Mức điểm trung bình trở lên chiếm đa số

0
3543

Đến hết ngày 3.7, nhiều tỉnh đã hoàn tất công tác chấm thi, chuẩn bị gửi dữ liệu về Bộ GD-ĐT để đối sánh.

Đã có điểm 10 môn toán và bài thi khoa học tự nhiên
Tại Hà Nội, ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết đến ngày 3.7, Hà Nội đã chấm xong 2 vòng bài thi môn tự luận (ngữ văn) và đang tiến hành khớp phách ngẫu nhiên, việc chấm trắc nghiệm cũng đang hoàn thành để gửi dữ liệu lên Bộ GD-ĐT.
Một giáo viên tham gia chấm thi ngữ văn tại Hà Nội cho biết tổng số lượt bài thi mà mỗi giám khảo chấm là khoảng hơn 300 bài (2 vòng/bài) thì có bài được 9,25 điểm, mỗi túi bài thi (30 bài/túi) có vài bài được điểm 8 – 8,75. Đa số bài làm trong khoảng từ 6,5 – 7,5 điểm. “Điểm 8 – 8,75 nhiều hơn so với mọi năm, điểm liệt (1 điểm trở xuống) cũng rất hiếm hoi”, giáo viên này nói.
Tại Hưng Yên, Sở GD-ĐT cho biết ngày 3.7 đã hoàn thành công tác chấm thi và gửi dữ liệu về Bộ để thực hiện đối chiếu với dữ liệu gốc. Đối với môn ngữ văn, thống kê sơ bộ khoảng 62% thí sinh (TS) có mức điểm từ 5 trở lên, cao hơn năm ngoái 5,6%. TS đạt mức điểm giỏi (từ 8 điểm trở lên) có khoảng 200 – 300 bài, chiếm tỷ lệ 1,8%. Điểm thi môn ngữ văn cao nhất của tỉnh Hưng Yên là 9 điểm (có 6 bài), 11 bài thi bị điểm liệt, thấp hơn so với các năm trước.
Tại Quảng Ninh, đại diện Sở GD-ĐT tỉnh này cho biết ngày 3.7 đã hoàn thành chấm bài thi trắc nghiệm và dự kiến ngày 4.7 sẽ chấm xong bài thi tự luận. Điểm cao nhất của môn ngữ văn là 8,75 điểm, chỉ có vài điểm liệt nhưng phổ điểm trung bình không cao, chủ yếu là 4 – 6 điểm.
Tại Hòa Bình, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT, cho biết đến chiều 3.7 hoàn thành chấm thi cả môn tự luận và trắc nghiệm. Điểm cao nhất của môn ngữ văn ở Hòa Bình là 9 (có khoảng 4, 5 bài thi), cũng có khoảng 5 điểm liệt ở bài thi này, phổ điểm tập trung nhiều ở mức điểm trung bình từ 4 – 6. Dự kiến ngày 4.7 tỉnh này sẽ gửi dữ liệu về Bộ để đối chiếu và khoảng ngày 6.7 công bố kết quả thi đến TS.
Tại Phú Thọ, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh này cho hay đã gửi dữ liệu về Bộ vào ngày 3.7 và dự kiến công bố điểm ngay sau khi Bộ gửi trả kết quả sau khi đối sánh. Theo thống kê sơ bộ, với môn toán, có 2 TS đạt điểm 10; điểm cao nhất của môn ngữ văn là 9,25. Với các môn trong bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên có nhiều điểm 10 hơn. TS đạt điểm cao nhất có tổng điểm 3 môn đạt 29,75 điểm. Số điểm liệt năm nay của tỉnh này cũng ít hơn so với các năm trước, bài ngữ văn chỉ có 3 điểm liệt, còn trắc nghiệm có khoảng 30 bài.
Lo nghẽn mạng ở các địa phương lớn
Hầu hết các tỉnh phía bắc đều dự kiến công bố kết quả thi trên trang thông tin điện tử của sở GD-ĐT tỉnh mình.
Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết việc công bố kết quả thi vào lớp 10 vừa qua đã xảy ra sự cố nghẽn mạng trong vài giờ đầu dù lượng TS thi vào lớp 10 thấp hơn một chút so với thi THPT. Tuy nhiên, sở này cũng chưa công bố sẽ có biện pháp phân tải ra sao.
Sở GD-ĐT các tỉnh miền núi phía bắc có số lượng TS ít như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Bắc Cạn, Hòa Bình… công bố điểm thi trên trang thông tin điện tử của sở. Ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GD-ĐT Hưng Yên, cho hay đã thuê dịch vụ máy chủ, đường truyền về hạ tầng công nghệ thông tin để đảm bảo việc công bố điểm thi được thông suốt.
Còn tại Ninh Bình, Sở GD-ĐT đã thông báo 2 địa chỉ chính thức để TS có thể tra cứu điểm thi vào ngày 7.7.
Trong quá trình kiểm tra công tác chấm thi của một số địa phương, ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhắc nhở: “Những địa phương có số lượng TS dự thi lớn như Hà Nội và TP.HCM cần có phương án phân tải để tránh nghẽn mạng khi một lượng rất lớn TS và người nhà vào tra cứu điểm thi cùng một lúc”
Thanh niên