Điều chỉnh nguyện vọng sai: Mất cơ hội vào trường yêu thích

0
3272

Trong ngày cuối cùng điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH, nhiều thí sinh mới phát hiện đã đánh mất cơ hội trúng tuyển vào trường mình yêu thích do những sai lầm trong việc điều chỉnh.

Không nắm rõ thông tin
Những ngày vừa qua, phụ huynh và thí sinh (TS) H. (TP.HCM) khóc lên khóc xuống vì một thao tác nhầm khi điều chỉnh nguyện vọng (NV) vào ngày 15.7 (ngày đầu tiên điều chỉnh NV). Sự việc như sau: Vào tháng 4, khi đăng ký xét tuyển, H. đăng ký vào một trường công an. Khi thi xong, biết được 23 điểm, không có nhiều cơ hội, H. dùng cả 3 NV đăng ký vào các ngành của Trường ĐH Luật TP.HCM.
Tuy nhiên, H. không nắm được thông tin muốn xét tuyển vào Trường ĐH Luật TP.HCM phải đăng ký tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của trường này. Vì vậy, H. không tham gia kỳ thi vào ngày 16.7. Điều đáng nói là theo quy định năm nay, TS chỉ được điều chỉnh NV một lần. Điều này đồng nghĩa với việc H. không còn bất kỳ cơ hội nào để xét tuyển vào các trường khác theo phương thức xét điểm kỳ thi THPT quốc gia trong đợt 1…
Việc không tìm hiểu kỹ thông tin dẫn đến mất cơ hội xét tuyển trước hết là lỗi của TS. Trên website, Trường ĐH Luật TP.HCM thông báo rõ là TS không tham dự kỳ thi năng lực của trường không nên đăng ký thứ tự ưu tiên 1 vào trường khi điều chỉnh NV. Nhưng không phải TS nào cũng nắm thông tin rõ ràng và hiểu kỹ việc xét tuyển của mình.
Từ trường hợp của H. cũng đặt ra vấn đề là những trường có phương án thi riêng, tổ chức một kỳ thi đánh giá năng lực như Trường ĐH Luật TP.HCM nên chăng cần để TS đăng ký độc lập. Chẳng hạn Trường ĐH Quốc tế TP.HCM tổ chức 2 kỳ thi năng lực độc lập vào tháng 5 và tháng 11. TS chỉ cần tốt nghiệp THPT và đủ điểm chuẩn là trúng tuyển vào trường. Trong khi đó, để tham gia kỳ thi của Trường ĐH Luật TP.HCM, TS phải lên hệ thống, điều chỉnh NV thành “thứ tự ưu tiên 1” để tham dự kỳ thi.
Theo một lãnh đạo của Trường ĐH Luật TP.HCM, việc TS phải điều chỉnh NV ngay trong hệ thống phần mềm chung khi đăng ký vào trường là yêu cầu của Bộ GD-ĐT. Bộ muốn trường tham gia vào nhóm lọc ảo nên thông tin TS vào trường phải trong hệ thống để các trường khác sử dụng. Mặc dù trên thực tế, trường không cần lọc ảo vì sẽ không có TS ảo bởi TS nào thi vào trường là chắc chắn không được xét tuyển ở trường khác nữa. Năm sau, có thể trường sẽ độc lập hơn với kỳ thi này.
Lỡ tay bấm nhầm
Trong khi đó, một TS đăng ký vào Trường ĐH Mở TP.HCM đáng lẽ chọn tổ hợp toán, văn, ngoại ngữ (D1) lại lỡ tay bấm nhầm tổ hợp khác. Nếu chọn khối D1, khi nhân hệ số, TS này sẽ đạt 28 – 29 điểm tuy nhiên do sai sót, TS chỉ còn 25 điểm. Từ chắc chắn trúng tuyển, chỉ vì một sai sót nhỏ, TS này đã mất 3 – 4 điểm, cơ hội trúng tuyển không còn chắc chắn. TS cầu cứu khắp nơi từ trường THPT đến trường ĐH để chỉnh sửa lại nhưng nơi nào cũng chịu thua vì quy chế chỉ cho TS điều chỉnh một lần.
T. ở miền Trung, có điểm thi trên 20, số điểm này có khả năng trúng tuyển hệ đại trà ngành học đã đăng ký nhưng T. lại thao tác nhầm ô NV1 vào hệ liên kết hợp tác quốc tế của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM. Chương trình này có mức điểm thấp hơn nhưng học phí cao. Khi điều chỉnh xong thì T. phát hiện nhầm lẫn nên báo về trường vì gia đình rất khó khăn do ảnh hưởng bão lụt vừa qua, không đủ điều kiện để vào học chương trình học phí cao. Trường rất tiếc và muốn thông cảm cho TS này, nhưng theo quy chế của Bộ thì không còn cơ hội làm lại.
Bà Nguyễn Hải Trường An, Giám đốc Trung tâm truyền thông và tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM, cũng cho biết có TS gọi đến trường khóc nhờ xử lý trường hợp điều chỉnh trực tuyến. Đó là khi đang điều chỉnh NV, mới điền xong thứ tự ưu tiên 1 thì mạng chập chờn. TS nhấn F5 để điều chỉnh lại. Lúc này phần mềm hiển thị điều chỉnh đã hoàn tất. Như vậy từ 3 NV đã đăng ký trong tháng 4, nay TS chỉ còn lại 1 NV. Thay vì điều chỉnh để tăng cơ hội trúng tuyển, thì cơ hội của TS bị thu hẹp lại.
Với các trường hợp này, PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, cho biết Bộ đã lưu ý TS phải tìm hiểu thật kỹ trước khi điều chỉnh vì chỉ có cơ hội điều chỉnh một lần. Phần mềm cũng có cảnh báo liên tục khi TS thao tác từng bước. Việc điều chỉnh sai như vậy TS phải chấp nhận. Nếu một TS được chỉnh sửa lại sẽ dẫn đến rất nhiều TS cũng muốn thực hiện điều này.
TNO