Làm thế nào để không tuột mất cơ hội trúng tuyển nguyện vọng xét tuyển vào đại học, cách thức giúp thí sinh tăng cơ hội đỗ nhưng không nhất thiết chọn tới 100 nguyện vọng…
Trên đây là một số lưu ý từ chuyên gia gửi đến thí sinh tại “Ngày hội tư vấn hướng nghiệp” tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức ngày 9/7.
Mơ hồ cách thức xét tuyển
Tại buổi tọa đàm trong khuôn khổ “Ngày hội tư vấn hướng nghiệp”, nhiều học sinh và phụ huynh còn rất mơ hồ về cách thức làm sao để không tuột mất cơ hội trúng tuyển.
Nếu đã trúng tuyển bằng xét tuyển sớm ở Đại học Kinh tế Quốc dân hoặc một trường đại học nào đó nhưng chưa toại nguyện, liệu các em có cách gì đổi nguyện vọng?
Em Nguyễn Ngọc Đức (Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho biết, mình đã trúng tuyển ngành Phân tích kinh doanh của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐH KTQD) qua phương thức xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội vừa qua.
Thế nhưng em lại mong muốn vào học Ngành Tài chính Ngân hàng của trường ĐHKTQD thì làm thế nào?
Theo các chuyên gia đến từ Phòng Quản lý Đào tạo, Trường ĐHKTQD, em Đức có thể học Tài chính Ngân hàng bằng cách dự thi vào chương trình tiên tiến chất lượng cao của nhà trường, hoặc có thể song song cả hai ngành sau khi học năm nhất.
Có điều vào chương trình tiên tiến hoặc chất lượng cao, chỉ có 12-15 mã ngành, không đầy đủ 60 mã ngành.
Còn một cách thức nữa, em chờ kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023, sau đó đăng ký trên cổng tuyển sinh của Bộ GD&ĐT nguyện vọng 1 (NV1) là Tài Chính ngân hàng, nguyện vọng 2 là Phân tích kinh doanh.
Nếu em không đỗ Tài chính Ngân hàng, hệ thống sẽ tự động “chốt” ngành trúng tuyển của em là Phân tích kinh doanh và không được xét tuyển thêm nguyện vọng 3 nữa.
Cũng với câu hỏi gần như thí sinh Đức, một số phụ huynh và học sinh đặt câu hỏi: “Vì sao trước đây có thí sinh mặc dù đăng ký NV1 vào ngành mong muốn như em Đức ở cổng tuyển sinh trực tuyến của Bộ nhưng khi không đỗ NV1, các em quay về thì không được nhập học các ngành đã trúng tuyển trước đó?
TS Lê Anh Đức, Phó Trưởng phòng Quản lý Đào tạo (ĐHKTQD) cho biết, mặc dù các em đỗ xét tuyển sớm tại một trường đại học nào đó nhưng khi đăng ký trên cổng tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, các em vẫn phải để nguyện vọng đã đỗ xuống số 2.
Thí dụ em Đức đã đỗ ngành Phân tích kinh doanh từ ĐHKTQD nhưng sau khi chờ có điểm thi, em đăng ký trên cổng xét tuyển của Bộ để đổi sang ngành Tài chính ngân hàng, ở NV1 em để Tài chính ngân hàng và đặt ngành Phân tích kinh doanh ở NV2.
“Nếu các em không đặt ngành này ở NV2, khi trượt NV1, các em quay về trường ĐHKTQD mặc nhiên bị trượt, không ai giữ điểm đỗ ấy cho các em cả”, TS Đức nói.
Một học sinh đến từ Trường THPT Hà Nội – Amsterdam cho biết, mình vẫn đang rất mơ hồ, thiếu kinh nghiệm trước khi lựa chọn ngành nghề bởi không biết sau này sẽ làm gì?
Một số chuyên gia cho rằng, đây là câu hỏi chung của rất nhiều thí sinh hiện nay. Cách dễ dàng nhất, các em tìm hiểu qua thông tin trên mạng hoặc chọn thẳng vào các ngành ở trường đại học, chắc chắn ở đó sẽ cho ra thông tin cơ bản các em đạt được sau khi tốt nghiệp.
“Mách nước” cách đỗ nguyện vọng tuyệt đối
Chia sẻ với phóng viên Dân trí về bí quyết để đỗ nguyện vọng xét tuyển vào các trường, ông Triệu “mách nước” thí sinh nên dựa trên số điểm đã đạt được để chọn theo “ba cấp”.
Cấp thứ nhất, các ngành có dự kiến điểm chuẩn cao hơn số điểm mình đạt được (phòng khi điểm chuẩn các ngành đó giảm).
Cấp thứ hai, nhóm các ngành có mức điểm chuẩn ngang bằng với số điểm mình đạt được.
Cấp cuối cùng là những ngành có mức điểm chuẩn thấp hơn khả năng của mình.
“Không đến mức 100 nhưng mỗi nhóm, thí sinh nên đăng ký 2-3 nguyện vọng. Sau đó, thí sinh nên sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên.
Với cách đăng ký như vậy, khả năng trúng tuyển vào trường của thí sinh gần như tuyệt đối”, ông Triệu nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí về việc, nhiều người dự đoán điểm chuẩn xét tuyển đại học năm 2023 dự kiến tăng do đề thi phù hợp với thí sinh, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐHKTQD cho biết, việc đề thi phân hóa cao rất tốt.
“Tuy nhiên, một số ngành “hot”, năm ngoái có điểm chuẩn cao có thể sẽ không tăng nữa.
Chẳng hạn một số ngành đã ở mức 28-28,5 điểm, tức mỗi môn thi phải đạt 9 điểm thì còn tăng vào đâu”?, PGS Triệu cho hay.
Theo chuyên gia này, chẳng hạn ở Trường ĐHKTQD, một số ngành như: Marketing, Kinh doanh Quốc tế, Logistic quản lý chuỗi cung ứng là những ngành “hot”, năm ngoái đã ở mức trên 28 điểm, do vậy năm nay khó có thể tăng cao hơn.
“Việc giảm hay tăng điểm chuẩn cũng nằm trong biên độ nhỏ, tầm 0,25- 0,5 điểm tùy ngành. Do đó, thí sinh có thể dùng điểm chuẩn năm ngoái để tham chiếu.
Theo GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học KTQD, cơ hội học tập của các em hiện rất nhiều.
Do vậy em hãy tìm hiểu kỹ một số các ngành nghề đào tạo ở đây sao cho đáp ứng nhu cầu.
“Các em không nên chọn quá nhiều nhưng cũng không nhất thiết chọn 1-2 nguyện vọng, để đỗ được ngành mình mong muốn, các em có thể chọn nhiều hơn con số 1-2 nguyện vọng”, GS Chương nói.