùng của các em.

“Với quy định cho phép đăng ký thoải mái số NV thì hiện tại thí sinh có thể chỉ đăng ký theo mong muốn hoặc theo xu hướng, chưa cân nhắc sát theo năng lực của bản thân. Trong số mấy ngàn NV đăng ký vào trường, chỉ có trên dưới 50% đăng ký ở NV 1, 2, 3.

Điều này cũng không nói lên rằng các em có thể trúng tuyển NV trước sẽ không màng đến NV sau. Vấn đề là nếu đăng ký không sát năng lực thì các em khó trúng tuyển NV có thứ tự ưu tiên cao hơn được. Khi đó, thứ tự NV 3, 4 chưa chắc đã là NV ảo” – ông Thụ phân tích.

Theo ông Thụ, phải đến khi có kết quả thi (thí sinh vẫn còn có quyền thực hiện điều chỉnh NV phù hợp hơn với kết quả của mình) mới rõ tình hình.

Cùng chung tâm lý nói trên, ông Lê Quốc Hải – phó hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị – cho rằng trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh quảng bá tuyển sinh – đặc biệt trên mạng xã hội – từ nay đến khi thí sinh có kết quả thi (vào tháng 7) và điều chỉnh NV.

Chấp nhận khó tuyển

Trong nhóm các trường có số lượng NV đăng ký thấp thì chủ yếu xuất hiện các trường ĐH địa phương, trường CĐ sư phạm và các trường ĐH ngoài công lập.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Quốc Hải – phó hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị – cho biết chỉ tiêu tuyển sinh bậc CĐ sư phạm của trường năm nay giảm hơn 20% so với năm 2016, chỉ còn khoảng 200 chỉ tiêu.

Trong số này, chỉ có khoảng 1/3 chỉ tiêu tuyển sinh qua kết quả thi THPT quốc gia, còn lại xét tuyển bằng các hình thức khác. Năm 2016 trường chỉ tuyển được 60% chỉ tiêu, nên năm 2017 cũng không đặt mục tiêu quá cao.

“Có gần 100 NV đăng ký xét tuyển vào trường, chúng tôi cũng cho là tín hiệu khả quan rồi. Tuyển sinh ĐH hiện đang quá rộng cửa, nên các trường CĐ đều phải chấp nhận tình trạng khó tuyển như nhiều năm trở lại đây” – ông Hải nói.

Trong khi đó, ông Phí Đăng Tuệ – phó hiệu trưởng Trường ĐH Sao Đỏ – cho hay hiện trường có gần 1.000 NV đăng ký.

“Số lượng này so với các trường tốp đầu thì không thấm tháp gì, nhưng với Trường ĐH Sao Đỏ cũng đáng ghi nhận rồi. Với các trường ĐH tốp dưới, chúng tôi đã xác định từ đầu tỉ lệ xét tuyển chủ yếu dựa vào học bạ, chứ không phải từ kết quả thi THPT quốc gia” – ông Tuệ nói.

Năm 2016, Trường ĐH Sao Đỏ từng xác định tỉ lệ chỉ tiêu tuyển sinh dành cho phương thức dựa vào kết quả thi THPT quốc gia là 60%, tỉ lệ xét học bạ là 40%. Tuy nhiên, thực tế việc xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia khá chật vật, tỉ lệ xét tuyển học bạ cuối cùng lại nhỉnh hơn. Vì thế, năm 2017 trường xác định tỉ lệ chỉ tiêu cho hai phương thức này là 50/50.

“Năm 2016, bằng cả hai phương thức, trường chỉ tuyển được 700 thí sinh, đạt khoảng 50% chỉ tiêu. Năm 2017, trường phấn đấu tuyển được 700-1.000 chỉ tiêu ĐH, còn lại xét liên thông” – ông Tuệ nói.

Tâm lý chỉ cần thí sinh đăng ký chạm mốc 1.000 NV là hài lòng đã trở thành tâm lý chung của không ít trường ĐH, CĐ sư phạm vốn quen với cảnh khó tuyển mấy năm trở lại đây.

 

Tuổi trẻ