Những chuyến đi ngắn đến các doanh nghiệp hiện khá phổ biến với các sinh viên đại học, giúp các bạn tìm hiểu được nhiều điều từ môi trường làm việc thực tế.
Giữa tháng 4-2023, hơn 100 sinh viên thuộc các ngành quản trị kinh doanh và tài chính ngân hàng của Trường ĐH Tài chính – Marketing có dịp đến tham quan Công ty FPT Telecom, nằm trong Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7, TP.HCM).
Chào đón các sinh viên là một “đại đội” gồm rất nhiều phòng ban của công ty, từ bộ phận nhân sự, bộ phận văn hóa doanh nghiệp đến cả đại diện những phòng chuyên môn. Một “đại đội” khác chịu trách nhiệm dẫn sinh viên dạo một vòng khắp tòa nhà doanh nghiệp, xuất phát từ những khu trưng bày công nghệ mới đến khu làm việc, phim trường, phòng truyền thống…
Cuối cùng, sinh viên vào hội trường để tham gia một buổi đối thoại với một số đại diện doanh nghiệp.
Sinh viên đi mọi “ngóc ngách” doanh nghiệp
Ngồi ở ghế diễn giả hôm đó, chị Nguyễn Thị Kim Hồng – trưởng phòng tuyển dụng và phát triển nguồn nhân lực, ban nhân sự Tập đoàn FPT – giới thiệu qua về những vị trí công việc tại doanh nghiệp, về các kỳ vọng mà doanh nghiệp cần ở những ứng viên mới tốt nghiệp – từ kiến thức, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm đến cả thái độ và sức khỏe.
Chị chia sẻ thêm về những nguyên tắc cho sinh viên khi đi phỏng vấn, khi đi thực tập và cách nào để sớm hòa nhập vào môi trường doanh nghiệp khi mới bước ra từ trường đại học.
Những năm gần đây, các chuyến tham quan doanh nghiệp trong một ngày hoặc một buổi như thế được các trường đại học đẩy mạnh. ThS Nguyễn Thái Châu, giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính – Marketing, cho biết trường sẽ kết nối với những doanh nghiệp đã đặt mối quan hệ, sắp xếp lịch và cho sinh viên đăng ký tham dự quanh năm.
Các doanh nghiệp đa dạng mọi lĩnh vực hoạt động – từ kỹ thuật, công nghệ đến kinh tế, nhà hàng, khách sạn. Nhiều sinh viên không bỏ qua bất kỳ cuộc tham quan doanh nghiệp nào trong suốt 4 năm đại học.
Ông Châu cho biết đây như là một hình thức “hướng nghiệp” cho sinh viên, bởi với cùng một ngành học, sinh viên sẽ có nhiều hướng làm việc khác nhau khi ra trường. Chẳng hạn cùng trong mảng ngân hàng, sinh viên có thể làm giao dịch viên, lại có thể làm back-office, rồi ngay trong bộ phận back-office lại có thêm hàng loạt đầu việc khác nhau.
“Khi trực tiếp đến một ngân hàng, được các chuyên gia tư vấn từng công việc trên, các em sẽ phát hiện mình yêu thích hướng đi nào. Từ đó, các em sẽ lên kế hoạch học tập cho phù hợp” – ông Châu nói.
“Soi rọi” lại chương trình học
ThS Đặng Bá Ngoạn – phó trưởng phòng quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – chia sẻ mục đích chung của các chuyến tham quan doanh nghiệp được trường tổ chức quanh năm là đưa sinh viên đến những không gian làm việc thực tế.
Đặc biệt với những sinh viên khối ngành kỹ thuật, các bạn có thể tận mắt nhìn, nghe, sờ trực tiếp những máy móc, trang thiết bị ở các nhà xưởng, nhà máy. Một số dây chuyền ở các công ty như Intel, Samsung hay nhiều đơn vị ở các khu công nghiệp tại Bình Dương, Biên Hòa… giúp nhiều bạn lần đầu tiếp xúc các công nghệ ở quy mô lớn.
