Đề tham khảo môn Ngữ Văn: Không thể ghi nhớ kiến thức một cách máy móc

0
2603

So với hai lần công bố trước đó, bộ đề thi tham khảo lần này của Bộ GD&ĐT sát nhất với đề thi chính thức, vì vậy, bộ đề thi đã nhận được nhiều phản hồi từ giáo viên THPT trong cả nước.

Dưới đây là ý kiến của thầy giáo Nguyễn Văn Thư, Sở GD&ĐT Bắc Giang nhận xét về đề thi tham khảo môn Ngữ Văn, môn duy nhất sẽ thi theo hình thực tự luận trong kỳ thi năm nay.

Mạch tư duy không bị gián đoạn

Cũng như đề minh họa và đề thử nghiệm, đề tham khảo lần này vẫn bám sát cấu trúc đề thi THPT quốc gia. Với thời lượng 120 phút, đó là một đề vừa sức và đáp ứng tốt những yêu cầu về định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của người học.

Nhìn một cách tổng thể, toàn bộ những vấn đề đặt ra trong đề tham khảo được thu vào hai từ “đam mê” và “khao khát”. Như vậy, mạch tư duy của thí sinh khi viết sẽ không bị gián đoạn hoặc cắt dời mỗi khi chuyển câu. Nghĩa là khi chuyển từ câu này sang câu khác, thí sinh không phải mất nhiều thời gian “khởi động” năng lực tư duy để chuyển sang vấn đề mới.

Phần đọc hiểu có nội dung khuyên người đọc tìm kiếm niềm đam mê; phần văn nghị luận xã hội nêu ý nghĩa của việc tìm ra niềm đam mê và phần nghị luận văn học lại khéo léo lại lồng vào những từ khóa “nông nổi”, “liều lĩnh”, “khao khát” (một phần những biểu hiện của đam mê) để làm duyên cớ cho học sinh nghị luận về nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân.

Tóm lại, nhìn một cách bao quát, tất cả những vấn đề đặt ra trong đề sẽ là những nội dung đối lập với sự vô tâm, vô cảm, thiếu những đam mê lành mạnh – một chứng bệnh của thanh thiếu niên ngày nay.

Đi vào từng phần cụ thể, việc lựa chọn ngữ liệu và đặt câu hỏi, yêu cầu hiện rõ sự dụng công của người ra đề.

Ngữ liệu phần đọc hiểu là một đoạn trích văn nghị luận (gồm hai đoạn văn) đảm bảo tính tiêu biểu của cách thức trình bày đoạn văn; văn phong sáng rõ, trẻ trung, phù hợp cách tiếp nhận của giới trẻ; độ dài hợp lí, phù hợp với tỷ lệ điểm và thời gian thi, thí sinh không phải mất quá nhiều thời gian vào việc đọc.

Về nội dung, đoạn trích phần đọc hiểu bàn về vấn đề vừa mang tính thời đại, vừa có ý nghĩa của muôn đời – tìm kiếm, nuôi dưỡng niềm đam mê. Nghĩa là ngữ liệu phần Đọc hiểu vừa đảm bảo tính khoa học lại vừa đảm bảo tính giáo dục. Đó là quan niệm có ý nghĩa như một “hành trang” để học sinh chuẩn bị bước vào đời.

Các câu hỏi phần đọc hiểu đòi hỏi thí sinh phải vận dụng tổng hợp cả kiến thức Tiếng Việt và kĩ năng đọc hiểu văn bản. Các cấp độ nhận thức từ biết, hiểu, vận dụng được thể hiện một cách tường minh và đảm bảo tính hệ thống, tránh được sự vụn vặt.

Người chấm dễ dàng phân biệt được đâu là tư duy, đâu là “học vẹt”

Câu 1 phần làm văn tạo ra sự hô – ứng chặt chẽ với câu 4 phần đọc hiểu. Nếu câu 4 phần đọc hiểu yêu cầu thí sinh chỉ ra cách thức biến niềm đam mê khám phá những điều kì diệu “thành một phần trong cá tính” thì câu 1, phần làm văn lại yêu cầu thí sinh bày tỏ suy nghĩ về ý nghĩa của việc tìm ra niềm đam mê.

Một câu yêu cầu nêu con đường để tìm kiếm giá trị, một câu yêu cầu nêu ý nghĩa của giá trị – lí do để con người cần tìm kiếm. Vì vậy, vừa đảm bảo tính mở, lại vừa tường minh, tránh được kiểu câu hỏi “đánh đố” đối với thí sinh.

Câu 2 phần làm văn hỏi về vấn đề văn học quen thuộc nhưng lại tránh được lối mòn. Vấn đề nêu trong đề bài không khó nhưng lại chống được lối học vẹt của thí sinh.

Về bản chất, nội dung yêu cầu nêu trong đề bài không quá khác biệt so với một đề bài kiểu dạng “Phân tích nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân”. Tuy nhiên, nếu hỏi như vậy sẽ dẫn đến hiện tượng thí sinh nhớ được những nội dung ôn luyện về nhân vật như thế nào sẽ viết như thế.

Do vậy, câu 2 phần làm văn tuy không đánh đố nhưng lại đảm bảo tính phân hóa cao; không chỉ giúp người chấm phân loại được các mức độ giỏi, khá, trung bình, yếu theo cách phân loại, đánh giá hiện hành mà còn giúp người chấm phân biệt được bài nào viết bằng tư duy học sinh và bài nào chỉ là “diễn lại” những kiến thức được “học thuộc”.

Chẳng hạn, một học sinh trung bình sẽ không biết cách xử lí các thông tin trong đề, coi những thông tin trong đề là duyên cớ để nghị luận về nhân vật Tràng. Nhưng thực chất, hai ý kiến trái ngược về nhân vật vừa có tính định hướng, vừa như những gợi ý để bàn luận, tạo cơ hội cho người viết nêu lên ý kiến, quan điểm của riêng mình. Do đó, đây là câu hỏi mang tính khơi mở cao, đáp ứng được những yêu cầu đánh giá năng lực người học.

Vào thởi điểm kì thi đang đến gần, việc công bố đề tham khảo sẽ giúp các giáo viên dạy khối 12 có thêm rất nhiều gợi ý về hướng xây dựng, biên soạn các đề ôn luyện. Song, đó cũng là một căn cứ để khẳng định rằng, để ôn tập tốt, học sinh không thể học tủ, học vẹt lại càng không thể ghi nhớ kiến thức một cách máy móc. Điều quan trọng là cần học đều, nắm những kiến thức bản chất về các tác phẩm văn học (trong giới hạn chương trình thi) và những kĩ năng đọc hiểu, tạo lập văn bản.

Dân trí