Lạ lùng tuyển sinh kế toán bằng môn… văn-sử-địa

0
2388

Ngành kế toán, kiểm toán tuyển bằng tổ hợp văn-sử-địa, ngành sinh học tuyển bằng tổ hợp không có môn sinh… có quá nhiều điều ‘lạ’ ở kỳ tuyển sinh năm nay.

Kỳ tuyển sinh năm 2018, nhiều trường ĐH tuyển sinh các tổ hợp quá xa lạ so với ngành học.

Tổ hợp văn – sử – địa lâu nay chỉ được tuyển sinh cho các ngành khối xã hội. Tuy nhiên, năm nay tổ hợp này được mở rộng xét tuyển cho cả ngành ngoại ngữ, kỹ thuật, công nghệ, kể cả kế toán, kiểm toán!

Nhiều tổ hợp khác cũng được mở rộng khối ngành tuyển sinh. Cơ hội lựa chọn ngành nhiều hơn, nhưng thí sinh cần hết sức cân nhắc để tránh lãng phí cơ hội, thời gian và tiền bạc vì không theo nổi chương trình đào tạo.

Tại Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, ngoại trừ nhóm ngành sức khỏe, ngôn ngữ Anh và một vài ngành công nghệ, các ngành còn lại đều tuyển tổ hợp văn – sử – địa và văn – sử – giáo dục công dân. Có thể kể đến các ngành khối kỹ thuật công nghệ như kỹ thuật ôtô, điện – điện tử, chế tạo máy, kỹ thuật xây dựng, công nghệ thông tin.

Không những vậy, các ngành khối kinh tế đặc thù như kế toán, tài chính ngân hàng cũng tuyển luôn các tổ hợp này. Nếu nhìn vào chương trình đào tạo các ngành kỹ thuật công nghệ và kinh tế, có thể thấy khối kiến thức cơ bản liên quan rất nhiều đến các môn tự nhiên như toán cao cấp, xác suất thống kê, toán kinh tế.

Tương tự, ở khối ngành kỹ thuật công nghệ, khối kiến thức các ngành tự nhiên càng nặng hơn với giải tích, vật lý.

Không mở tối đa như Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, nhưng không ít trường ĐH khác cũng tuyển tổ hợp văn – sử – địa cho nhiều ngành kinh tế, ngôn ngữ.

Tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, tổ hợp này được tuyển sinh cho các ngành kinh tế như kinh doanh quốc tế, marketing và các ngành quản trị, truyền thông đa phương tiện, kể cả ngành tiếng Anh.

Trường ĐH Nam Cần Thơ, ĐH Hùng Vương TP.HCM cũng tuyển tổ hợp trên cho các ngành kế toán, tài chính ngân hàng và nhóm ngành quản trị. Tổ hợp văn – sử – địa được Trường ĐH Phan Châu Trinh tuyển cho ngành ngôn ngữ Anh, còn Trường ĐH Nông lâm (ĐH Huế) tuyển cho các ngành khuyến nông và phát triển nông thôn.

Một ngành đặc thù khác là kiến trúc và thiết kế, không ít trường tuyển sinh các tổ hợp không có năng khiếu. Như các trường ĐH Thủ Dầu Một, Nam Cần Thơ, Công nghệ TP.HCM… bên cạnh các tổ hợp có môn năng khiếu còn tuyển sinh các tổ hợp toán – lý – hóa, toán – văn – Anh.

Nhiều trường ĐH khác lại tuyển các ngành công nghệ sinh học, sinh học bằng các tổ hợp không có môn sinh; công nghệ hóa học, công nghệ thực phẩm không có môn hóa.

Nguy cơ bỏ học cao

Theo ý kiến nhiều chuyên gia, mở rộng tổ hợp xét tuyển là quyền của các trường nhằm tăng nguồn tuyển cho trường, thêm cơ hội chọn ngành cho người học. Tuy nhiên, việc xác định tổ hợp xét tuyển lạm dụng như vậy sẽ có tác động tiêu cực đối với người học.

