PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội vừa được Quốc hội thông qua bầu giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Người đứng đầu ngành giáo dục hiện đang nhận được nhiều nỗi niềm, băn khoăn, kỳ vọng cũng như đề xuất từ các thầy cô giáo, chuyên gia, phụ huynh học sinh…
Ngày 8/4, Quốc hội thông qua nghị quyết bầu PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội – giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).
Giáo dục là ngành có số lượng cán bộ, công chức, viên chức đông đảo, với khoảng 1,5 triệu người và luôn có hơn 20 triệu học sinh, sinh viên tham gia học tập. Giáo dục cũng là câu chuyện của mọi người vì liên quan đến mọi nhà, nên sự kỳ vọng vào tân Bộ trưởng, vào đội ngũ nhà giáo là rất lớn.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT luôn được xem là “ghế nóng”, là thách thức với bất kỳ lãnh đạo nào được Đảng, Nhà nước phân công đảm nhận.
Không chỉ một nhà giáo, mà hàng nghìn nhà giáo đều có chung nhiều nỗi niềm, băn khoăn, có nhiều kỳ vọng cũng như đề xuất gửi tới tân Bộ trưởng.
Là một giáo viên lâu năm trong nghề, một nhà giáo ở Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng cho rằng, ông cũng không phải là ngoại lệ và xin mạo muội gởi đến tân Bộ trưởng 3 đề xuất như sau: cải cách sách giáo khoa; cách học ngoại ngữ; và cho học sinh học 3 tháng trong môi trường quân ngũ.
Cụ thể, theo thầy giáo này, thứ nhất, đề xuất bậc tiểu học và THCS chỉ một bộ sách giáo khoa giảng dạy trên toàn quốc và do Bộ giáo dục chủ trì biên soạn. Đối với bậc THPT theo định hướng nghề nghiệp thì có thể có nhiều bộ sách.
Thứ hai, lần cải cách này, ông đề xuất cắt giảm số tiết học một số môn học khác để tăng số tiết học tiếng Anh ngay từ lớp 6. Số tiết tăng lên chủ yếu rèn kỹ năng nghe và nói, để khi hoàn thành chương trình phổ thông học sinh phải nói và viết thành thạo tiếng Anh.
Thứ ba, tham mưu với Thủ tướng và Bộ Quốc phòng cho tất cả học sinh sau khi hoàn thành xong chương trình phổ thông phải vào quân đội 3 tháng để huấn luyện.
Có yếu kém, không chỉ Bộ trưởng giải quyết được?
|
Trao đổi về các đề xuất mà thầy giáo trên gửi tới Tân Bộ trưởng Giáo dục, PGS.TS. Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc, Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng, có thể nói trong thời gian qua, ngành Giáo dục đào tạo cũng đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Những thành tích này người dân cho là chuyện đương nhiên.
Tuy vậy, theo PGS Lập, nhiều người dân lại rất dễ nhìn ra những hạn chế, bất cập thậm chí là bức xúc trong lĩnh vực này.
Ông Lập chỉ ra những hạn chế yếu kém đó lại chưa được giải quyết một cách triệt để, từ năm này qua năm khác như: 1) Vấn đề đào tạo, tuyển dụng, chế độ đối với đội ngũ giáo viên (nhân tố quyết định thành công của Ngành); 2) Giảm tải chương trình và vấn đề dạy thêm, học thêm; 3) Vấn đề sách giáo khoa; 4) Vấn nạn gian lận trong thi cử; 5) Vấn đề đạo đức học sinh và bạo lực học đường; 6) Lạm thu và quản lý nhà trường; 7) Cơ sở vật chất và điều kiện dạy học rất khó khăn ở các vùng cao, biên giới, hải đảo..v.v
Theo ông Lập, những hạn chế yếu kém trên, có nhiều việc không thể chỉ Bộ Trưởng bộ GD&ĐT giải quyết được mà có khi là Chính phủ, Quốc hội. Tuy vậy, Bộ Giáo dục phải là cơ quan tham mưu sắc bén cho Chính phủ, Quốc hội: Ví dụ, Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể (từ lớp 1-12); rồi một chương trình với nhiều bộ sách giáo khoa.. đã được Quốc hội thảo luận sôi nổi, và mới được thông qua để bắt tay vào thực hiện. Nhưng khi Bộ triển khai thực hiện thì có nhiều hạt sạn mà báo chí đã nêu.
Như vậy, theo ông Lập, các bộ sách giáo khoa trước khi in ấn để dùng cho cả nước, ngoài việc nghiệm thu cần phải được giảng thử ở phạm vi rộng hơn và thời gian nhiều hơn, chắc chắn sẽ có ít các hạt sạn không đáng có.
“Nếu bây giờ thay đổi ngay theo ý kiến của độc giả: Đối với bậc tiểu học và THCS chỉ có một bộ sách giáo khoa trên toàn quốc; Thay đổi thời gian dạy tiếng anh theo chiều hường tăng thời lượng, và giảm thời lượng đối với các môn học khác.. Như vậy, cần phải thay đổi lại toàn bộ các quyết định mà quốc hội, Chính phủ vừa thông qua. Qua đó ta thấy không thể một sớm một chiều thay đổi ngay được, có chăng là điều chỉnh cách tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả”- Ông Lập nêu quan điểm.
Học sinh rèn luyện trong Quân đội 3 tháng: Sẽ làm đảo lộn nhiều thứ?
PGS.TS. Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc, Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng, Việc đối thoại với giáo viên, thông qua nhiều kênh thông tin ứng dụng công nghệ, tôi cho rằng Bộ trưởng nên làm. Không có gì sinh động bằng thực tế, công việc và sự lắng nghe các ý kiến từ các trường trong hệ thống giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông.
Ông Lập cho rằng, ngay trong các nhà trường, cần phải phát huy và thực hiện quy chế dân chủ một cách thực chất. Mối quan hệ giữa lãnh đạo nhà trường, các cán bộ quản lý với giáo viên cần được cải thiện, hướng đến môi trường giáo dục chất lượng, hiệu quả và đồng cảm, giảm các thủ tục hành chính, các chứng chỉ quy định không cần thiết…
Còn trước đề xuất là nên cho học sinh sau khi tốt nghiệp THPT vào rèn luyện trong Quân đội 3 tháng?
Ông Lập cho rằng, đây cũng là việc khó, vì sẽ đảo lộn về kế hoạch thời gian tuyển sinh đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.
Mặt khác, Bộ quy định trong mỗi chương trình đào tạo ở các cấp sau đó đều có các môn học về giáo dục quốc phòng, phần lớn các em đều về các Trung tâm giáo dục Quốc phòng do Quân đội đảm nhiệm giảng dạy và rèn luyện. Có một mong muốn như vậy, thì Bộ Trưởng cũng không quyết được việc này, vì nó cũng ngoài khung chương trình đào tạo tổng thể.
Thay vì những đề xuất trên, Ông Lập cho rằng, trước mắt cần giải quyết những việc thuộc nội bộ ngành (cần làm ngay), những việc lâu dài cần phải đề xuất với các Bộ ngành, Chính phủ… theo một lộ trình khoa học.
“Giáo dục cần ổn định, chứ cứ cải cách liên tục sẽ làm khó người dân, trong khi tiềm lực kinh tế của Nhà nước còn hạn hẹp”- Ông Lập nêu quan điểm