Có bắt buộc đặt trúng tuyển học bạ là nguyện vọng 1 vào đại học?

0
826
dai-hoc-mo-rong-phuong-thuc-xet-tuyen-ket-hop-thi-sinh-can-luu-y-gi

Nhiều thí sinh lo lắng khi trường đại học yêu cầu đặt nguyện vọng trúng tuyển sớm bằng học bạ là nguyện vọng 1 hay nguyện vọng cao nhất.

Có bắt buộc đặt trúng tuyển học bạ là nguyện vọng 1 vào đại học? - 1
Thí sinh tham gia xét tuyển vào đại học năm 2023 (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Các trường đại học đã bắt đầu công bố kết quả xét tuyển sớm năm 2023 tới thí sinh. Ngoài điều kiện tốt nghiệp THPT, không ít trường còn yêu cầu thí sinh phải đáp ứng điều kiện đăng ký nguyện vọng đã trúng tuyển sớm là nguyện vọng 1 hay nguyện vọng cao nhất.

Điều này khiến không ít thí sinh hoang mang bởi kết quả xét học bạ không phải là ưu tiên cao nhất.

Trao đổi với PV Dân trí tại một diễn đàn giáo dục, TS Phạm Như Nghệ – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) khẳng định các trường không được yêu cầu thí sinh phải đặt nguyện vọng cao nhất.

Theo ông Nghệ, cơ sở giáo dục có thể thực hiện xét tuyển sớm và có trách nhiệm công bố cho thí sinh biết đã đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) chậm nhất vào ngày 8/7.

Từ ngày 10/7 đến ngày 30/7, thí sinh phải đăng ký xét tuyển vào hệ thống chung của Bộ GD&ĐT. Khi đó, thí sinh muốn xếp nguyện vọng nào là nguyện vọng số 1 hoàn toàn thẩm quyền của các em.

“Trường đại học nào yêu cầu thí sinh phải xếp nguyện vọng xét phải sớm là nguyện vọng 1 hay nguyện vọng cao nhất là sai hướng dẫn của Bộ GD&ĐT”, ông Phạm Như Nghệ khẳng định.

Có bắt buộc đặt trúng tuyển học bạ là nguyện vọng 1 vào đại học? - 2
TS Phạm Như Nghệ – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Theo Phó Vụ trưởng, phần mềm xử lý chung của Bộ sẽ giúp cho thí sinh trúng tuyển vào 1 nguyện vọng cao nhất trong số những nguyện vọng mà các em đã đăng ký và đủ điều kiện trúng tuyển, bao gồm cả nguyện vọng xét tuyển sớm (nếu có).

Về những đổi mới trong kỹ thuật tuyển sinh năm nay, ông Nghệ chia sẻ năm 2022, có trường đưa ra nhiều phương thức xét tuyển trong một ngành nên xuất hiện tình huống thí sinh bị nhầm lẫn khi đăng ký trên hệ thống. Để cải thiện việc này, hệ thống đã được nâng cấp theo hướng đơn giản hơn, tạo thuận lợi cho thí sinh.

“Tất cả những cải tiến của Bộ đều hướng tới đảm bảo quyền lợi tối đa cho thí sinh; đồng thời vẫn phải chính xác, khách quan, công bằng giữa các cơ sở giáo dục đại học và công bằng giữa các thí sinh”, TS Nghệ bày tỏ.

Ông Nghệ cũng nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường có phương án đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức xét tuyển vào một ngành của một trường, tránh tình trạng lấy điểm chuẩn học bạ thấp dẫn đến điểm chuẩn thi tốt nghiệp THPT sẽ cao lên. Như vậy, sẽ không công bằng cho các thí sinh trong phương thức xét tuyển khác nhau.

Lưu ý tới thí sinh về điểm mới bỏ hộ khẩu giấy và điều chỉnh ưu tiên, TS Phạm Như Nghệ cho biết Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các sở GD&ĐT hướng dẫn nhà trường cùng thí sinh rà soát chính sách ưu tiên (bao gồm cả ưu tiên theo đối tượng và ưu tiên theo khu vực) chính xác nhất. Ông nhắc nhở rằng, khu vực ưu tiên có thể thay đổi theo từng năm nên cần cập nhật chính sách mới nhất.

Ông Nghệ cũng nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc các cơ quan chức năng không được yêu cầu người dân xuất trình hộ khẩu giấy, xác nhận nơi cư trú. Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Công an về rà soát, cập nhật dữ liệu cá nhân lên hệ thống để hỗ trợ thí sinh trong xét tuyển.

Theo Báo Dân Trí