Nhiều thí sinh khi đăng ký dự thi đã không ghi nguyện vọng xét tuyển vào trường ĐH, CĐ nào, nhưng hiện nay muốn xét tuyển thì có được không? Những cơ hội nào khác cho các thí sinh này?
Cơ hội ở các đợt xét tuyển bổ sung
Theo mẫu phiếu đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển vào ĐH, CĐ đào tạo nhóm ngành giáo viên năm nay, thí sinh (TS) bắt buộc phải đánh dấu X vào mục số 9 nếu có nguyện vọng (NV) dùng kết quả thi để xét tuyển. Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn xảy ra trường hợp một số TS có điểm cao, không đăng ký nhưng mong muốn được tham gia xét tuyển.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng phòng Khảo thí – Công nghệ thông tin (Sở GD-ĐT Tây Ninh), cho rằng quy chế đã ghi rõ TS phải khẳng định ngay từ đầu về mục đích thi nên sẽ không được thay đổi ở thời điểm này. Với những TS không đăng ký tham gia xét tuyển thì sau khi công bố điểm chỉ được xét công nhận tốt nghiệp. Còn trong dữ liệu tuyển sinh gửi cho các trường ĐH và CĐ, các TS này đã bị loại ra khỏi danh sách đăng ký xét tuyển.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng chỉ những TS có đánh dấu X vào mục 9 phiếu đăng ký dự thi mới được đưa tên vào phần mềm xét tuyển đợt 1. Tuy nhiên, TS này vẫn được tham gia xét tuyển các đợt bổ sung do trường tự thực hiện sau đợt 1. Các TS này vẫn được cấp giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia bản gốc để có thể nhập học nếu trúng tuyển ở đợt bổ sung.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nói thêm những TS không đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi còn có thêm cơ hội xét tuyển ĐH bằng học bạ. Với các trường CĐ không đào tạo nhóm ngành giáo viên, điều kiện xét tuyển năm nay chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Chỉ điều chỉnh một lần
Theo quy định, TS sẽ thực hiện điều chỉnh NV xét tuyển từ ngày 15 – 23.7. Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa lưu ý trong khoảng thời gian này, TS cần đọc kỹ quy định trước khi thực hiện để không xảy ra sai sót đáng tiếc. Cụ thể, trong 9 ngày này thì có 7 ngày (từ 15 – 21.7) TS thực hiện điều chỉnh bằng phương thức trực tuyến trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ bằng tài khoản cá nhân đã được cấp. Ở giai đoạn này, TS không được đăng ký nhiều hơn số NV đã đăng ký ban đầu.
Ở 2 ngày cuối cùng (22 – 23.7), nếu muốn đăng ký thêm NV, TS phải đến các điểm thu nhận hồ sơ để nộp phiếu trực tiếp cùng với lệ phí xét tuyển. “Dù thực hiện bằng cách thức nào, mỗi TS cũng chỉ được thực hiện điều chỉnh một lần nên cần cân nhắc kỹ lưỡng”, tiến sĩ Nghĩa nhấn mạnh.
Từ phía địa phương, ông Nguyễn Hữu Tài cho biết theo đúng quy định, Sở GD-ĐT Tây Ninh sẽ phân công các điểm thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi tiếp nhận phiếu đăng ký xét tuyển của TS. Vì vậy, TS có NV điều chỉnh, nếu không thực hiện trực tuyến thì có thể đến nơi đã nộp hồ sơ để nộp phiếu điều chỉnh NV.
Căn cứ nào để điều chỉnh nguyện vọng?
Theo hướng dẫn công tác tuyển sinh của Bộ, trong thời gian TS điều chỉnh NV, các trường không được cập nhật, không công bố thông tin TS vào các trường. Do vậy, dù biết kết quả thi của mình, TS vẫn không thể nắm rõ thông tin để điều chỉnh NV phù hợp. Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, đây sẽ là điểm khó cho TS khi không thể so sánh dữ liệu đăng ký với chỉ tiêu từng ngành. Trong trường hợp này, TS chỉ có thể tham khảo điểm chuẩn các năm trước đó.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng TS cần theo dõi ngưỡng điểm xét tuyển các trường công bố sau khi Bộ công bố ngưỡng điểm sàn. Tuy nhiên, ngưỡng điểm này thường có mức chênh lệch khác nhau tùy theo từng ngành nên TS cần dựa vào điểm chuẩn các năm trước để sắp xếp thứ tự các NV.
Ông Sơn nhấn mạnh:
“Năm nay phổ điểm chủ yếu các môn nằm trong khoảng 4 – 6, điểm cao được ghi nhận không nhiều. Khả năng điểm chuẩn các ngành vẫn sẽ tương tự năm ngoái”.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa thì cho rằng TS chỉ nên điều chỉnh NV nếu điểm thi thực tế có thay đổi lớn so với dự kiến ban đầu hoặc muốn thay đổi ngành, trường theo học. Còn điểm thi đúng tương đối so với dự tính thì không nhất thiết phải điều chỉnh, vì nguyên tắc xét tuyển từ cao xuống thấp trong khi các NV khác nhau trong cùng ngành đều được xét bình đẳng như nhau.
Thanh niên