Mục tiêu của nhóm nhằm giúp các trường đại học, đặc biệt là các trường quy mô nhỏ lọc được lượng thí sinh ảo để đưa ra điểm chuẩn phù hợp.
Tính đến ngày 5-5, đã có 42 trường ĐH tham gia nhóm xét tuyển này.
Đây là năm đầu tiên các trường đại học ở khu vực phía Nam liên kết thành lập nhóm trong việc tuyển sinh nhằm giảm tỉ lệ thí sinh ảo, tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh.
Cụ thể, khi tham gia vào nhóm xét tuyển chung các trường sẽ chia sẻ thông tin về dữ liệu xét tuyển. Phân tích các dữ liệu này, các trường sẽ biết được những thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng trên ở trường khác nhưng có thể trúng tuyển vào trường mình ở nguyện vọng sau, từ đó đưa ra mức điểm chuẩn phù hợp.
Đồng thời, việc tham gia nhóm xét tuyển chung còn đem lại lợi ích cho thí sinh, giúp thí sinh có thông tin đẩy đủ, chính xác để điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào trường đại học phù hợp với số điểm thi của mình.
Theo thống kê sơ bộ của Bộ GD-ĐT, sau khi kết thúc giai đoạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi và ĐKXT, số lượt NV ĐKXT của cả nước là khoảng 2,5 triệu, trung bình mỗi thí sinh ĐKXT theo 4 NV.
Chỉ tính riêng một số trường có đông thí sinh ĐKXT của khu vực TP.HCM như các trường thành viên ĐHQG TP.HCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Mở TP.HCM, Trường ĐH Tài chính – marketing, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Trường ĐH Y dược TP.HCM thì số lượt NV ĐKXT của các trường này đã chiếm khoảng 25% số lượt NV ĐKXT của cả nước.
Chính vì vậy, việc hình thành một nhóm xét tuyển chung của các trường trong khu vực, trước hết là của TP.HCM là điều hết sức cần thiết, chẳng những giúp các trường này không bị “ảo” lẫn nhau, mà còn giúp các trường trong cùng khu vực có ít thí sinh ĐKXT hơn thuận tiện trong khâu xét tuyển.
Để một nhóm xét tuyển chung hoạt động hiệu quả, có hai yếu tố quan trọng là nhóm xét tuyển chung phải quy tụ được các trường cùng khu vực địa lý và có đầy đủ các trường “tốp trên”. Thí sinh thường chọn các trường tương đối gần khu vực cư trú của mình để ĐKXT, do đó hiện tượng “luân chuyển” NV thường chỉ có ở các trường trong cùng khu vực.
Các trường “tốp trên” có số lượt NV ĐKXT lớn, trong đó sẽ có nhiều thí sinh có điểm thi cao. Hiện tượng “nước từ vùng cao chảy xuống vùng trũng” đã là quy luật trong tuyển sinh nhiều năm nay.
Do đó, nhóm xét tuyển chung cần phải có một “lực lượng đặc nhiệm” mạnh về kỹ thuật để xử lý các dữ liệu của thí sinh, do trường có đông thí sinh nhất chủ trì vì chính cơ sở dữ liệu của trường này sẽ tác động đến việc xét tuyển của trường khác trong nhóm.