Đến thời điểm này, những thí sinh trượt tất cả các nguyện vọng ở đợt xét tuyển đầu tiên đang lo lắng làm thế nào để chắc chắn trúng tuyển trong đợt 2 sắp tới, khi chỉ tiêu không còn nhiều và không phải trường nào cũng tiếp tục xét tuyển.
Cần tận dụng tối đa các nguyện vọng
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận định: Sau khi kết thúc đợt 1, chỉ có khoảng 50 trường ĐH công bố đã tuyển đủ chỉ tiêu. Như vậy, số lượng các trường tiếp tục tuyển nguyện vọng (NV) bổ sung còn nhiều. Sau ngày 7.8, căn cứ số lượng TS nhập học, các trường sẽ có công bố chính thức về chỉ tiêu cụ thể của từng ngành sẽ tuyển tiếp là bao nhiêu. Ngay cả những trường đã tuyển đủ đợt 1, có thể cũng sẽ thông báo xét tiếp sau ngày 7.8. Tuy nhiên, đợt này chỉ còn 30% tổng chỉ tiêu ĐH và những ngành hấp dẫn hầu như đã tuyển đủ. Do đó, để trúng tuyển đợt này, TS cần cân nhắc, chọn lựa ngành nào phù hợp nhất với nguyện vọng và điểm thi, lưu ý các “yếu tố kỹ thuật” trong xét tuyển.
Theo tiến sĩ Nghĩa, “yếu tố kỹ thuật” ở đây chính là TS cần tìm hiểu kỹ thông tin trường nào, ngành nào còn xét tuyển, chỉ tiêu bao nhiêu, cách thức, thời hạn nộp hồ sơ… “Nhiều TS chủ quan, không tận dụng đăng ký nhiều NV. Chẳng hạn ở đợt đầu tiên, có đến hơn 10% TS chỉ đăng ký một NV. Đây là sự phiêu lưu rất lớn. Không biết do các em tự tin vào kết quả của mình hay do các em chưa tìm hiểu kỹ quy chế xét tuyển? Chính vì vậy, nhiều em đã bị tước đi cơ hội trúng ở một ngành yêu thích thứ hai. Ở đợt này, để tăng cơ hội trúng tuyển, TS nên tận dụng quy chế “không giới hạn số lượng NV” mà Bộ cho phép trong năm nay”, ông Nghĩa lưu ý.
Về điều này, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), lưu ý để tránh tình trạng điểm cao nhưng vẫn rớt, TS không nên giới hạn NV ở trường mà mình yêu thích. “Các em nên lựa chọn ngành mình yêu thích ở nhiều trường đào tạo, sau đó đăng ký thành nhiều NV theo thứ tự ưu tiên trường yêu thích nhất có mức điểm cao, xuống đến trường có mức điểm thấp hơn để tăng cơ hội trúng tuyển”, tiến sĩ Hải nhấn mạnh.
Tiến sĩ Hải đưa ra một “yếu tố kỹ thuật” nữa. Đó là TS phải xem điểm trúng tuyển đợt 1 của ngành mình định xét là bao nhiêu. Nếu điểm của TS thấp hơn mức điểm đó thì tuyệt đối không được nộp hồ sơ, vì theo quy định, điểm xét tuyển đợt bổ sung không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1.
Đã trúng tuyển đợt 1, có nên xét bổ sung?
Không ít TS gửi câu hỏi tới chương trình thắc mắc: “Em đã trúng tuyển đợt 1 nhưng đó chưa phải là ngành em thích nhất, không phải là ngành em muốn học. Vậy em có được xét NV bổ sung trong đợt này?”.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, khuyên: “TS đã trúng tuyển nhưng không muốn nhập học thì không nộp giấy chứng nhận kết quả thi. Đến trước 17 giờ ngày 7.8, các em không nộp sẽ được coi là từ chối nhập học, tên sẽ bị xóa khỏi danh sách trúng tuyển đợt 1 và xuất hiện trong danh sách những TS xét tuyển bổ sung”
Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng cần cẩn trọng khi từ chối quyền nhập học, vì ngành và trường mà TS yêu thích rất có thể không còn chỉ tiêu để xét tuyển trong đợt 2. Vì phải sau ngày 7.8 các trường mới công bố có xét tiếp NV bổ sung hay không. Nếu không còn thì TS cũng không thể quay về nhập học ở ngành đã trúng tuyển trước đó. Theo thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, lúc này có khi TS buộc phải lựa chọn một ngành ở một trường thậm chí không thích bằng ngành đã trúng tuyển trước đó, mà cơ hội đậu chưa phải là chắc chắn.
Về việc sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi trong đợt bổ sung, tiến sĩ Võ Thanh Hải lưu ý: “Năm nay chỉ có một phiếu điểm, vì thế TS cần cân nhắc thật kỹ trước khi nộp phiếu điểm, bởi nếu đã nộp phiếu thì sẽ không rút lại được”.
Các ngành, trường còn nhiều chỉ tiêu bổ sung
Mặc dù sau ngày 7.8, các trường mới chính thức công bố có tiếp tục xét tuyển bổ sung hay không, nhưng tới thời điểm này nhiều trường ĐH, CĐ chưa tuyển đủ chỉ tiêu đã có thông báo sẽ nhận hồ sơ xét tuyển đợt 2. Tiến sĩ Hồ Viễn Phương, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết trường còn gần 40% chỉ tiêu cho đợt bổ sung ở tất cả các ngành, với mức điểm xét tuyển là 15,5. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng tuyển bổ sung 3 ngành mới là an toàn thông tin, kinh doanh quốc tế và thú y cũng với mức điểm 15,5.
Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) xét tuyển NV bổ sung cho tất cả các ngành với tối đa 50% chỉ tiêu (khoảng 2.000), ngay cả với ngành y đa khoa và dược. Các trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, Nguyễn Tất Thành, Văn Hiến cũng còn nhiều chỉ tiêu bổ sung mỗi trường, cho rất nhiều khối ngành kinh tế, sức khỏe, kỹ thuật, công nghệ…
Với những TS có mức điểm ngang sàn hoặc thấp hơn sàn hoàn toàn có thể lựa chọn học bậc CĐ với thời gian từ 2 – 2,5 năm ở nhiều ngành nghề mà xã hội đang cần nhân lực, sau đó có thể liên thông lên ĐH. Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, cho biết trường đang tiếp tục xét tuyển 17 ngành như sư phạm mầm non, thiết kế thời trang, dược, điều dưỡng… Trường CĐ Đại Việt cũng tiếp tục xét tuyển 28 ngành như giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, công nghệ thông tin, xét nghiệm y học…
|
TNO