Học tập thế nào để ra trường tránh được nguy cơ thất nghiệp?

0
3700

Đầu tư thời gian để học thêm một hay nhiều ngoại ngữ luôn là điều cần thiết. Khi ra trường, bạn sẽ hiểu rằng nếu không nắm trong tay một ngoại ngữ nào thì bạn sẽ bị “đào thải”, cơ hội tìm việc của bạn sẽ ít đi rất nhiều.

Tập trung học hành

Giảng đường đại học không quá bắt buộc phải đến lớp đầy đủ như cấp 3, ở giảng đường đại học giáo viên cũng sẽ không thông báo đến phụ huynh hôm nay bạn cúp học hay bỏ tiết vì số học sinh có thể lên đến hàng trăm… Vậy nên, nếu bạn không tự giác, không thấy được tầm quan trọng của việc học thì sẽ dễ dàng “tự cho phép” mình cúp tiết đôi khi không vì lý do gì cả!

Mỗi sinh viên cần xác định rõ mục tiêu và việc cần ưu tiên số 1 của mình là học tập và hãy tập trung làm thật tốt việc này. Dù là tân sinh viên hay sắp rời xa cánh cổng đại học, đừng bao giờ ngừng học hỏi nâng cao tri thức của bản thân để không phải hối tiếc rằng “Giá như trước kia mình chăm chỉ học hành hơn thì…”!

Chủ động học hỏi, khám phá

Học tập thế nào để ra trường tránh được nguy cơ thất nghiệp? - Ảnh 1.

Thay vì chỉ nhanh nhanh chóng chóng học cho xong bài vở trên lớp, làm bài tập về nhà cho có, bạn có thể nâng cao kiến thức bằng cách học hỏi những bạn bè xung quanh. Hoặc thay vì chỉ sử dụng internet để vào facebook, hãy tìm kiếm những nguồn tài liệu để học thêm. Hoặc sẽ thật tuyệt nếu bạn tạo cho mình thói quen đọc sách nữa. Những điều này sẽ giúp bạn hiểu thêm nhiều điều, nền tảng kiến thức sẽ đa dạng phong phú hơn.

Ngoại ngữ là điều không thể thiếu

Thời đại ngày nay, ngoại ngữ là yếu tố không thể thiếu, mỗi sinh viên cần ý thức được tầm quan trọng của nó. Đầu tư thời gian để học thêm một hay nhiều ngoại ngữ luôn là điều cần thiết. Khi ra trường, bạn sẽ hiểu rằng nếu không nắm trong tay một ngoại ngữ nào thì bạn sẽ bị “đào thải”, cơ hội tìm việc của bạn sẽ ít đi rất nhiều. Với thực tiễn đó, không ít bạn kêu than, biết thế trước kia cố gắng học tiếng Anh, tiếng Trung… Để không muốn gặp phải trường hợp tương tự, ngay từ bây giờ sinh viên hãy nghiêm túc bắt tay vào việc học thêm ngoại ngữ thôi!

Nâng cao các kĩ năng mềm

Kiến thức chuyên ngành mà bạn có được ở trường đại học là yếu tố quyết định giúp các sinh viên có thể lập nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên, ngoài kiến thức chuyên môn, để vượt qua thử thách và những khó khăn trong bước đường phía trước mỗi sinh viên cần có và nâng cao các kĩ năng mềm: Kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng viết CV tìm việc và trả lời phỏng vấn tuyển dụng…

Học tập thế nào để ra trường tránh được nguy cơ thất nghiệp? - Ảnh 2.

Thực tế, khi còn ngồi trên ghế nhà trường nhiều sinh viên thường ít chú trọng đến vấn đề này, đến khi ra trường mới thấy bản thân còn nhiều thiếu sót. Thế nên, bên cạnh việc học kiến thức mỗi sinh viên cần trang bị thêm cho mình những kỹ năng cần thiết bởi kỹ năng mềm sẽ quyết định bạn là ai, làm việc thế nào, là thước đo hiệu quả cao trong công việc.

Đi thực tế để trải nghiệm những kiến thức đã học

“Học đi đôi với hành” là câu nói đúng trong mọi thời điểm, dù bạn đang còn là học sinh sinh viên hay đã rời ghế nhà trường bắt đầu tìm kiếm cho mình một công việc. Đừng để kiến thức học được nằm một chỗ hay chỉ chăm chăm học chỉ để ôn thi, xong để đấy. Nếu có thể, hãy đi thực tế để trải nghiệm để bạn có thể hiểu rõ hơn và kiến thức sẽ sâu hơn so với việc chỉ học trên sách vở.

Việc đi thực tế này sẽ giúp ích rất nhiều cho ngành học của bạn. Ví như bạn học du lịch thì trong quá trình học tập hoặc làm thêm ắt hẳn bạn sẽ có những chuyến đi đến những vùng đất mới tìm hiểu thêm về văn hóa, địa lý vùng miền… Hay như ngành sư phạm, bạn hoàn toàn có thể tham gia những chuyến đi thiện nguyện để có cơ hội giảng dạy các em nhỏ. Điều này vừa giúp bạn có cơ hội thực hành những điều đã học, vừa khiến bạn yêu nghề nhiều hơn…

tri thức trẻ