Lọc ảo 3 lần để xác định điểm chuẩn ĐH

0
2554

Tại buổi tập huấn ở Nghệ An, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) – cho biết kỳ thi THPT quốc gia 2017 có trên 866.000 thí sinh (TS) dự thi, trong đó 75% TS dự thi có đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ. Có gần 50% TS đăng ký bài thi khoa học xã hội, đó là kết quả tác động của việc thay đổi hình thức thi. Năm nay, cả nước có 2.364 điểm thi, khoảng 37.000 phòng thi, 40.000 giám thị. Tỉ lệ cán bộ coi thi là 50-50 của trường ĐH và các sở.

Khâu vận chuyển đề an toàn tuyệt đối

Ông Trinh cho biết thêm đến nay, các địa phương đã chuẩn bị thi rất chu đáo, toàn diện cả về tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị, nhiều chính sách hỗ trợ cho TS, bảo đảm an toàn cho kỳ thi. Công tác ôn tập, chuẩn bị cho TS được các sở chỉ đạo các trường làm đúng kế hoạch.

Ngày 10-6, Bộ GD-ĐT đã hoàn thành việc chuyển đề thi cho các tỉnh – thành, hiện nay các tỉnh – thành đã tiến hành in sao đề thi. “Băn khoăn lớn nhất của Bộ GD-ĐT là về công tác in sao đề thi và giữ trật tự ở các điểm thi, phòng thi vì năm nay có tới 2.364 điểm thi. Đến thời điểm này, khâu vận chuyển đề thi, in sao đề thi được bảo đảm tuyệt mật, an toàn. Chúng tôi bảo đảm đến ngày 22-6, khi kỳ thi diễn ra, mọi việc được diễn ra suôn sẻ, an toàn tuyệt đối” – ông Mai Văn Trinh nói.

Cũng theo Cục trưởng Cục Khảo thí, năm nay do chuẩn bị tốt hạ tầng công nghệ thông tin nên phần mềm thi và đăng ký xét tuyển được vận hành thông suốt. Phần mềm chấm thi cũng đã được chạy thử, cho kết quả tốt. “Nói chung năm nay, công tác chuẩn bị cho kỳ thi rất chu đáo từ Bộ GD-ĐT đến các địa phương để bảo đảm an toàn, khách quan, nghiêm túc nhất. Kỳ thi này không chỉ để xét tốt nghiệp, tuyển sinh ĐH mà quan trọng hơn là để thay đổi cách dạy và học phổ thông” – ông Trinh nhấn mạnh.

Năm nay, Bộ GD-ĐT đã thành lập 5 đoàn để kiểm tra công tác thi. Về thanh tra thi, sẽ làm quyết liệt hơn các năm trước vì là kỳ thi do các sở chủ trì. Để hạn chế gian lận thi, nhất là việc sử dụng các công nghệ cao, bộ đã phối hợp với công an để có những hướng dẫn, tập huấn cụ thể cho cán bộ coi thi.

Xử lý mạnh tay với trường tuyển vượt

Tại buổi tập huấn ở TP HCM, ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cho biết năm nay, Bộ GD-ĐT dùng phần mềm để lọc ảo chung cho gần 350 trường ĐH, CĐ sư phạm.

TS được điều chỉnh nguyện vọng (NV) theo 1 trong 2 hình thức: điều chỉnh online hoặc ghi phiếu. Đối với TS điều chỉnh online, sẽ không thể tăng số lượng NV. Sau khi kết thúc thời gian điều chỉnh NV (từ ngày 15 đến 23-5, điều chỉnh trên phiếu kéo dài đến hết ngày 25-7), các trường sẽ lập danh sách TS có khả năng trúng tuyển, sau đó chuyển về Bộ GD-ĐT để tham gia quy trình lọc ảo 3 lần. Sau mỗi lần lọc ảo, các trường có thể điều chỉnh điểm chuẩn và sau 3 lần lọc ảo sẽ ra kết quả chính thức. Các trường công bố kết quả chính thức vào ngày 1-8.

Ông Trần Anh Tuấn cũng cho biết hiện đang có cách hiểu chưa đúng rằng số TS đăng ký NV1 nhiều hơn chỉ tiêu là thuận lợi cho việc xét tuyển của các trường bởi ngoài NV1 còn có các NV tiếp theo và khi xét tuyển thì bình đẳng như nhau. Trong trường hợp TS bằng điểm nhau thì ưu tiên xét tuyển NV1.

Đối với các trường tham gia nhóm xét tuyển, việc lọc danh sách có khả năng trúng tuyển sẽ được thực hiện liên tục trong nội khối trước khi đưa phần mềm lọc ảo chung của Bộ GD-ĐT. Việc này sẽ giúp giảm ảo đáng kể so với trường không tham gia nhóm.

“Bộ sẽ dùng công cụ kỹ thuật để giám sát trường tuyển vượt chỉ tiêu, sau 3 lần nhắc nhở nếu trường không điều chỉnh, bộ sẽ xử lý mạnh tay” – ông Tuấn nói.

Mỗi TS sẽ có 1 phiếu kết quả thi, trên đó có mã vạch. Khi TS trúng tuyển ở một trường ĐH và làm thủ tục nhập học thì không thể xét tuyển ở trường khác.

NLĐ