Thầy Ngoạn cho biết thông thường các công ty sẽ cử những chuyên gia kỹ thuật giới thiệu cho các bạn những loại máy móc, quy trình hoạt động, thậm chí cho các bạn xem toàn bộ một dây chuyền từ khâu chọn nguyên liệu cho đến khi ra băng chuyền thành phẩm.
“Từ đó, các bạn sẽ nắm rõ hơn đâu là những phần kiến thức trong chương trình cần thiết khi ra làm thực tế tại doanh nghiệp. Các bạn sẽ có thể “soi rọi” lại chương trình đào tạo. Những bạn nào chưa học các kiến thức này sẽ đánh dấu để chú ý hơn, những bạn đã học qua rồi mà chưa vững sẽ tự giác biết tìm hiểu lại” – ông Ngoạn nói.
Ông chia sẻ thêm: “Thậm chí, một số công ty còn mời sinh viên trải nghiệm nơi… ăn, ngủ của nhân viên. Các bạn được ăn trưa chung với nhân viên, được trò chuyện cùng các anh chị. Như vậy, các bạn gần như hiểu tường tận mọi mặt trong một công ty để có những chuẩn bị về hành trình tìm việc của mình sau này”.
TS Nguyễn Thanh Phương – trưởng phòng quan hệ doanh nghiệp và việc làm sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành – cho biết để một chuyến đi đến doanh nghiệp có thể hiệu quả nhất cho sinh viên, khâu chuẩn bị từ phía nhà trường là rất quan trọng. Kịch bản từng hoạt động sẽ được lên một cách chi tiết, ngoài ra tùy vào từng đối tượng của sinh viên sẽ có những điểm nhấn riêng.
Ông Phương cho rằng trong cùng một lĩnh vực, giữa hai doanh nghiệp khác nhau, chương trình cũng sẽ phải có sự điều chỉnh. Ví dụ, đều là một ngày học hỏi tại ngân hàng, nhưng nhà trường sẽ thiết kế thế nào để các bạn thấy rõ những “điểm cộng”, “điểm trừ” riêng về môi trường làm việc giữa hai ngân hàng.
“Điều này sẽ giúp sinh viên không chỉ hiểu những bộ phận trong cùng một doanh nghiệp mà còn giúp sinh viên có sự so sánh giữa các doanh nghiệp với nhau, xem đâu là môi trường phù hợp nhất để bản thân hướng tới sau khi tốt nghiệp” – ông Phương nhấn mạnh.
Sinh viên sợ những chuyến đi “lùa gà”
T.H. – sinh viên năm 3 tại trường thành viên thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM – chia sẻ bên cạnh những chuyến tham quan doanh nghiệp có nội dung hữu ích, không ít lần bạn “dính” phải những chuyến đi “phí thời gian”. T.H. gọi đó là những chuyến theo kiểu “lùa gà”, doanh nghiệp muốn tập trung sinh viên đến đông để đơn thuần quảng cáo về công ty, sản phẩm, dịch vụ của mình.
“Có những chuyến sinh viên đến công ty bất động sản, doanh nghiệp thao thao bất tuyệt về mấy… lô đất. Sinh viên có tiền đâu mà mua” – T.H. nói.
Rút ngắn khoảng cách tuyển dụng
Về phía doanh nghiệp, chị Nguyễn Thị Kim Hồng rất mong muốn qua những hoạt động kết nối với trường đại học, doanh nghiệp có thể “rút ngắn” khoảng cách với các ứng viên trẻ tiềm năng.
Chị cho biết mỗi năm, doanh nghiệp mình phải tuyển thêm hàng ngàn vị trí khác nhau, vì vậy những chuyến gặp gỡ với sinh viên là cơ hội để doanh nghiệp đặt hàng từ trước với các bạn. Những bạn trẻ nếu yêu thích môi trường làm việc ở một công ty thì có thể biết sẽ cần chuẩn bị gì từ sớm để trở thành một nhân viên chính thức.
Theo Báo Tuổi Trẻ