Năm nay đề thi THPT quốc gia có thêm lượng kiến thức lớp 11. Do vậy, để ôn tập các môn bắt buộc trong kỳ thi này cũng cần những bí kíp để đạt kết quả cao.
Học cách suy luận với môn toán
Theo giáo viên Trần Văn Toàn, Tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), chương trình lớp 12 đa phần phải sử dụng liên thông đến kiến thức lớp 11 bao gồm: lượng giác, cấp số cộng, cấp số nhân, giới hạn, đạo hàm và hình học không gian (gọi là phần A). Vì thế, phần kiến thức lớp 11 chỉ còn lại đại số tổ hợp, xác suất và dãy số (gọi là phần B).
Trong quá trình đang học lớp 12, cần thiết phải ôn kỹ phần A bởi điều này giúp học sinh (HS) hiểu sâu hơn kiến thức, đồng thời ôn lại được kiến thức lớp 11. Đồng thời cần bao quát toàn bộ kiến thức trong chương trình lớp 12 bao gồm: các bài toán liên quan đến khảo sát hàm số, hàm số lũy thừa, hàm số mũ, hàm số logarit, phương trình – bất phương trình mũ và logarit, nguyên hàm, tích phân, số phức, khối đa diện, khối tròn xoay và phương pháp tọa độ trong không gian.
Ngoài ra, cần học kỹ phần ý nghĩa hình học, vật lý cũng như ứng dụng của một số khái niệm toán học trong sách giáo khoa. Đây là những bài toán không “đánh đố” nhưng đòi hỏi kiến thức tổng quát và linh hoạt. Tìm hiểu thêm một số công thức và tính chất thường dùng. Có khá nhiều công thức, tính chất đẹp và hay mà sách giáo khoa không đề cập, nhưng rất hữu ích để làm toán trắc nghiệm.
Từ đề thi tham khảo, ông Toàn chỉ ra rằng mức độ dễ thể hiện trong 20 câu đầu, trong đó có nhiều câu chỉ đòi hỏi kiểm tra công thức, kể cả các công thức liên quan đến lớp 11. Trong 10 câu tiếp theo cần kết hợp nhiều kỹ năng giải toán và 20 câu sau ở mức độ khó dần để phục vụ tuyển sinh. Do vậy, HS ôn lại các dạng toán thường gặp trong phần B kiến thức lớp 11, nhất là phần đại số tổ hợp và xác suất vì phần này có đến 4 câu trong đề. Cần học cách suy luận nhanh để có kết quả, biết đánh giá câu dẫn để loại bỏ ngay các phương án sai. Đối với các câu cần tính toán, có thể lấy kết quả của phương án thay vào câu hỏi.
4 mẹo ôn tập môn ngữ văn
Để việc ôn thi môn văn trở nên nhẹ nhàng, vui vẻ với lộ trình hợp lý, theo giáo viên Đỗ Đức Anh (Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM), hãy học văn có chiến thuật với 4 bí kíp.
Giải mã bí mật trong 4 câu hỏi đọc – hiểu: Các thí sinh cần biết có 4 kiểu câu hỏi: tái hiện kiến thức, suy nghĩ – tìm kiếm, sáng tạo, bộc lộ. Do đó, trong năm 2018 này các em cần chú ý vào 4 dạng câu hỏi sau: Xác định phương thức biểu đạt; Anh/chị hiểu thế nào về “…….”?; Vì sao tác giả lại cho rằng “……”?; Rút ra một thông điệp hoặc một bài học ý nghĩa nhất với bản thân anh/chị.
Chiến thuật “chém gió” câu nghị luận xã hội 200 chữ với 4 bước sau: Bước 1: Xác định vấn đề cần nghị luận chính xác. Bước 2: Xây dựng khung đoạn văn với 5 luận điểm chính rõ ràng mạch lạc – giải thích; phân tích; chứng minh; bàn luận; bài học nhận thức và hành động cụ thể, chân thành. Bước 3: Thuyết phục người đọc bằng cách tìm dẫn chứng hợp lý, thú vị, sâu sắc. Bước 4: Bắt tay viết một đoạn với lời văn hàm súc khoảng 20 – 25 dòng trong vòng 20 phút với cấu trúc diễn dịch hoặc quy nạp có thể hiện quan điểm bản thân một cách rõ ràng.
Để nghị luận văn học không bị “lạc trôi”. Hàng chục tác phẩm với khối lượng kiến thức khổng lồ cần ghi nhớ là một thách thức không nhỏ. Vì vậy HS cần sơ đồ hóa và tổng hợp các kiến thức cơ bản nhất để tối giản việc phải học thuộc lòng và tối đa hóa khả năng học hiểu và sáng tạo của mình. Điều này sẽ giúp cho hàng chục tác phẩm trong chương trình trở nên gọn gàng, hệ thống, dễ ghi nhớ và nhớ rất lâu.
Để ghi nhớ thần tốc, HS cũng nên tận dụng lợi thế của mạng xã hội. Chẳng hạn trên dòng trạng thái có thể ghi những câu thơ, hoặc những đoạn dẫn chứng khó nhớ. Thu âm lời bình hay vào điện thoại, thay vì vừa đi bộ vừa nghe nhạc thì hãy nghe giọng nói của chính mình. Nghe thật kỹ lời giảng của thầy cô và đọc nhập tâm thay vì cố học thuộc lòng. Vận dụng các câu nói của nhân vật, các câu thơ vào tình huống giao tiếp thực tế trong cuộc sống.
Theo Thanh nien