Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư quy định “Chuẩn cơ sở giáo dục đại học”, trong đó có nhiều tiêu chí mới.
Chuẩn này được sử dụng làm cơ sở xem xét, thẩm định và giám sát các điều kiện cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo đối với các trường.
Nhiều tiêu chí từ sự hài lòng của sinh viên
Chuẩn cơ sở giáo dục đại học gồm sáu tiêu chuẩn và 26 tiêu chí. Tiêu chuẩn tổ chức và quản trị quy định cơ sở đào tạo có tổ chức bộ máy ổn định, hệ thống quản trị hiệu quả, minh bạch.
Trong đó có tiêu chí các vị trí lãnh đạo chủ chốt (chủ tịch hội đồng trường/hội đồng đại học và hiệu trưởng/giám đốc) được kiện toàn kịp thời, tổng thời gian trống các vị trí không quá 12 tháng.
Bên cạnh đó còn có nhiều tiêu chuẩn với các tiêu chí đánh giá liên quan đến sự hài lòng của sinh viên như: tỉ lệ sinh viên hài lòng về điều kiện dạy và học của cơ sở đào tạo; về chất lượng và hiệu quả giảng dạy của giảng viên; tổng thể quá trình học tập và trải nghiệm tại trường, đạt trên 70%…
Đáng chú ý, trong tiêu chuẩn điều kiện dạy và học có tiêu chí số máy tính cá nhân phục vụ học tập tính trên 1.000 sinh viên không nhỏ hơn 50, tốc độ đường truyền Internet trên 1.000 sinh viên đạt tối thiểu 100Mbps.
Số đầu sách giáo trình, tài liệu học tập bắt buộc tính bình quân trên một ngành đào tạo ở các trình độ đào tạo không nhỏ hơn 50…
Về tiêu chuẩn tuyển sinh và đào tạo, dự thảo quy định các trường phải chứng tỏ uy tín, chất lượng và hiệu quả đào tạo qua sự lựa chọn, sự tiến bộ và thành công của người học.
Trong đó có nhiều tiêu chí như: số nhập học mới đạt trên 50% so với chỉ tiêu theo kế hoạch tuyển sinh; tỉ lệ sinh viên thôi học hằng năm chưa tốt nghiệp không quá 10% đối với toàn trường; tỉ lệ tốt nghiệp trong khung thời gian không vượt quá 1,5 thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn không thấp hơn 70%, trong đó tốt nghiệp đúng hạn không thấp hơn 50%; tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm, tự tạo việc làm phù hợp với trình độ đào tạo hoặc học tiếp trình độ cao hơn trong 12 tháng (18 tháng đối với ngành y khoa) không thấp hơn 70%…
Khó đạt chuẩn
Trao đổi với Tuổi Trẻ về dự thảo này, lãnh đạo nhiều trường đại học nhận định nhiều tiêu chuẩn với tiêu chí không phù hợp, nếu áp dụng khó có trường đạt.
Cụ thể, tiêu chuẩn giảng viên có trình độ tiến sĩ, tính trên số giảng viên toàn thời gian: đạt trên 20% và từ năm 2025 đạt trên 25% đối với trường không đào tạo tiến sĩ; trên 10% với các trường chuyên ngành đặc thù.
Đạt trên 40% và từ năm 2025 đạt trên 50% đối với trường có đào tạo tiến sĩ; trên 20% với các trường chuyên sâu nghệ thuật hoặc thể dục, thể thao có đào tạo tiến sĩ.
Một lãnh đạo Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận định: “Các tiêu chí này e là nhiều trường sẽ khó đạt được.
Mỗi năm tăng 5% tiến sĩ không hề đơn giản. Chỉ có cách tuyển “hạ chuẩn” là nhanh nhất nhưng như vậy chất lượng đi về đâu? Thực tế tiến sĩ “xịn” không dễ tìm. Chủ trương chỉ tiêu này là đúng nhưng ấn định tăng nhanh quá sẽ tạo méo mó, nên cần có lộ trình phù hợp”.
TS Võ Văn Tuấn – phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang – cũng đề nghị giảm tỉ lệ ở tiêu chí giảng viên là tiến sĩ “đạt trên 25% và từ năm 2025 đạt trên 30% đối với trường có đào tạo tiến sĩ”.
Đồng thời, ông Tuấn cũng kiến nghị: “Về tiêu chuẩn điều kiện dạy, cần xem xét lại tiêu chí diện tích đất trên một sinh viên chính quy không nhỏ hơn 25m2, hoặc bỏ tiêu chí này vì không khả thi.
Cũng không nên quy định về số máy tính cá nhân vì hiện tại sinh viên chủ yếu có các thiết bị thông minh (laptop, iPad, smart phone) để phục vụ học tập”.
Tương tự, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng cho rằng nhiều tiêu chuẩn trong dự thảo không còn phù hợp.
Theo ông Dũng, trong thời đại số, một giảng viên có thể dạy online 10.000 sinh viên cùng lúc nhiều trường. Nếu còn quy định tỉ lệ sinh viên/giảng viên là lạc hậu, vì sinh viên giờ tự học và học nhóm là chính. Sinh viên cần không gian nhỏ để học nhóm, làm dự án, không nhất thiết đến giảng đường.
Tiêu chí sách, giáo trình tính trên đầu sinh viên cũng không hợp lý vì người học tìm kiếm thông tin trên mạng. Sẽ gây lãng phí lớn vì tiêu chí này bắt các trường phải mua sách chất trong thư viện.
“Các tiêu chí tuyển sinh nhập học, tùy ngành học, tùy trường tỉ lệ nhập học, thôi học khác nhau nên không thể quy định cứng nhắc được. Các tỉ lệ này cũng phụ thuộc vào thị trường lao động. Trường nào chất lượng thì càng phải siết đầu ra và tỉ lệ thôi học sẽ cao, tỉ lệ tốt nghiệp sẽ thấp. Quy định này sẽ làm giảm chất lượng đào tạo vì để đảm bảo thôi học dưới 10% thì phải dễ trong thi cử” – ông Dũng nói.
Xem xét lại tiêu chuẩn về tổ chức và quản trị
Ông Đỗ Văn Dũng đề nghị xem xét lại tiêu chuẩn về tổ chức và quản trị, có tiêu chí quy định các vị trí lãnh đạo chủ chốt của trường được kiện toàn kịp thời, tổng thời gian trống các vị trí không quá 12 tháng.
“Việc khuyết chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng phụ thuộc vào các cơ quan quản lý cấp trên chứ không phải hoàn toàn do cơ sở giáo dục. Do vậy quy định trên là chưa hợp lý”, ông Dũng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, TS Mai Hải Châu – phó giám đốc Phân hiệu Trường ĐH Lâm nghiệp tại tỉnh Đồng Nai – cho rằng việc đánh giá trường đại học cần rạch ròi giữa góc độ quản lý nhà nước với đào tạo.
Ở góc độ quản lý nhà nước, trường không được khuyết hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường theo luật. Nhưng việc đánh giá chất lượng một trường đại học quan trọng là phải đáp ứng các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu ra, không liên quan đến việc chưa kiện toàn vị trí lãnh đạo trường.
Theo Báo Tuổi Trẻ