Chi tiết quy trình chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023

0
719
du-kien-tang-hoc-phi-nhieu-nganh-o-cac-truong-dai-hoc-2

Trưởng ban Chấm thi tự luận/trắc nghiệm chịu trách nhiệm tổ chức thu thiết bị thu, phát thông tin của những người đang thực hiện nhiệm vụ tại Ban Chấm thi…

Theo công văn số 1515/BGDĐT-QLCL về việc hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy:

Chi tiết quy trình chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023 ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các Sở Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị các điều kiện đảm bảo trong công tác chấm thi tại khu vực chấm thi được thực hiện theo quy định tại Điều 24 của Quy chế thi với một số lưu ý như sau:

Số lượng, vị trí camera an ninh giám sát ghi hình tại các phòng bảo quản bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm, phòng chấm bài thi tự luận phải bảo đảm bao quát được toàn bộ hoạt động trong phòng.

Hệ thống camera không được kết nối internet và chỉ được kết nối bằng hình thức hữu tuyến (có dây) tới màn hình hiển thị (nếu có); phải có bộ lưu điện dự phòng, bảo đảm hoạt động liên tục kể cả khi mất điện lưới; dung lượng lưu trữ dữ liệu của camera tối thiểu là 21 ngày.

Hằng ngày, Trưởng Ban Chấm thi phối hợp với lực lượng công an kiểm tra tình trạng hoạt động của camera.

Trong trường hợp hệ thống camera có màn hình hiển thị thì màn hình phải được đặt ngay tại vị trí dễ quan sát trong phòng bảo quản bài thi và phòng chấm bài thi hoặc phòng của Trưởng ban Chấm thi tự luận/trắc nghiệm.

Ngay sau khi kết thúc công tác chấm thi, thiết bị lưu trữ dữ liệu (ổ cứng/thẻ nhớ) của camera được niêm phong dưới sự chứng kiến của Trưởng ban Chấm thi tự luận/trắc nghiệm, công an và được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm bảo quản, lưu giữ.

Mỗi khu vực chấm thi được trang bị 01 (một) điện thoại cố định đặt tại phòng trực của Ban Chấm thi, do công an quản lý để liên lạc với Hội đồng thi/Ban Chỉ đạo thi các cấp; mọi liên lạc qua điện thoại đều phải bật loa ngoài và nghe công khai, phải ghi nhật ký có chữ ký của người trực tiếp liên lạc và có công an, thư ký Hội đồng thi chứng kiến, xác nhận.

Đối với chấm bài thi tự luận: Bộ Giáo dục và Đào bố trí đủ cán bộ chấm thi để bảo đảm yêu cầu chất lượng và tiến độ chấm thi. Bố trí mỗi Tổ Chấm thi làm việc tại một phòng/khu vực riêng biệt; bố trí Thư ký Hội đồng thi thực hiện nhiệm vụ tại Ban Chấm thi tự luận làm việc tại phòng/khu vực riêng biệt, độc lập với các phòng/khu vực chấm thi.

Phải thực hiện nghiêm túc việc quán triệt Quy chế thi, thảo luận hướng dẫn chấm và tổ chức chấm chung theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 27 Quy chế thi;

Trưởng môn Chấm thi tổ chức bốc thăm giao túi bài thi cho cán bộ chấm thi theo một trong hai cách sau:

Cách 1: Cán bộ chấm thi trực tiếp bốc thăm để nhận túi bài thi từ Trưởng môn chấm thi;

Cách 2: Trưởng môn Chấm thi tổ chức cho các Tổ trưởng Tổ Chấm thi bốc thăm một số túi bài thi cho toàn Tổ Chấm thi; sau đó, Tổ trưởng Tổ Chấm thi tổ chức bốc thăm để giao túi bài thi cho các cán bộ chấm thi thuộc Tổ Chấm thi do mình quản lý.

