Kỳ thi đánh giá năng lực đợt một của Đại học Quốc gia Hà Nội có gần 4.000 thí sinh dự thi để giành suất sớm vào đại học.
10h sáng 10/3, Bùi Yến Nhi, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, tỉnh Nghệ An, hoàn thành bài thi đánh giá năng lực kéo dài hơn ba tiếng của Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhi và hơn chục bạn cùng lớp xin nghỉ học hai ngày, ra Hà Nội từ sáng hôm qua để chuẩn bị.
Bài thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội gồm ba phần Toán, Văn học – Ngôn ngữ, Khoa học tự nhiên – xã hội, mỗi phần 50 câu hỏi. Vì thi trắc nghiệm trên máy, Nhi biết kết quả ngay, đạt hơn 50/150 điểm.
Nhi cho biết đề thi có nhiều phần kiến thức em chưa học tới, áp lực thời gian cũng như không có thế mạnh các môn tự nhiên nên làm bài chưa như mong muốn.
“Em sẽ đăng ký thi tiếp vào đợt tháng 5 hoặc 6 để cải thiện điểm số”, Nhi nói, chia sẻ dự định dùng điểm để đăng ký ngành Báo chí, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nguyễn Phạm Huy Hoàng, THPT Vũ Văn Hiếu, Quảng Ninh, cũng thi đánh giá năng lực để thêm cơ hội trúng tuyển vào ngành học này của trường Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Tuy nhiên, Hoàng rời phòng thi với tâm trạng khá thoải mái. Nam sinh đã có giải học sinh giỏi tỉnh môn Địa lý, đủ điều kiện xét tuyển thẳng hoặc kết hợp với học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT vào nhiều trường.
Hoàng cho biết vì chưa học hết chương trình lớp 12, em gặp khó khăn ở những câu Toán học về số phức, phương trình mặt phẳng. “Một số câu em bấm được máy tính, còn lại khoanh bừa”, Hoàng nói.
Ngược lại, nam sinh làm tốt phần sở trường Văn học – Ngôn ngữ, đạt tổng 70/150 điểm. Năm ngoái, ngành này lấy 80 điểm, nên Hoàng sẽ đăng ký thi đánh giá năng lực một lần nữa để cải thiện kết quả.
Phạm Bảo Khôi, trường THPT Ngô Sĩ Liên, Bắc Giang, nhận xét đề thi có kiến thức trải rộng từ lớp 10 đến 12, do đó không thể học tủ, học thuộc. Để đạt kết quả tốt, học sinh cần chủ động đọc, nắm kiến thức từ sớm, không nên nhồi nhét trong ít tháng cuối cùng.
Về phía mình, nam sinh cho biết kết quả 85 điểm chưa như mong muốn nên sẽ thi tiếp đợt sau, đặt mục tiêu hơn 100 điểm.
Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2023 dự kiến dành ít nhất 30% tổng chỉ tiêu của các trường thành viên cho xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực. Điểm của kỳ thi này cũng được khoảng 70 trường đại học khác công nhận, dùng để xét tuyển đầu vào.
Ông Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết đợt một thi đánh giá năng lực diễn ra tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Ngân hàng và Trường Đại học Thăng Long. Tổng số thí sinh đợt này là gần 3.900, thấp hơn một nửa so với số chỗ dự kiến. Theo ông Thảo, lý do bởi thời điểm này, học sinh chưa hoàn thành chương trình THPT.
Bảy đợt thi đánh giá năng lực còn lại của Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ diễn ra đến hết 4/6. Đợt thi thứ hai vào ngày 25-26/3 tại tám điểm thi ở Hải Phòng, Hà Nội. Thí sinh thi đợt này đã đăng ký từ đầu tháng 2. Với các đợt thi tháng 3-4, số thí sinh đăng ký là gần 45.000. Đợt thi tháng 5-6 sẽ nhận đăng ký từ 18/3, phục vụ khoảng 50.000 thí sinh.
Mùa tuyển sinh năm nay, 10 đơn vị đã thông báo tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh, gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Quốc gia TP HCM, Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Sư phạm TP HCM, trường Đại học Việt Đức, trường Đại học Sài Gòn, Đại học Ngân hàng TP HCM và các trường thuộc Bộ Công an.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, các trường dành hơn 30.000 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Tỷ lệ nhập học theo phương thức này chiếm khoảng 2% tổng số thí sinh nhập học của tất cả phương thức.\
Theo Báo Vn Express