Trong năm 2015 và 2016, ĐH Quốc gia tổ chức thi đánh giá năng lực và căn cứ vào đó để xét tuyển chứ không thi bài thi THPT quốc gia.
Cho đến thời điểm hiện tại, rất nhiều thí sinh có mong muốn nộp hồ sơ vào ĐH Quốc gia Hà Nội nhưng lại băn khoăn không biết dựa quy đổi điểm chuẩn 2 năm trước thế nào để làm căn cứ xếp thứ tự các nguyện vọng.
Gửi câu hỏi đến Ban Tư vấn xét tuyển đại học 2017, nhiều thí sinh đặt câu hỏi nên quy đổi điểm của kỳ thi đánh giá năng lực thế nào với năm nay?
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay: “Mùa tuyển sinh 2015, 2016, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện thi đánh giá năng lực và căn cứ vào đó để xét tuyển.
Đây là bài thi tổng hợp các kiến thức khối Khoa học Tự nhiên và Khoa học xã hội với số điểm tuyệt đối là 140 điểm. Trong năm 2016, nhà trường công bố mức điểm nhận hồ sơ cũng bắt đầu từ 70 điểm.
Như vậy, nếu quy đổi điểm 70 điểm thi đánh giá năng lực sẽ tương đương với khoảng 5 điểm thi THPT quốc gia. Điểm chuẩn vào trường năm 2016 ở 87 đến 90 điểm thì năm nay với tổ hợp thi THPT quốc gia khoảng 20 – 22 điểm. Tuy nhiên đây cũng chỉ là một căn cứ để so sánh”.
Bao nhiêu điểm thì tự tin nộp hồ sơ vào Đại học Quốc gia Hà Nội?
Chia sẻ về dự kiến điểm chuẩn vào trường năm nay, PGS Hoàng Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn dự đoán điểm chuẩn các ngành top trên của trường như: Đông phương học, Quản trị dịch dụ du lịch lữ hành, Báo chí sẽ nằm ở khoảng 23 điểm trở lên.
Các ngành còn lại như: Khoa học Quản lý, Xã hội học, Quốc tế học, Công tác xã hội, Xã hội học, Khoa học quản lý…sẽ ở khoảng 20-22 điểm. Ngành có điểm thấp nhất cũng phải là 17.
Được biết, Đông phương học là ngành hot nhất hiện nay của trường vì đa số sinh viên khi còn ngồi trên ghế giảng được đã có thể có những công việc với thu nhập ổn. Vậy bao nhiêu điểm sẽ chắc chắn đỗ ngành này?
Trả lời câu hỏi này, PGS Hoàng Anh Tuấn cho hay: “Đông phương học là ngành rất hấp dẫn của trường . Khoảng 26 điểm các thí sinh sẽ có cơ hội vào ngành này. Ngoài ra, thí sinh có thể đăng ký các nguyện vọng vào các ngành khác như công tác xã hội, khoa học quản lý. Chỉ cần đỗ và trường, các em sẽ có cơ hộ học văn bằng 2 ở 9 ngành”.
Nói về việc quy đổi này điểm của ĐH Quốc gia Hà Nội 2 năm trước, PGS.TS Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết: “Khó để có một quy đổi tương đổi. Bởi lẽ, cách thức đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và cách đánh giá học sinh ở kỳ thi THPT quốc gia 2017 là khác nhau.
Điểm chuẩn của các trường top trên thì vẫn cao vì thế thí sinh nên so sánh một cách tương đối và tương quan giữa các trường trong Đại học Quốc gia Hà Nội với các trường bên ngoài. Đặc biệt là điểm chuẩn những năm trước khi thi đánh giá năng lực để tham khảo”.
Từ năm 2015, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh vào các đại học thành viên. Mỗi năm trường tổ chức hai kỳ thi, vào tháng 5 và tháng 8. Thí sinh chỉ làm một bài thi tổng hợp với 140 câu hỏi trắc nghiệm trong 195 phút, thực hiện trên máy tính, mỗi người một đề riêng, thi xong biết kết quả ngay.
Ngoài đại học thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2016 gần 10 trường sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Chiều 12/12/2016, Đại học Quốc gia Hà Nội ra thông báo từ năm 2017 không tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực như 2 năm trước mà sử dụng kết quả bài thi THPT quốc gia, phục vụ công tác xét tuyển đại học. |
infornet