Chọn nguyện vọng xét tuyển thế nào để không ‘trắng tay’?

0
809
nhung-viec-thi-sinh-can-lam-ngay-sau-khi-biet-diem-thi-tot-nghiep-thpt-2022

Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp tại Hải Phòng diễn ra sáng 26-2 với khoảng 7.000 học sinh tham dự. Các em đã được chuyên gia tư vấn kỹ lưỡng cách chọn ngành nghề, nguyện vọng xét tuyển…

Chọn ngành xét tuyển thế nào để không trắng tay’? - Ảnh 1.

Thí sinh Hải Phòng dự Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp tại Hải Phòng ngày 26-2 – Ảnh: NGUYÊN BẢO

Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2023 tại Hải Phòng thu hút gần 7.000 học sinh cuối cấp THPT tham dự. Trong khuôn khổ chương trình có gần 70 gian tư vấn riêng của các trường đại học, cao đẳng đáp ứng nhu cầu giải đáp về lựa chọn ngành học, phương thức xét tuyển, kinh nghiệm đăng ký nguyện vọng xét tuyển của học sinh đất cảng.

Ngành tiếng Anh không phải ‘hot’ nhất

Chia sẻ về các ngành đào tạo ngoại ngữ, PGS.TS Nguyễn Thị Cúc Phương, phó hiệu trưởng Trường đại học Hà Nội, chia sẻ: Hiện tại học các ngành tiếng Nhật, Hàn có cơ hội việc làm cao do nhu cầu nhân lực từ các doanh nghiệp Hàn, Nhật rộng mở.

Tiếp đến là những ngành như tiếng Trung, tiếng Anh. Vì thế đối với Trường đại học Hà Nội thì độ “nóng” nhiều nhất trong tuyển sinh các ngành ngoại ngữ cũng là tiếng Nhật, Hàn.

“Học ngoại ngữ chỉ là trang bị một công cụ, không phải một ngành phải không? Vậy ra trường em có thể làm gì?”. Trả lời câu hỏi này của một học sinh, cô Cúc Phương cho biết: Chương trình ngoại ngữ của nhiều trường bây giờ đều đào tạo đồng thời trình độ ngoại ngữ và các nội dung có định hướng nghề. Ví dụ như du lịch, quản trị kinh doanh…

Dĩ nhiên sinh viên học các ngành ngoại ngữ không chuyên sâu bằng học các ngành khác nhưng thế mạnh của các em là có trình độ ngoại ngữ tốt. Đây là yếu tố giúp các em có cơ hội việc làm tốt. Có trình độ ngoại ngữ vững, các bạn trẻ cũng có nhiều cơ hội “nhảy việc” ở các lĩnh vực khác nhau, thậm chí có nhiều công việc “phụ” yêu thích như làm MC chẳng hạn.

Chọn ngành xét tuyển thế nào để không trắng tay’? - Ảnh 3.

Gần 70 gian tư vấn trong khuôn khổ Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp tại Hải Phòng thu hút hàng ngàn học sinh tham quan và nghe tư vấn – Ảnh: NGUYÊN BẢO

Truyền thông vẫn “siêu hấp dẫn”

PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết ngành truyền thông hiện vẫn là một ngành trong nhóm ngành hấp dẫn nhất của khối nhân văn và được nhiều trường đào tạo.

Trong nhóm ngành truyền thông có ngành báo chí. Các bạn trẻ yêu thích báo chí cũng có nhiều lựa chọn như báo viết, phát thanh, truyền hình. Đặc biệt các em có thể học truyền thông đa phương tiện, phù hợp với môi trường chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay.

Trao đổi thêm, cô Cúc Phương cho biết ngành truyền thông đa phương tiện hiện nay đang có nhiều ưu thế. Sinh viên được cung cấp kiến thức, kỹ năng nền tảng về truyền thông, đồng thời được trang bị kỹ năng ứng dụng công nghệ để làm được ở nhiều vị trí công việc khác nhau liên quan tới lĩnh vực truyền thông phù hợp với xu thế hiện đại.

Học trường quân đội, 100% được Bộ Quốc phòng bố trí việc làm

Đại tá, PGS.TS Vũ Hồng Hà, trưởng phòng đào tạo Học viện Hậu cần, đại diện cho nhóm trường quân đội tại Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp tại Hải Phòng, khẳng định sinh viên học ở tất cả các trường quân đội đều được Bộ Quốc phòng bố trí việc làm, nên các em không lo học xong ra trường bị thất nghiệp.

Thầy Hà có những lưu ý đặc biệt đối với các thí sinh muốn dự tuyển vào khối trường quân đội. Thứ nhất là phải tham gia sơ tuyển, đạt đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Quốc phòng mới được xét tuyển.

Điểm thứ hai là thí sinh chỉ được đăng ký 1 nguyện vọng (nguyện vọng 1) vào các trường quân đội. Nguyện vọng này phải đăng ký ngay từ khi sơ tuyển. Thí sinh đã nộp hồ sơ sơ tuyển, được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo nhóm trường quy định trong kế hoạch tuyển sinh của khối trường quân đội.
Thứ ba, các trường quân đội năm nay chỉ xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Nhóm mơ ước, nhóm vừa sức, nhóm tránh rủi ro

PGS.TS Vũ Thị Hiền, trưởng phòng đào tạo Trường đại học Ngoại thương, tư vấn cho học sinh Hải Phòng “bí kíp” chọn nguyện vọng xét tuyển. Theo đó, cô Hiền gợi ý các em không nên chọn bừa theo số đông, cũng không nên chọn quá nhiều ngành thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ bị rối.

Thay vào đó, các em nên chọn ba nhóm ngành. Nhóm thứ nhất là nhóm ngành ước mơ, kỳ vọng. Đây là những ngành các em yêu thích nhất. Nhóm hai là nhóm vừa sức gồm các ngành các em mong muốn học và có nhiều cơ hội đỗ, vừa sức so với năng lực, sở trường của các em. Nhóm ba là nhóm tránh rủi ro.

Cô Hiền cho rằng không thể thiếu nhóm này vì nó sẽ giúp các thí sinh không bị “tay trắng”. Trường hợp trượt các ngành thuộc nhóm yêu thích, vừa sức, các em vẫn có cơ hội vào học một trường nào đó.

Theo Báo Tuổi Trẻ