Đề tự luận về hình ảnh người thầy căn dặn học sinh trong buổi học cuối cùng trước ngày tốt nghiệp khiến dân mạng ở Trung Quốc xúc động.
Sáng 7/6, hơn 10 triệu thí sinh Trung Quốc bắt đầu “cuộc chiến sinh tử” để giành suất vào đại học. Gaokao – kỳ thi khắc nghiệt bậc nhất thế giới – gồm phần thi trắc nghiệm và tự luận, theo Global Times.
Mỗi tỉnh, khu vực có câu hỏi riêng. Do đó, cuộc bàn luận sôi nổi diễn ra hàng năm trên cả nước ngay khi đề thi tự luận được công bố lúc 11h. Năm nay, chủ đề trong đề thi trải dài từ tình yêu đất nước đến triết học.
Ở Bắc Kinh, thí sinh chọn một trong hai chủ đề. Chủ đề thứ nhất là “sự bền vững của nền văn minh”. Thí sinh cần phân tích sự bền vững trong nền văn minh Trung Quốc đã giúp nhân dân vượt qua thời kỳ gian khó và xây dựng lại đất nước như thế nào.
Chủ đề thứ hai là “Sắc màu 2019”, đòi hỏi học sinh nêu hiểu biết cùng kỳ vọng cho năm 2019 – kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và 100 năm phong trào Ngũ Tứ.
Đề thi ở Thượng Hải cũng xoay quanh lòng yêu nước nhưng nhẹ nhàng hơn. Thí sinh bàn luận về lòng trân quý âm nhạc dân tộc sau khi tiếp xúc nhiều dòng nhạc khác nhau trên thế giới.
Đề còn lại gây ấn tượng với nhiều người khi yêu cầu thí sinh nhập vai học sinh trẻ tuổi năm 1919 để viết luận về phong trào Ngũ Tứ.
Thí sinh cũng có thể chọn đề viết thư gửi gia đình sau khi tham gia quốc khánh đầu tiên năm 1949 hay thư gửi bạn học vào tháng 9/1979 nhân dịp khai giảng.
Tỉnh Giang Tô lại thử thách thí sinh với chủ đề triết học: “Chất khác nhau (muối và nước) có vị khác nhau cùng tồn tại, cũng như những khó khăn trong đời luôn song hành cùng điều tốt đẹp”.
Trong khi đó, đề khác khiến nhiều người không kìm nổi nước mắt, với bức tranh người thầy đứng trước học trò của mình. Trước mặt các em là bài vở chồng chất trên bàn.
Dòng mô tả cho biết trong buổi học cuối trước kỳ tốt nghiệp, thầy giáo nói với học sinh: “Các em nhìn sách thêm một lần và thầy cũng nhìn các em thêm một lần nữa”.
Đề bài gây xúc động mạnh trong cộng đồng mạng. Nhìn nó, họ nhớ lại thời niên thiếu và người thầy của mình.