Nỗi lo của người học ngành công nghệ thông tin (CNTT) không phải là tìm được việc mà là làm sao để có thể phát triển và thành công trong công việc.
Theo bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search, những năm gần đây nhu cầu tuyển dụng CNTT thuộc một trong 5 ngành dẫn đầu ở thị trường VN, riêng trong 3 năm gần đây nhu cầu tăng gấp đôi. Dự báo đến cuối năm 2018, chúng ta cần 400.000 ứng viên ngành CNTT cho thị trường. Trong đó, an toàn thông tin mạng, xử lý dữ liệu gần đây đang tăng đột biến. Đây sẽ là những ngành các trường cần lưu ý chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực cung cấp cho thị trường. Đáng chú ý, nhu cầu tuyển dụng không chỉ ở VN mà chúng tôi còn nhận được đơn đặt hàng đến từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc…
Tiến sĩ Lê Xuân Trường, Trưởng khoa CNTT Trường ĐH Mở TP.HCM, bổ sung trong 3 năm trở lại đây sinh viên học khá tại trường đều có việc làm đúng ngành nghề ở năm thứ 4 với mức lương rất hấp dẫn (thống kê năm 2017 cho thấy tỷ lệ này đạt tới 60%). “Thậm chí có những thời điểm trường rất khó khăn khi giới thiệu việc làm cho doanh nghiệp vì sinh viên có nhiều lựa chọn”, tiến sĩ Trường nói.
Thạc sĩ Đỗ Tấn Khoa, Phó phòng Nghiên cứu ứng dụng Trung tâm đào tạo khu công nghệ cao TP.HCM, cũng cho rằng, trước đây một công ty có 10 kỹ sư thì cần hàng trăm công nhân, hiện nay xu hướng dường như ngược lại nên chỉ riêng về số lượng đã cần rất nhiều nhân lực CNTT.
Cần năng lực làm việc toàn cầu
Nói về nhân lực CNTT tại VN, bà Nguyễn Phương Mai chia sẻ: “Phản hồi của hầu hết doanh nghiệp là kỹ sư CNTT của VN rất siêng năng, thông minh và ham học hỏi. Độ tuổi của kỹ sư này rất trẻ, sáng tạo nên có đóng góp nhiều cho doanh nghiệp”.
Tuy nhiên theo bà Mai, các phàn nàn lại tập trung vào kỹ năng mềm, trong đó tiếng Anh là rào cản lớn nhất. Có những phản hồi chưa tích cực lắm về cách giao tiếp tiếng Việt, khả năng hội nhập với môi trường làm việc chuyên nghiệp. “Khi tuyển dụng, đa phần doanh nghiệp đều không quá quan tâm đến việc tốt nghiệp trường nào mà đánh giá dựa vào cách xử lý trong thực tế, năng lực tư duy và khả năng tự học trong thực tế. Trong đó khả năng linh hoạt, tự trang bị kiến thức mới luôn được doanh nghiệp đặt lên hàng đầu”, bà Mai nói.
Tiến sĩ Hà Thúc Viên, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, phân tích: “Nhân lực ở lĩnh vực này cần có năng lực làm việc không chỉ phạm vi quốc gia mà còn trên phạm vi toàn cầu”.
Cũng theo tiến sĩ Viên, để làm tốt công việc trong ngành này cần giỏi toán, một số kiến thức thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên. Nhưng để kết nối được thị trường lao động toàn cầu với mức độ cạnh tranh khốc liệt thì cần thêm kỹ năng tiếng Anh. Bên cạnh đó, nền tảng quan trọng là khả năng tương tác xã hội đa văn hóa. “CNTT là ngành “nóng” nhưng nếu không thực sự yêu thích và không có năng lực thì không nên theo học”, tiến sĩ Viên khuyên.
Đồng quan điểm, thạc sĩ Lê Dũng, Trưởng phòng Đào tạo khảo thí Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, cho rằng để đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực này thì yếu tố đầu tiên phải có là khả năng ngoại ngữ.
Tư duy sáng tạo, đam mê và năng lực
Tiến sĩ Trường chia sẻ: “Đây cũng là ngành đòi hỏi tư duy sáng tạo để cho ra đời những sản phẩm mới, nếu không đáp ứng được yêu cầu này thì buộc phải thụt lùi”.
Lưu ý thí sinh chuẩn bị xét tuyển vào ngành này, bà Mai khuyên: “Quan trọng nhất là đừng nên theo trào lưu. Nhu cầu tuyển dụng ngành này đang rất cao nhưng sẽ là điều nguy hại nếu không có niềm đam mê và năng lực. Do vậy, trước khi lựa chọn thí sinh cần xác định rõ mình có hay không khả năng về toán học, năng lực sáng tạo, sự kiên trì và sẵn sàng bỏ công sức gấp 2 – 3 lần người khác để thành công không”.
Theo Thanh nien