Khi nhận túi bài thi, cán bộ chấm thi cần kiểm tra niêm phong, số lượng và tình trạng bài thi/tờ giấy thi trong túi bài thi, nếu có vấn đề phát sinh cần báo cáo ngay Trưởng môn Chấm thi (hoặc Tổ trưởng Tổ Chấm thi) để có biện pháp phối hợp với Thư ký Hội đồng thi xử lý kịp thời.

Mỗi bài thi tự luận được 02 cán bộ chấm thi chấm độc lập, với một số điểm cần lưu ý như sau:

Không thực hiện việc chấm xong vòng 1 toàn bộ các bài thi rồi mới tổ chức chấm vòng 2;

Cán bộ chấm thi lần thứ nhất chấm bài thi và chỉ ghi điểm chấm trên Phiếu chấm cá nhân (gửi kèm hướng dẫn chấm thi của môn thi tự luận);

Cán bộ chấm thi lần thứ hai chấm trên bài thi, ghi điểm từng ý tương ứng và tổng từng câu bên lề của tờ giấy thi; đồng thời, ghi điểm tổng từng câu vào Phiếu chấm dành cho cán bộ chấm thi lần thứ hai;

Chỉ ghi điểm từng câu (Câu 1…, Câu 2…, Câu…) và tổng điểm toàn bài vào 29 vị trí quy định (“Tổng…”) trên tờ giấy thi thứ nhất của bài thi sau khi bài thi đã được thống nhất điểm theo quy định tại khoản 4 Điều 27 của Quy chế thi;

Điểm các bài thi được hai cán bộ chấm thi thống nhất theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 27 phải được ghi vào Phiếu thống nhất điểm (mẫu 02 – Phụ lục X).

Khi chấm xong túi bài thi được giao, cán bộ chấm thi kiểm đếm lại các bài thi/tờ giấy thi trong túi; kiểm tra thông tin trên túi bài thi (môn thi/bài thi, túi số/mã túi, số bài thi, số tờ giấy thi) rồi bàn giao cho Trưởng môn Chấm thi hoặc Tổ trưởng Tổ chấm thi được ủy quyền.

Đối với bài thi trắc nghiệm: Trước khi tiến hành tổ chức chấm thi, Trưởng ban Chấm thi trắc nghiệm thực hiện các công việc sau:

Phân công nhiệm vụ cho các thành viên, tổ chức thực hiện chấm thi trắc nghiệm theo quy định (phân công cán bộ ghi nhật ký, lập biên bản các công việc thực hiện trong quá trình chấm bài thi trắc nghiệm,…).

Kiểm tra toàn bộ hệ thống chấm thi trắc nghiệm và quét thử để bảo đảm tính tương thích giữa các thiết bị và phần mềm.

Tiếp nhận các túi bài thi từ Ban Thư ký Hội đồng thi trong tình trạng nguyên niêm phong của từng Điểm thi; Thực hiện quy trình bảo quản bài thi tại phòng chấm thi trắc nghiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Quy chế thi.

Tiếp nhận mã khóa Phần mềm từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, danh sách thí sinh và danh sách các Điểm thi trong các tệp tin Excel từ Hội đồng thi, lưu tất cả vào đĩa CD/DVD (gọi chung là đĩa CD) để mang vào khu vực chấm thi trắc nghiệm.

Tổ chức cho các thành viên Ban Chấm thi trắc nghiệm nghiên cứu tài liệu hướng dẫn cài đặt và chuẩn bị chi tiết được tích hợp trong phần mềm chấm thi trắc nghiệm tại mục trợ giúp/hướng dẫn sử dụng.

Mỗi bước trong quy trình chấm bài thi trắc nghiệm dưới đây được thực hiện theo từng lô chấm. Quá trình chấm được thực hiện hoàn toàn trên phần mềm với chu trình khép kín. Phần mềm tự động ghi lại toàn bộ các thao tác của người dùng để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.

Theo Báo Giáo dục