PGS.TS Nguyễn Văn Thư – hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM – cho rằng nhiều trường ĐH tuyển đầu vào khá dễ, nhưng thí sinh cần hết sức cân nhắc. Khi thế mạnh của mình không phù hợp với chương trình đào tạo, việc học sẽ hết sức khó khăn, bởi khối kiến thức cơ bản, ngành rất nặng.

Sinh viên có thể không theo kịp chương trình, bị đình chỉ học tập. Nếu có tốt nghiệp được cũng khó làm tốt công việc của mình. Hằng năm có rất nhiều sinh viên bị đình chỉ học tập do kết quả không đạt.

Cùng quan điểm này, theo một cán bộ Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, ngành kiến trúc không sơ tuyển năng khiếu, người học sẽ gặp nhiều trở ngại bởi đòi hỏi đầu tiên của ngành này là sự sáng tạo.

Không có năng khiếu về mỹ thuật thì sẽ rất khó khăn, bởi học ngành này, sinh viên phải vẽ rất nhiều. Đó không phải là bản vẽ kỹ thuật đơn thuần với các đường dọc, ngang mà là sự kết hợp giữa kỹ thuật và mỹ thuật.

Theo TS Trần Đình Lý – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, vào ĐH thôi chưa đủ, mà đó còn là quá trình học tập và làm việc sau này.

Việc chọn tổ hợp thế mạnh của thí sinh không phù hợp với chương trình đào tạo sẽ khiến thí sinh lãng phí ở hiện tại và sau này, bởi có thể không theo hết chương trình, nếu có tốt nghiệp cũng khó làm việc tốt bởi đó không phải sở trường của mình. Hãy chọn tổ hợp gần ngành đào tạo và phù hợp với năng lực, sở trường của mình.

Ông Phạm Thái Sơn – phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và dịch vụ đào tạo ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM – cho rằng các tổ hợp xét tuyển đầu vào là một ngưỡng để xác định khả năng tiếp nhận chương trình đào tạo của trường chứ chưa hẳn đánh giá chính xác năng lực người học.

Tuy vậy, nếu tổ hợp xét tuyển quá chênh lệch với chương trình đào tạo, môn xét tuyển trái hoàn toàn hoặc không có môn trọng tâm của chương trình đào tạo thì việc giảng dạy sẽ khó khăn, bởi người học không cùng khối kiến thức cơ bản đào tạo. Người học sẽ gặp trở ngại rất lớn trong việc tiếp nhận kiến thức, nguy cơ bỏ học rất cao.

Việc dạy học ở bậc phổ thông khá lệch khi học sinh xác định tổ hợp xét tuyển ĐH môn nào thì sẽ tập trung cho các môn đó, bỏ lơ các môn còn lại. Do đó kiến thức nền tảng giữa các môn không đồng đều, thậm chí rất lệch nhau.

Những tổ hợp “lạ”

Theo quy định, mỗi ngành các trường chỉ sử dụng tối đa 4 tổ hợp để xét tuyển. Tuy nhiên, nhiều trường tuyển nhiều hơn ngưỡng tối đa này.

Theo đề án tuyển sinh năm 2018 của Trường ĐH Công nghệ Đông Á, các ngành kế toán, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh tuyển sinh 5 tổ hợp, trong đó có tổ hợp văn – sử – địa.

Tại Trường ĐH Nam Cần Thơ, tuy mỗi phương thức xét tuyển (học bạ và kết quả thi THPT quốc gia) chỉ có 4 tổ hợp nhưng không ít ngành với mỗi phương thức có đến 4 tổ hợp khác nhau.

Đặc biệt nhiều tổ hợp “lạ” được đưa vào xét tuyển, như ngành kiến trúc, kỹ thuật công trình xây dựng, công nghệ hóa học, công nghệ thực phẩm, kỹ thuật hình ảnh y học, kế toán… ở phương thức xét tuyển học bạ, các môn công nghệ, tin học cũng được đưa vào các tổ hợp xét tuyển.

Theo TTO